'Con chim lửa'

Gia đình Trí phấn khởi kể về những đối thay của gia đình. Ảnh: Duy Chiến
Gia đình Trí phấn khởi kể về những đối thay của gia đình. Ảnh: Duy Chiến
TP - Tôi lần theo lối sỏi quen, trở về những ngôi nhà ép vào lưng chừng đồi, cạnh con sông Kỳ Cùng và ngôi chùa Bắc Nga (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) nổi tiếng. Nơi đây, có những số phận éo le, yếu thế song họ đã vươn lên làm chủ cuộc sống.

Kỷ niệm đẹp như một cuộn phim quay chậm đưa tôi về quãng thời gian chiều tà cuối tháng 11/1996. Khi đó, tôi đang tản bộ trên thảm cỏ xanh, xung quanh là những cây đa cổ thụ, tỏa bóng mát xuống ngôi chùa cổ Bắc Nga ở xã Gia Cát, huyện Cao Lộc.

Tôi thoáng thấy một người thanh niên gầy gò, xanh xao đang tựa lưng vào thân cây đa, mắt đưa nhìn người qua lại như cầu xin điều gì. Trước mặt anh là cái sọt đan bằng tre, trong đó có gần chục con chim rừng.

Tôi tiến đến gần. Người thanh niên mừng ra mặt, mời gọi: “Chú mua chim cho cháu đi. Nhà cháu đang không có tiền đong gạo”.

Nỗi đau hậu thế

Người ốm o tên là Lý Văn Trí (SN 1973), khi đó Trí đã 23 tuổi nhưng nom như đứa trẻ, chân tay teo tóp, đầu gối sưng vù lộ ra dưới chiếc quần đùi vá chằm, vá đụp. Tôi được người này kể về gia cảnh hiện nay rất khốn khó, khổ cực. Không mảy may suy nghĩ, tôi bảo: “Chú sẽ mua hết số chim trong lồng và muốn đến thăm gia đình cháu”.

Người thanh niên ngước nhìn tôi như biết ơn và tập tễnh đi trước, dẫn tôi ngược phía mạn huyện Lộc Bình, Lạng Sơn.

Ngôi nhà trát vách tồi tàn của gia đình Trí ở lưng chừng đồi Bản Lầy, xã Xuân Lễ, huyện Lộc Bình, cách chùa Bắc Nga chừng gần 1 km. Thấy Trí về, lại có người lạ đến nhà, ông Lý Hải Quang (SN 1936), dân tộc Nùng đon đả ra cửa đón.

Ông Quang vóc người nhỏ, lam lũ, mặc bộ quần áo bộ đội đã sờn vai bối rối nói: “Gia đình nghèo quá, không có bộ ấm chén, chú uống tạm cốc nước vối này”.

Nói rồi, ông quay lại cái cũi đóng bằng thân cây, nơi đó có những tiếng ú ớ phát ra. Tôi nhác thấy 2 bóng người đàn ông trạc tuổi đôi mươi, da xanh lét nằm vật vạ trong cũi. Một người đầu gối sưng to như quả bưởi trên cọng xương gầy gò đang hớp những tia nắng xiên qua ô cửa sổ.

Ông Lý Hải Quang buồn bã nói với tôi: “Anh thông cảm cho, các cháu bệnh tật. Thà như cái thằng Trí này nó khỏe, đi lại bán chim rừng cho tôi. Nhưng cũng có lúc nó yếu, lên cơn động kinh, lăn đùng ra đất như người không có cân bằng trọng lượng. Tuần trước, Trí ngã xuống ao, suýt chết”.

Ông Quang vớ lấy điếu cày hít một hơi rồi thong thả thuật lại câu chuyện gia đình ông: Năm 1968, Lý Hải Quang xung phong đi bộ đội vào Nam đánh giặc. Ông tham gia các trận đánh cùng đơn vị tên lửa pháo binh F351, Trung đoàn 16B rồi qua dãy Trường Sơn sang chiến đấu tại cánh đồng Chum. Sau những ngày mịt mùng khói lửa, do sức khỏe giảm sút, năm 1971, ông Quang được phục viên trở về địa phương.

Ông Quang bảo: Trí rất quý con chim lửa, coi nó là bạn. Nhiều đêm, Trí mơ mình biến thành chim, bay liệng trong bao la, để khỏe mạnh lên nương, xuống bản hát Sli tìm người con gái ưng ý.

Ông lập gia đình, vợ ông hạ sinh liên tiếp 4 người con trai. Vài tháng sau khi ra đời, trên thân thể các con ông xuất hiện những vết tím tái tròn như đồng xu ở ngực, sau đó lan rộng to như cái bát, chuyển sang màu vàng. Càng lớn, chân tay càng teo đi, người đau nhức toàn thân, hay bị hoa mắt, chóng mặt.

Lý Văn Trí là con thứ 3, ngoài mắc chứng bệnh như các anh, em trong nhà còn bị thêm bệnh bạch cầu giai đoạn thiếu máu trầm trọng, đã vậy còn thêm bệnh chảy máu dạ dày. Trước tình cảnh đó, hai anh đầu của Trí, dù đang bệnh tật hoành hành song vẫn dành những giọt máu để cứu Trí. “Tuy cứu được em, song do kiệt sức, nghèo túng và bệnh hành hạ, 2 anh của Trí đã không qua khỏi và lần lượt bỏ tôi mà đi”. Ông Quang buồn bã nói.

Ông Quang lặng thinh. Trên khóe mắt chảy ra những dòng nước đục. Ông đã ngoài sáu mươi, gia đình có vài mảnh ruộng cạn, mùa được, mùa mất. Mỗi năm gia đình thiếu ăn 7 tháng, nhiều hôm phải ăn cơm độn sắn với muối và lá rau rừng.

Lững thững bước chân đến chiếc lồng chim, ông Quang bảo, đây là con chim bảy màu (dân địa phương còn gọi là con chim lửa). Con chim mồi này vào lúc chập tối được ông Quang mang vào rừng. Tiếng nó hót vang, vóc dáng khỏe mạnh nên dụ được những con chim rừng bay tới, thế là vào bẫy. Mỗi hôm, bắt được khoảng chục con chim, ông Quang sai Trí mang đi bán, lấy tiền đong gạo, mua thức ăn cải thiện cuộc sống...

Tôi xúc động trước gia cảnh của ông Quang và bài báo “Nỗi đau thời hậu chiến” được đăng trên báo Tiền Phong số ra cuối tháng 11/1996, bạn đọc đón nhận và nhiều người đã gửi quà, đến tận gia đình ông Quang giúp đỡ. Nhờ vậy, gia đình cựu chiến binh này dần ổn định cuộc sống, hai anh em Quang có tiền chữa bệnh, chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo.

Năm sau (1997), đúng là dịp 21/6, tôi nhận được lồng chim, trong đó có “con chim lửa” ông Quang gửi tặng, kèm theo là dòng chữ: “Tôi đổi đời nhờ vào bài báo của anh. Giờ thì không phải đi rừng săn chim nữa. Tôi gửi tặng anh con chim này để tỏ lòng cảm ơn chân thành. Xin nhà báo đừng từ chối”.

Tôi nhìn con chim lửa. Và bỗng thấy nó đẹp, khỏe mạnh, dũng mãnh phi thường.

'Con chim lửa' ảnh 1

Sau khi nhận món quà, “Con chim lửa” này đã được trở về với thiên nhiên. Ảnh: Duy Chiến

Đổi thay

Những ngày cận kề kỷ niệm 95 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020), tôi tới thăm gia đình Lý Văn Trí. Bây giờ ngôi nhà 2 tầng khá khang trang thay thế túp lều xưa cũ. Trí nhanh nhảu đón tôi rồi bảo: “Lâu lắm không gặp nhà báo. Con chim lửa nó còn không?”.

Tôi thắp nhang trên ban thờ ông Lý Hải Quang, ông đã mất cách đây chừng 10 năm. Ngồi trong ngôi nhà mới, thoáng mát, Trí cho biết, sau khi cuộc sống tốt hơn, bệnh tình cũng thuyên giảm, Trí lấy được vợ, hiện đã có 3 con gái (đứa lớn 10 tuổi, nhỏ nhất 3 tuổi). May mắn, vợ của trí khỏe mạnh, đảm đang chăm lo việc đồng áng và đi làm thuê ở biên giới nên có đồng ra, đồng vào. Ngôi nhà được xây từ năm 2016 cũng từ những khoản tiết kiệm chi tiêu của gia đình.

Bà Lường Thị Vằn (vợ ông Quang) năm nay bước sang tuổi 84 nhưng vẫn khỏe mạnh, hiện đang ở với Trí.

“Thi thoảng trở trời, em và Lý Văn Cọ (em út) vẫn đau nhức trong người, có hôm không đi được. Thế nhưng cuộc sống khá hơn trước anh ạ. Cọ mới xây được ngôi nhà cấp 4 vững chãi, vừa khánh thành tuần trước”. Trí phấn khởi nói.

'Con chim lửa' ảnh 2 Phóng viên báo Tiền Phong (ngoài cùng, bên phải) tặng quà cho gia đình Trí nhân ngày gặp lại. Ảnh: Duy Chiến.

Tôi mừng vui trước sự đổi thay của gia đình Trí và phấn chấn trở về thành phố Lạng Sơn khi màn đêm bắt đầu buông xuống. Tôi đã không nói với Trí về con chim lửa mà gia đình em gửi tặng. Khi nhận được món quà này, tôi thả nó ra để chim bay lên trời, trở về với thiên nhiên bằng những sải cánh tự tin, hy vọng!.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.