Một tay săn ảnh Sài Gòn, khi lang thang qua tỉnh miền Tây phát hiện một chú chó gầy giơ xương, mõm bị quấn cứng bằng băng keo đen từ khi nào. Nó lấy sức tàn bới tìm thức ăn từ đống rác, nhưng cũng chỉ để ngửi vì không cách nào ăn được.
Không thể gỡ băng keo ra cứu, bởi da thịt ở mõm chú chó đã bị hoại tử lòi xương trắng, chàng nhiếp ảnh bèn lên facebook kêu cứu. Cư dân mạng rớt nước mắt, thi nhau share lời kêu gọi thống thiết. Thế rồi diễn ra một cuộc giải cứu cấp tập và rầm rộ của một đoàn các bác sĩ thú y cùng các nhà hảo tâm chạy xe từ Sài Gòn xuống ngay trong đêm…
Một nữ tác giả vốn đang nổi trên cộng đồng mạng lâu nay, khi được phỏng vấn về chung thủy vợ chồng, đã buông thõng: “chồng có là con chó, con lợn đâu mà phải giữ chân”. Nói vậy e… xúc phạm chó và lợn quá!
Cụ Phan Bội Châu lần lượt chôn cất xây mộ, dựng bia cho hai chú chó yêu quý của mình thời bị Pháp giam lỏng ở Huế. Bia đá đề “Nghĩa dũng cẩu chi trủng” (Nơi yên nghỉ của con chó nghĩa dũng). Trên tờ Trung kỳ tuần báo (số 14 ngày 15/4/1936), sau khi kể về lòng trung thành, nghĩa dũng của hai chú chó, ông già Bến Ngự kết luận: “Theo về nguyên tắc sinh lý thì người với chó có gì phân biệt. Mà sở dĩ phân biệt là chính ở nơi tinh thần. Nếu tinh thần mà mất hết tri giác, thì người chẳng phải chó là gì?”. Thực ra cũng hiểu cụ Phan nhân chuyện con chó để chửi bọn Việt gian thời ấy “vinh thân phì gia” bỏ mặc giang sơn nguy biến.
Ôi, mà có khi nhờ câu chuyện tử tế từ vụ con chó bị con người ngược đãi suýt chết ở trên, mà cộng đồng mạng sao nhãng bớt về vụ mấy du khách Việt vừa bị bắt về tội ăn cắp đồ ở Thụy Sĩ. Và cả chuyện nhiều nữ du khách người Việt bị phía Singapore từ chối không cho nhập cảnh. Khiến nhiều chị em khác bị vạ lây, ấm ức kể với báo chí việc bị nhân viên phụ trách nhập cảnh của nước này giữ lại, lục xem tiền bạc, giấy tờ, bắt lăn tay, chụp ảnh như tội phạm…
Nhân việc chú chó trên được những ân nhân đặt tên là Lucky, cũng xin chúc cho con người gặp nhiều may mắn!