Quốc hội thảo luận về phòng, chống tội phạm:

Còn 'lọt lưới' những con cá to

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sáng 21/11, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của TANDTC, Viện KSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Còn 'lọt lưới' những con cá to ảnh 1
ÐBQH Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận), cho rằng ở đâu người đứng đầu có trách nhiệm cao, ở đó công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thực hiện tốt hơn. Ảnh: Như Ý

Tội phạm tham nhũng, kinh tế rất phức tạp

Liên quan đến tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 81,61%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 93,2%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,62%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, số vụ phạm tội về trật tự xã hội tăng 18%, trong đó nhiều loại tội phạm tăng cao và có xu hướng phức tạp trở lại.

Cũng trong thời gian qua, Chính phủ tiếp tục rà soát, khắc phục sơ hở, thiếu sót để phòng ngừa tội phạm; chủ động nhận diện, phát hiện phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp…

Tại phiên thảo luận, ĐBQH Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hoà) băn khoăn bức tranh chung về tình hình an ninh, trật tự xã hội trong năm qua còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Cụ thể như, toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội về trật tự xã hội, tăng 18%. Trong đó, các loại tội giết người, cướp tài sản, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi… tăng mạnh. Tội phạm ma túy ngày càng tăng cao và nguy hiểm hơn, nhiều loại “núp bóng” thuốc lá điện tử, đồ uống, thực phẩm… gây tác hại nhiều mặt đến người sử dụng, nhất là thanh thiếu niên và đe dọa đến an ninh trường học.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga khẳng định, hầu hết các loại tội phạm đều gia tăng, trong đó, vấn đề mua bán người đang diễn biến rất phức tạp. Số đối tượng mua bán người bị khởi tố tăng 34,88% so với cùng kỳ. Thủ đoạn nổi bật là ép nạn nhân làm mại dâm hoặc cưỡng bức lao động. Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng mua bán bào thai, mua bán nam giới, tuyển dụng làm “việc nhẹ, lương cao” tại các cơ sở lao động bất hợp pháp ở nước ngoài... Đặc biệt, tội phạm xâm hại trẻ em tăng so với năm 2022 là 41,88%. Xảy ra nhiều vụ việc người thân, người có trách nhiệm nuôi dưỡng xâm hại thân thể, tính mạng, xâm hại tình dục trẻ em gây bức xúc dư luận.

Trước tình hình trên, các ĐBQH đề nghị quan tâm, triển khai nhiều giải pháp để vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an sinh và xã hội. ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) cho rằng, công tác đánh giá, dự báo tình hình chưa tốt và công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức dẫn tới hiệu quả còn thấp. Phương thức cảnh báo về các thủ đoạn phạm tội, lừa đảo chưa kịp thời...

Tội nhận hối lộ tăng 346%

ÐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Ðồng Tháp) quan tâm đến tội phạm tham nhũng, chức vụ tăng cả về số vụ và số người, trong đó tội nhận hối lộ tăng 346%. Các vụ án tham nhũng lớn, đối tượng cầm đầu mặc dù được ngăn chặn kịp thời, nhưng vẫn còn “lọt lưới” những con cá to trốn khỏi đất nước chưa bắt giữ được, gây khó khăn cho công tác tố tụng.

Phát huy vai trò người đứng đầu

Liên quan tới công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong năm qua đã có hơn 7 nghìn cuộc kiểm tra được tiến hành và phát hiện 331 vụ việc, 624 người vi phạm (tăng 16% số vụ vi phạm so với năm 2022). Trong số các vụ việc, 55 người là cấp trưởng, cấp phó của các đơn vị đã được kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. 13 người trong số đó đã bị xử lý hình sự, 42 người bị xử lý kỷ luật. Với các vụ án tham nhũng, cơ quan thi hành án hiện đã thi hành xong hơn 2.200 vụ, thu hồi hơn 20.405 tỉ đồng.

Liên quan đến thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) của người có chức vụ, quyền hạn, trong kỳ đã có hơn 60 nghìn người kê khai TSTN lần đầu; hơn 545 nghìn người đã kê khai TSTN hằng năm. Kết quả xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 là hơn 13 nghìn người; có hơn 2.600 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định…; có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai TSTN và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, một số hạn chế đã tồn tại kéo dài qua nhiều năm nhưng chậm được khắc phục, như việc bố trí, bổ nhiệm người nhà, người thân thích vào các chức danh lãnh đạo quản lý trong cùng một cơ quan, tổ chức, đơn vị trái quy định vẫn còn xảy ra. Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng còn có những vướng mắc. Việc kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn vẫn còn có những hạn chế; kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai TSTN không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.

Cũng tại phiên họp, ĐBQH Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) cho rằng, tham nhũng, tiêu cực ngày một tinh vi hơn, vẫn còn tham nhũng vặt và nhũng nhiễu đối với các doanh nghiệp và người dân. Thậm chí tham nhũng tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong một số cơ quan thanh tra, kiểm tra và điều tra, xét xử. Để tăng cường hiệu quả phòng, chống tham nhũng, ĐBQH đề nghị phát huy vai trò của người đứng đầu.

“Thực tiễn đã chỉ ra rằng, ở đâu người đứng đầu có trách nhiệm cao, gương mẫu, sâu sát trong công tác quản lý, cương quyết với những sai phạm thì ở đó công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện tốt hơn và ngược lại”, bà Linh nói.

Trong khi đó, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) quan tâm đến tội phạm tham nhũng, chức vụ tăng cả về số vụ và số người, trong đó tội nhận hối lộ tăng 346%. Các vụ án tham nhũng lớn, đối tượng cầm đầu mặc dù được ngăn chặn kịp thời, nhưng vẫn còn “lọt lưới” những con cá to trốn khỏi đất nước chưa bắt giữ được, gây khó khăn cho công tác tố tụng. Tài sản tham nhũng được thu hồi cao hơn cùng kỳ, nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Ông Hòa mong Chính phủ, các ngành chức năng có đánh giá thật kỹ, khách quan, cầu thị về những thực trạng trên, tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục hữu hiệu, lấy lại lòng tin với người dân, nhất là các vụ án nghiêm trọng.

MỚI - NÓNG