HĐND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Nghị quyết số 191, đặt tên đường lần thứ 19 trên địa bàn TP. Đồng Hới, trong đó đặt tên mới cho 108 tuyến đường và đặt tên cho 8 tuyến đường kéo dài.
Trong 108 tuyến đường được đặt tên mới, có 99 tuyến đường mang tên danh nhân (gồm 58 danh nhân trong nước, 41 danh nhân địa phương), 4 tuyến đường mang tên di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, địa danh, một tuyến đường mang tên danh từ có ý nghĩa tiêu biểu, 2 tuyến đường mang tên sự kiện lịch sử, 2 tuyến đường mang tên Quốc hiệu đất nước qua các thời kỳ.
Đặc biệt, trong đợt đặt tên đường lần này ở xã Bảo Ninh có tuyến đường mang tên cố GS,TSKH Võ Hồng Anh, là con gái đầu và duy nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhà cách mạng, liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái.
Tuyến đường có chiều dài 630 m, rộng 32 m, điểm đầu giáp đường Võ Nguyên Giáp, điểm cuối giáp đường quy hoạch 36 m.
Con đường mang tên GS,TSKH Võ Hồng Anh nằm ở khu đô thị hiện đại bậc nhất Quảng Bình hiện nay. |
GS,TSKH Võ Hồng Anh (1941-2009, có tài liệu nói sinh năm 1939), là nữ giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng về ngành toán lý không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới.
Năm 1954, Võ Hồng Anh sang Liên Xô và theo học trường Thiếu nhi Việt Nam Internat Moskva. Bà tốt nghiệp phổ thông vào năm 1959.
Sau đó, bà theo học ngành vật lý lý thuyết lượng tử tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov Moskva. Năm 1965, bà tốt nghiệp bằng đỏ (hạng ưu).
Năm 1969, bà bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Toán - Lý về lý thuyết Plasma. Từ năm 1969 đến 1971, bà làm cộng tác viên khoa học tại Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Dubna - một cơ sở khoa học quốc tế có uy tín của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa.
Năm 1972, bà về nước, làm việc tại Viện Vật lý Hà Nội. Ở đây, bà tiếp tục nghiên cứu một số vấn đề về lý thuyết chất rắn.
Con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp chạy dọc bờ biển Bảo Ninh, TP. Đồng Hới. |
Năm 1979, bà Võ Hồng Anh trở lại công tác tại Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Dubna. Năm 1982, bà bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Toán - Lý. Bà Võ Hồng Anh là người phụ nữ đầu tiên của ngành vật lý Việt Nam được tặng giải thưởng Kovalevskaia vào năm 1988.