Con đường khởi nghiệp của chàng trai nghèo xứ Thanh

Nguyễn Văn Tứ bên cạnh bản sao tấm ảnh men màu tặng đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nguyễn Văn Tứ bên cạnh bản sao tấm ảnh men màu tặng đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Từ một chàng trai nghèo khó ở vùng biển Thanh Hóa, Nguyễn Văn Tứ đã phải làm thuê kiếm tiền, tạo lập công ty ảnh men màu cho riêng mình.

Ngày cuối tuần, cơ sở thiền kết hợp với xông hơi miễn phí tại phường Tân Tiến, TP Biên Hoà tỉnh Đồng Nai khá đông người. Trong màu áo lam giản dị, phong thái điềm tĩnh, Nguyễn Văn Tứ, chủ nhân và cũng là người phát minh ra lều xông hơi cho biết lều được thiết kế bằng gỗ thông chắc chắn, có mùi thơm dễ chịu, được bao bọc bởi tấm bạt kín hình kim tự tháp. Nếu thấy quá nóng, quá nhiều hơi có thể kéo khóa cho cửa mở để giảm nhiệt. Trong lều có tấm gỗ tựa lưng dành cho ai chưa quen ngồi, đồng thời cũng giúp lưng thẳng đứng khi thiền. Phía dưới là nồi nước xông nấu loại thuốc dân gian, gia truyền của người Dao đỏ chuyển về từ Lào Cai.

Ý tưởng “Lều xông hơi” của Nguyễn Văn Tứ sau khi đạt giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2010, đã được anh phát triển thành 7 sản phẩm bản quyền và tiến hành làm thương mại. Nhưng theo Tứ, anh quyết định bán sản phẩm này ra thị trường chủ yếu để duy trì hoạt động hỗ trợ miễn phí cho nhiều người nghèo tìm đến đây chữa bệnh. Còn kinh doanh chính vẫn từ công ty làm ảnh men màu.

Xuất thân từ làng quê nghèo vùng biển xã Hải Thanh, huyện Tịnh Gia, Thanh Hóa, Nguyễn Văn Tứ (sinh năm 1974) từ nhỏ đã có mong ước giúp gia đình thoát khỏi nghiệp chài lưới quá cơ cực. Vì vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Tứ đã say mê mày mò làm nhiều thứ khác nhau như tự sửa khóa, học điêu khắc truyền thần trên đá đen, làm pháo nổ... Thậm chí, anh còn nuôi ý tưởng làm một chiếc xe tương tự như xe đạp điện hay ôtô 3 bánh.

Vì cuộc sống khó khăn, gia đình Tứ di cư vào Đồng Nai mưu sinh lúc anh mới tốt nghiệp cấp 3, bố mẹ dù lớn tuổi vẫn phải nuôi lợn gà kiếm sống. Tài sản trong nhà lúc đó chỉ có một đồ vật quý giá là chiếc TV trắng đen. Lúc này, Tứ nghĩ đi học tiếp không giải quyết được vấn đề, nên đi làm nghề điêu khắc truyền thần trên mộ bia để phụ giúp gia đình. Trong đầu Tứ luôn suy nghĩ mình phải làm sao để một ngày năng suất bằng 10 người khác.

“Tôi học truyền thần điêu khắc trên đá đen 15 phút là hiểu. Người ta làm lâu vì tỉ mỉ mọi chi tiết, còn tôi chỉ tập trung vào phần chân dung, vì chân dung bao gồm mắt, mũi, miệng mới tạo ra cái hồn của sản phẩm. Tôi phá những chi tiết vụn vặt xung quanh rất nhanh, sau đó mới tập trung phần chân dung”, Tứ nhớ lại.

Vì tìm ra cách làm riêng, năng suất cao, tiền Tứ kiếm được khá nhiều nhưng anh vẫn cảm thấy không hài lòng vì sản phẩm  thủ công điêu khắc dễ bị bay màu, sờn bạc. Vậy là Tứ tự mình nghiên cứu in hình lên men, vì anh nghĩ công nghệ này sẽ giúp sản xuất nhiều sản phẩm hơn, lại có độ bền lâu dài.

Con đường khởi nghiệp của chàng trai nghèo xứ Thanh ảnh 1

Lều xông hơi kết hợp với thiền giúp trị bệnh.

Năm 1993, Tứ bắt đầu nghiên cứu về hình men trắng đen trước. Vì không có tiền học nghề nên anh tự nghiên cứu, mày mò phương pháp để có được công nghệ in trung thực như ảnh giấy. 

"Thời gian đó muốn học nghề in hình trắng đen phải tốn 20 cây vàng, mà nếu học  thì cũng chỉ in được trắng đen, không đáp ứng mong muốn in màu của tôi", Tứ cho biết.

  

Ban đầu, Tứ ra nghĩa trang, đứng nhìn chăm chú những bức hình trắng đen trên bia mộ hàng giờ đồng hồ trong 3 ngày liên tiếp. Anh nhìn và ghi nhận, đặt những câu hỏi liên tục: Sao có thể in được vào men? Sao nó có độ bền như vậy? Sử dụng hóa chất nào...?       

Trở về nhà, anh bắt tay tìm mua những vật dụng phế thải như phim X-quang, đèn chiếu, hóa chất... tự nghiên cứu thí nghiệm để tìm ra phương pháp in ảnh men màu. Sau khi tiến hành nhiều công đoạn thử sai liên tục như pha màu, phơi sáng, cân chỉnh ánh sáng, dùng máy li tâm, đổ màu lên, chuyển từ phơi sáng bằng mặt trời sang bằng đèn, cân chỉnh thời gian... Cứ thế, Tứ lặp đi lặp lại công việc này liên tục trong 3 năm, qua hàng nghìn thí nghiệm.  

Năm 1996, thí nghiệm cuối cùng đã đem lại sự thành công cho Tứ. Để màu sắc nét hơn, anh tìm hiểu về công nghệ in offset, công nghệ tách bản quang cơ. Điều còn lại chỉ cần phối màu, tư duy cảm quang và cân chỉnh sắc độ để sản phẩm có màu như ý.

Sau đó, một mình Tứ đi khắp các đại lý ở Đồng Nai và TP HCM để tiếp thị. Với sản phẩm mới lạ và đáp ứng nhu cầu, các đại lý nhanh chóng tự tìm đến và đặt hàng. Tứ cải tiến máy móc, công nghệ, đào tạo nhân sự, thành lập xưởng sau một năm và tạo công ăn việc làm cho những người trong dòng họ. 

Năm 2005, anh thành lập công ty ảnh men màu được xem là đầu tiên trên thị trường và đặt tên là Thiên Tạo. Sản phẩm của công ty chủ yếu phục vụ cho phân khúc hình trên mộ bia. Sản phẩm ảnh nhỏ nhất 3x4cm cùng bảng tên giá 70.000 đồng; ảnh lớn nhất 30x45cm giá 550.000 đồng. Hiện công ty có 25 nhân viên và gần 500 đại lý trên toàn quốc, doanh số hơn 350 triệu đồng mỗi tháng, dịp cao điểm, nhất là Tết Thanh Minh lên đến một tỷ đồng. 

Khách hàng chủ yếu của Thiên Tạo là những cơ sở làm mộ, bia... Họ chủ yếu xuất thân từ tầng lớp lao động, làm theo phương thức gia truyền trong họ hàng. Chính vì vậy, chỉ cần sản phẩm tốt sẽ được truyền miệng, giới thiệu lẫn nhau trong giới làm mộ.

Tuy nhiên, làm trong ngành này, với đối tượng khách hàng như vậy, công ty của Tứ cũng gặp không ít khó khăn. Mỗi sản phẩm ra lò phải qua nhiều công đoạn dây chuyền, nếu một công đoạn làm sai, sản phẩm sẽ bị lỗi, đặc biệt là khi khách cần gấp. Ngoài ra, phần lớn  khách hàng làm mộ không quen ký hợp đồng dẫn đến nhiều công nợ xấu. Bên cạnh đó, có trường hợp nhân viên ra làm nghề, giành khách của anh bằng cách giảm  giá.

Mới đầu Tứ rất bực, nhưng sau đó anh suy nghĩ theo hướng tích cực: “Nhờ có họ cạnh tranh nên mình càng chăm chút vào chất lượng sản phẩm hơn. Chứ nói thật là trước kia công ty tôi... siêu lợi nhuận vì hoàn toàn độc quyền". Hiện tại, công ty đang thử nghiệm để mở rộng sang phân khúc ảnh thờ, ảnh ở các chùa, ảnh lưu niệm...

Từ sau khi đích thân theo học khóa phương pháp thiền từ Nhật Bản trở về và sáng tạo ra sản phẩm lều xông hơi kết hợp với thiền để trị bệnh cho nhiều người, Tứ còn áp dụng phương pháp này để rèn luyện cho nhân viên mình. Anh cho nhân viên thiền, tu tập mỗi buổi sáng từ 7h30 đến 8h sáng để tinh thần minh mẫn và nâng cao đạo đức. 

“Cái đức vô cùng quan trọng, có đức mới giữ được tiền, không có đức thì sẽ phá hỏng hệ tư tưởng và cơ thể”, Tứ khẳng định.

Theo Trần Bé

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.