Còn đâu 'cam Canh, bưởi Diễn, đào Nhật Tân…'?

Còn đâu 'cam Canh, bưởi Diễn, đào Nhật Tân…'?
TP - Chúng tôi theo chân người bạn về xã Xuân Phương (huyện Từ Liêm, Hà Nội) để mua cam Canh, nhưng ngay tại mảnh đất có giống cam “tiến Vua” nức tiếng này (trước thuộc xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Tây) bây giờ chẳng dễ kiếm được…

Mỗi khi Tết đến xuân về, người ta lại nhắc đến những sản vật đặc trưng của từng vùng quê như cam Canh, bưởi Diễn, đào Nhật Tân… Thế nhưng, trong quá trình tìm hiểu thông tin cho loạt bài này, nhiều lúc chúng tôi đã không thể tin vào những gì mắt thấy tai nghe, vì sự biến thiên cùng thời gian của các sản vật đó.

Từ số báo này, Tiền phong đăng loạt bài xung quanh các đặc sản nức tiếng một thời.

Khác hẳn với những gì chúng tôi bắt gặp trên phố, vào bất kỳ một cửa hàng bán trái cây tươi nào cũng được người bán hàng chào mời mua “cam Canh”, suốt quãng đường dài về vùng đất có giống cam này, chúng tôi không dễ dàng để tìm được cam Canh “xịn”.

Khi nhận được đề nghị của chúng tôi, hầu như ai cũng lắc đầu: “Làm gì có cam Canh mà mua chứ?; “Tìm được cam Canh chính hiệu, bây giờ hơi khó đấy! …”. Băn khoăn trước những gì mà người dân hai bên đường nói, chúng tôi tìm vào UBND xã xem thực hư chuyện này ra sao.

Anh Nguyễn Hữu Khoa- Phó trưởng Công an xã Xuân Phương, vừa nghe chúng tôi đề cập đã thốt lên: “Đến như chúng tôi là dân gốc ở đất này mà bây giờ muốn mua ít cam làm quà còn khó, huống là…

Trận mưa đá tai quái cuối năm ngoái đã khiến cam ở đây mất mùa. Nhà tôi cũng có hơn 200 gốc, nếu như mọi năm thu được cả tấn quả thì vụ này chưa nổi 20 kg. Năm nay, cả xã ước tính chưa đầy 1,5 tấn. Mà cam Canh thường thu hoạch vào dịp tháng 9 - 10 (âm lịch) nên đến giờ chẳng còn mấy nữa”.

Tiếp chuyện, anh Khoa phân trần: “Đất trồng cam không có, thì lấy cam ở đâu ra mà bán? Cam bán ở các cửa hàng chỉ là mượn thương hiệu “cam Canh” thôi!”.

Trận mưa đá cuối tháng 11 năm ngoái đã khiến người dân trồng cam Canh ở xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (Hà Nội) rơi vào cảnh dở khóc dở mếu.

Còn đâu 'cam Canh, bưởi Diễn, đào Nhật Tân…'? ảnh 1

Những vườn cam đang thời kỳ phát triển, to chừng nắm tay, rụng xanh cả gốc, cây nào may mắn không bị rụng quả thì cũng bị mưa đá quật cho sất vỏ, dập cành, rồi cuối cùng cũng thối rữa. Trận mưa “chết người” ấy, khiến các hộ dân trồng cam cả vùng lao đao.

Khác với các giống cây khác, cam là loài cây rất khó trồng và chăm sóc. Người trồng cam phải nắm bắt kỹ thuật cẩn thận, nếu không là… công cốc. Từ khi bắt đầu trồng cây, làm thế nào để cây phát triển tốt, tránh được sâu bệnh, nhất là hai loại bệnh thối rễ và vàng lá…

Rồi từng thời kỳ, việc chăm sóc cho cây phát triển và cho quả là cả một bí quyết riêng của những hộ trồng cam ở đây. Thời điểm nào kích thích cho cây ra hoa, làm cách nào để đậu được quả một cách cao nhất, lúc nào thì liên tục chăm bón để giữ được lượng đường khiến cam ngon hơn hẳn với các loại cam khác, khi chín hãm sao cho đúng thời điểm để bán được giá?...

Chính vì thế, mấy năm trở lại đây, diện tích trồng cam ở xã Xuân Phương liên tục bị thu hẹp. Quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh, quỹ đất trồng cam phải nhường lại cho các dự án lớn.

Phần nữa, nghề trồng cam quá vất vả, thường bấp bênh bởi phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thời tiết. Nhưng lý do lớn nhất vẫn là đất trồng cam nằm trên cái thế “địa lợi” ở gần các trường đại học, nên chỉ cần nhường diện tích trồng cam, xây nhà cho sinh viên thuê là có thể kiếm bội tiền, lại chẳng phải vất vả, một nắng hai sương.

Diện tích bị thu hẹp, lại gặp trận mưa đá bất thường khiến giá cam Canh năm nay tăng kỷ lục. Nếu như vào đúng thời điểm thu hoạch (tháng 9 -10 âm lịch) giá cam tại vườn 25.000 - 30.000 đồng/kg thì hiện nay giá cam đã lên hơn 40.000 đồng/kg.

Và theo những người dân ở đây, vào những ngày giáp Tết, giá cam Canh có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba nhưng lượng cam ở đây hầu như không có để đáp ứng. Và vì thế, người dân khắp nơi như Trôi, Phùng… lại mang cam về đây bán và thản nhiên gọi là “cam Canh”.

Làng cam chỉ còn một… vườn

Anh Khoa phải vò đầu bứt tai mãi mới lờ mờ nhớ rằng, đến thời điểm này chỉ duy nhất một nhà còn cam Canh chính hiệu. Đó là nhà anh Nguyễn Ngọc Cường, ở xóm 11, thôn Ngọc Mạch. Nhưng nhà anh Cường trồng cam không phải để lấy quả mà để làm cây cảnh chơi Tết.

Hỏi thăm, rồi lòng vòng mãi trên con đường làng chật hẹp, chúng tôi mới tìm đến được vườn nhà anh Cường, nằm khuất xa ngoài cánh đồng. Khác hẳn với vườn cam xơ xác cỏ dại mọc um tùm dọc hai bên đường, vườn cam hơn 100 gốc nhà anh Cường nặng trĩu quả.

Từng chùm cam chín mọng, căng tròn đang chuyển sang màu đỏ sẫm như xôi gấc nổi bật giữa nền xanh của lá, rất bắt mắt.

Anh Cường cho biết, may mắn cho gia đình nhà anh, vườn cam nằm ở ngoài cánh đồng nên tránh được trận mưa đá. Đợt tháng 9 âm lịch vừa rồi, thu hoạch đợt đầu, gia đình bán được gần 100 triệu đồng.

Hiện còn hơn 100 gốc cam cảnh bán cho những người chơi Tết, lại là vườn duy nhất còn cam ngay chính tại đất cam này nên anh mừng ra mặt, vì sẽ đem lại thu nhập không nhỏ cho gia đình anh.

Mấy tháng trở lại đây, những người buôn bán hoa quả và cây cảnh ở nội thành và các tỉnh lân cận liên tục về thăm và ngỏ ý muốn mua trọn gói những gốc cam này, nhưng anh Cường vẫn một mực từ chối. Anh nói: “Mình có ít cây nên muốn dành cho chính những người thực sự thích chơi cây”.

Mấy ngày gần đây, vườn cam nhà anh liên tục có khách hàng đến thăm và đặt cọc tiền với mong muốn gia đình mình được sở hữu một cây cam Canh chính hiệu trong ngày Tết.

Nhiều cây cam có thế đẹp, sai quả đã có giá đến chục triệu đồng. Anh Cường cho biết, nhiều người khi vừa bước chân vào đây đã không ngần ngại rút tiền ra đặt và hẹn đến ngày gần Tết sẽ quay lại.

Đi dạo một vòng quanh vườn cam, chúng tôi thấy đã có rất nhiều cây cam đã được gắn tên và địa chỉ, trong đó có không ít cây cam là tên của một cơ quan, doanh nghiệp lớn trên địa bàn Hà Nội. Chỉ mấy ngày nữa thôi, họ sẽ cho xe đến để chở về chơi Tết, với mong muốn cây cam “chính hiệu” này sẽ đem lại nhiều tài lộc cho năm mới.

Anh Cường cho biết thêm, mấy năm gần đây, thú chơi cam cảnh trong dịp Tết đã trở thành trào lưu mới của dân Hà thành với mong muốn nó mang lại sự may mắn, sung túc và tiền bạc. 

Chúng tôi ra khỏi vườn cam Canh duy nhất còn lại ở vùng đất nức tiếng một thời khi trời đã sẩm tối. Những làn sương, khói chiều lạnh giáp Tết dường như mờ hơn, nhưng tiếng đon đả chào mời mua cam Canh chính hiệu của người dân hai bên đường, nghe vẫn rõ lắm. Chẳng biết nên buồn hay vui nữa…

Đức Kế - Bùi Việt
(Còn nữa)

MỚI - NÓNG