Nhiều trường tiểu học đang triển khai dạy học trực tuyến qua truyền hình. Phụ huynh được gửi bài học để in, được thông báo giờ học để yêu cầu con ngồi vào bàn học, chuẩn bị máy tính, hỗ trợ kỹ thuật, giám sát con học và chụp kết quả bài tập gửi giáo viên. Chưa kể, trong chương trình tinh giản hiện nay, nhiều bài học được chuyển thành tự học, phụ huynh hỗ trợ nhưng không phải phụ huynh nào cũng nắm được nội dung.
Lúng túng
Chị Trần Thị Thanh Tâm, có con học ở Trường tiểu học Lương Thế Vinh (TPHCM) phản ánh, giáo viên lóng ngóng, giáo án sơ sài, có cô dạy Tiếng Anh không yêu cầu học sinh tắt mic nên lớp học 50 em ồn ào. “Có giáo viên chạy slide nhưng không biết dùng, cứ để trôi bài sau đó lần đi tìm lại. Có giáo viên nhà mạng yếu, suốt buổi học thoát ra đến 3 lần, học sinh không nhìn thấy mặt cô”, chị Tâm nói. Theo chị, với Toán, Tiếng Việt, phụ huynh có thể phụ đạo được, còn Tiếng Anh dạy không hiệu quả mà vẫn công nhận kết quả, thì học sinh dễ hổng kiến thức.
Ở xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, chị Trần Thị Hằng có con học lớp 1, nhưng từ ngày con được nghỉ, chị vẫn phải đi chợ bán hoa quả mưu sinh từ 5 giờ sáng đến 7 giờ tối. Con chị Hằng ở nhà tự chơi đùa với bạn, không biết học trực tuyến là gì. “Cô cũng có giao bài tập đã được in sẵn nhưng chị bận tối ngày, thời điểm dịch bệnh, lượng hàng bán cũng bị giảm sút phải đi nhiều nơi hơn để bán rong nên gần như con không được học hành gì”, chị nói.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Tây Hồ (Hà Nội) nói rằng, bà không đánh giá cao hiệu quả của dạy học trực tuyến, chủ yếu để cô trò gặp nhau, không quên kiến thức. Chưa kể, có em về quê, có em phụ huynh đi làm nên không phải ai cũng tham gia được. Vì thế, nhà trường xác định, sau khi đi học trở lại sẽ có học sinh rất giỏi, đã nắm kiến thức và có học sinh rất chậm, gia đình không quan tâm được nên phải có kế hoạch để dạy lại, bồi dưỡng những em đó, nếu không chất lượng sẽ không đồng đều.
Nhiều khó khăn
Hướng dẫn dạy học trực tuyến, truyền hình của Bộ GD&ĐT mới đây quy định trách nhiệm giám sát, hỗ trợ quá trình học tập qua internet của học sinh là phối hợp với giáo viên, hướng dẫn học sinh hoàn thành nhiệm vụ và nộp sản phẩm học tập cho giáo viên để kiểm tra, đánh giá. Nhiều nhà quản lý giáo dục địa phương khẳng định, phương thức dạy học mới này nếu thiếu vai trò của phụ huynh sẽ thất bại.
Bà Phạm Thị Yến, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B, quận Ba Đình (Hà Nội), hiện là hiệu trưởng một trường tiểu học tư thục, nói rằng không phải học sinh nào cũng có cơ hội học trực tuyến nên giáo viên vẫn phải giao bài qua Zalo, Gmail… để phụ huynh in cho học sinh làm; trình độ sử dụng công nghệ thông tin của giáo viên, nhà trường ở nông thôn, thành thị khác nhau. Đặc biệt, ở nông thôn, cha mẹ đi làm, không có điều kiện máy móc thì dạy học trực tuyến khó triển khai, dẫn tới chất lượng học tập không đồng đều.
Thầy Nguyễn Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kỳ Khang 1, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), chia sẻ, Kỳ Khang là xã nghèo nên trường gặp nhiều khó khăn khi triển khai dạy học trực tuyến. Đội ngũ giáo viên sẵn sàng nhưng chỉ có khoảng 1/8 gia đình học sinh có máy tính nối mạng. Đa số phụ huynh vẫn phải kiếm sống, không có điều kiện, thói quen quen kèm cặp, hướng dẫn con học. Vì thế, trường phải nghĩ cách để tiếp cận, hỗ trợ học sinh. Ví dụ, in bài tập gửi đến phụ huynh, gọi điện cho phụ huynh để nhắc nhở kèm cặp con học bài...
9 môn học từ lớp 1 đến lớp 5 đã được Bộ GD&ĐT tinh giản khá nhiều nội dung, trong đó nhiều bài học chuyển thành “không dạy”, học sinh tự đọc thuộc lòng ở nhà.