‘Cơn đại hồng thủy’ miền Trung: Hoạn nạn mới biết lòng người

‘Cơn đại hồng thủy’ miền Trung: Hoạn nạn mới biết lòng người
TPO - Những con người giàu có, như vô cảm với bất kỳ ai bỗng trở nên thánh thiện. Đó là những gì tôi thấy được qua “cơn đại hồng thủy” năm 1999 ở khúc ruột miền Trung.

Nhắc đến các trận lũ lụt lớn ở miền Trung, người ta thường nhớ đến “cơn đại hồng thủy” ở Huế năm 1999. Đây là trận lũ lụt lớn ở Việt Nam, tác hại nằm ngoài sự tưởng tượng của con người và tạo một vết hằn không thể phai mờ trong ký ức của người dân Thừa Thiên.

Trong những ngày ấy, tôi ở Huế học Cao học khóa VIII (1999 – 2001) của trường Đại học Sư phạm. Nhìn dòng sông Hương hiền hòa lững lờ chảy, tôi nghĩ, xứ này khó có thể xảy ra những chuyện kinh hoàng.

Chiều ngày 1 tháng 11 năm 1999, tôi đi dạo sông Hương trong lúc mưa bay. Trên trời, mây đen mù mịt như tô đậm thêm bức tranh thâm trầm vốn có của xứ Huế. Sông Hương vẫn chầm chậm chảy như nói với tôi rằng: cuộc sống ở đây vẫn hiền hòa, không có gì thay đổi. Tối đó mưa tầm tã. Chuyện này cũng không có gì lạ. Người Huế phải sống chung với mưa như người miền Tây sống chung với lũ. Nhưng mưa to suốt đêm…

‘Cơn đại hồng thủy’ miền Trung: Hoạn nạn mới biết lòng người ảnh 1 Trận lũ năm 1999 tại Huế (Ảnh: TS. Hiền)

Sáng ngày 2 tháng 11 (tức là 25 tháng 9 âm lịch), tôi mặc áo mưa đi học. Nhưng thấy đường phố đã ngập hết nên đành quay về. Khoảng 9 giờ sáng, nước tràn vào nhà trọ. Chúng tôi phụ chủ nhà chuyển các đồ đạc lên tầng trên. Chiều đó, nước vẫn dâng lên. Các căn nhà thấp ở trong xóm bắt đầu nhốn nháo. Họ chuyển đồ đạc sang những nhà cao hơn. Những gia đình trong con hẻm 11A Nguyễn Công Trứ tập trung về trọ tôi ở vì nhà 3 tầng cao nhất khu phố.

Tầng một dành cho nước. Tầng hai và ba dành cho người. Trước kia, tôi cứ nghĩ dân thành phố sống cách biệt, nhà ai nấy biết. Qua cơn hoạn nạn, mới thấy được tầm quan trọng của “tình làng nghĩa xóm”.

Khách Tây ăn mì sống uống nước mưa

Trong suốt hai ngày tiếp theo, mưa tầm tã. Tôi nhìn ra ngoài cửa kính, chỉ thấy một màu trắng đục, theo đúng nghĩa “mưa như trút nước”. Mọi liên lạc với bên ngoài đều bị cắt đứt. May mắn thay, tôi vẫn nắm được tin tức bên ngoài thông qua chiếc radio dùng pin. Tôi lắng nghe các đài trong và ngoài nước nói về lũ lụt. Nhưng hầu hết các đài chỉ nói chung chung vì phóng viên không thể tác nghiệp trong cơn lũ quá lớn.

Trong khi tôi nghe đài thì các ông bà già trong phòng ngồi kể đủ mọi chuyện. Có cụ kể hồi chiến tranh, ở Thừa Thiên cũng có một trận lũ lớn nhưng không lớn như trận lũ này. Buổi tối, mọi người chen nhau ngủ. Trong căn phòng chật hẹp, không còn một kẽ hở để đi lại. Người ta nằm trong phòng, ngoài lối đi hoặc bất cứ chỗ nào có thể ngả lưng được.

Đêm tối thui, không còn phân biệt ai là ai nữa. Người già, người trẻ, đàn ông, đàn bà đều bình đẳng như nhau. Có anh nằm ngáy to như như sấm nhưng bị át bởi tiếng mưa rơi tầm tã trên mái tôn nên cũng không làm phiền ai. Bên ngoài chỉ toàn là nước, tất cả các cửa đều đóng kín mít và nhưng vẫn đủ oxy cho hơn 30 con người hít thở.

‘Cơn đại hồng thủy’ miền Trung: Hoạn nạn mới biết lòng người ảnh 2  Đường thành sông sau mưa lũ ở Huế năm 1999 (Ảnh: TS. Hiền)

Mọi người hứng nước mưa mà uống. Nhưng vấn đề đáng lo nhất là thức ăn. Ngày đầu, chúng tôi ăn cơm với mắm. Chiều ngày thứ hai, chúng tôi ăn gạo rang. Chủ nhà thông báo: ngày mai, gạo hết, mắm hết, bếp gas cũng hết. Mọi người bắt đầu lo chết đói. Một anh hàng xóm đi tìm lương thực bằng cách leo qua các mái nhà dưới cơn mưa trút nước. Anh dỡ ngói vào nhà mình và mang sang một ít gạo, mắm và củi. Nhờ vậy, chúng tôi hy vọng sẽ có thức ăn thêm một ngày nữa. Nhưng còn ngày thứ tư, thứ năm sẽ ăn gì? Không ai trả lời được.

Nhưng bước sang ngày thứ ba (ngày 4 tháng11), mưa ít hơn, nước rút dần. Buổi chiều, mọi người lội nước về nhà xem thử thứ gì còn, thứ gì mất. Buổi tối hôm đó, ai về nhà nấy. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Ngày 5 tháng 11, về cơ bản, thành phố Huế đã hết lụt (nhưng nhiều huyện vẫn còn). Tôi đi dạo thăm phố phường sau cơn đại hồng thủy. Ở khu Đập Đá, củi rác chất nhiều vô kể. Cây cối từ trên thượng nguồn trôi về đây, tấp hai bên bờ sông. Đường phố đầy bùn và rác.

Các khách Tây cũng bước ra khỏi các khách sạn, chụp hình lưu niệm về một chuyến đi suýt chết. Người ta kể lại, lũ đến quá nhanh, các nhân viên khách sạn chỉ kịp ném mì tôm cho khách rồi chạy về nhà mình. Suốt mấy ngày lũ lụt, khách du lịch gặm mì tôm và uống nước mưa. Ở các bệnh viện, người ta rất vất vả khi phải di chuyển bệnh nhân và các thiết bị máy móc lên tầng cao. Nhiều y bác sĩ tình nguyện gác việc nhà, túc trực ở bệnh viện suốt mấy ngày để lo chăm sóc bệnh nhân. Một sinh viên thực tập người Bỉ đã phụ giúp các y bác sĩ bệnh viện trung ương Huế thực hiện mấy chục ca đỡ đẻ trong nước lũ.

Những hình ảnh tang thương của người dân miền Trung cũng được đưa lên ti vi. Nhà sập, người mất xác, tài sản bị mất trắng. Nhiều làng bị xóa sổ, phải xây lại làng mới, đặt tên mới, cả làng trắng khăn tang. Xem những thảm cảnh ấy, tôi không cầm được nước mắt. Mọi người xung quanh cũng khóc. Khóc cho những người bất hạnh hơn mình. Đợt lũ ấy làm cho dân 10 tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề, có 595 người chết (trong đó, Thừa Thiên – Huế chết 352 người).

‘Cơn đại hồng thủy’ miền Trung: Hoạn nạn mới biết lòng người ảnh 3 Căn phòng TS. Phạm Ngọc Hiền ở đã chứa được 30 người trong trận lũ lịch sử 1999

Hàng loạt di tích văn hóa ở Huế bị hư hỏng nặng, lăng Minh Mạng chìm sâu dưới nước 5 mét. Những thiệt hại về vật chất có thể được bù đắp phần nào nhờ vào sự giúp đỡ của đồng bào trong và ngoài nước. Nhưng còn mất mát về nhân mạng thì không có gì bù đắp nổi.

Nỗi khổ của người dân miền Trung không chỉ diễn ra trong mấy ngày lũ lụt mà còn sau đó nữa. Các trường học đều nghỉ mấy ngày để khắc phục hậu quả của lũ lụt. Tôi tranh thủ mấy ngày nghỉ học để về quê. Quốc lộ 1A qua Đèo Hải Vân bị tắc nghẽn vì một đoạn đường nhựa bứt khỏi sườn núi, rơi xuống vực thẳm.

‘Cơn đại hồng thủy’ miền Trung: Hoạn nạn mới biết lòng người ảnh 4 TS. Phạm Ngọc Hiền

Người ta phải tạm thời bắc một chiếc cầu sắt dã chiến để từng chiếc xe lớn chậm chạp bò qua. Tôi ngồi trên xe đò, nín thở nhìn xuống vực thẳm xem thử có chiếc xe xấu số nào nằm dưới đó không. Tôi phải đổi xe nhiều lần, trải qua thời gian hành trình gấp đôi mới về tới nhà. Ở Phú Yên quê tôi cũng bị lũ lụt nhưng không thiệt hại nhiều bằng Thừa Thiên Huế. Những ngày qua, nghe đài báo miền Trung lại có bão, trong tôi nặng trĩu đén khó tả.

Theo HƯƠNG CHI (ghi)
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.