Lời trăng trối trên có lẽ Kafka nói với người bạn thân Max Brod – khi văn hào người Séc gốc Do Thái yêu cầu bạn mình phải đốt tất cả các tác phẩm và bản thảo hầu như chưa được in của mình sau khi ông chết? Tất nhiên Max Brod đã không làm điều đó. Kafka không thể “chết” như vậy được!
Con bọ mà Samsa hóa thân là con gì? Trong “Hóa thân”, tác phẩm dài hơi duy nhất được Kafka cho in lúc sinh thời. Gọi là “bọ” chỉ là tạm hình dung về một loài côn trùng vậy, bởi cả thế kỷ qua các nhà nghiên cứu văn chương lẫn côn trùng học ra sức mày mò tìm hiểu mà vẫn chưa biết đó thực sự đó là con gì!
Gregor Samsa anh chàng làm nghề giao hàng suốt ngày quần quật kiếm tiền nuôi cả đại gia đình, dù bản thân căm ghét cái công việc ấy. Một buổi sáng thức dậy, chàng bàng hoàng phát hiện mình đã bị biến thành một con vật khổng lồ, gớm guốc. Một con vật kì dị đáng sợ mang một nỗi hiền lương nguyên thủy loài người.
Thế giới bó tay, đơn giản bởi chính Kafka đã cố tình che giấu thân phận của nó. Với một danh từ hết sức mơ hồ, cũng không gợi lên một cách cụ thể hình dáng, kích thước, đặc tính nào. Thậm chí tác giả còn yêu cầu nhà xuất bản khi làm bìa đừng vẽ ra một con gì cụ thể.
Như một thứ “lá diêu bông”. Thậm chí đọc xong còn mơ hồ, hoang mang giữa con vật hay con người.
Sự phi lý mà văn chương Kafka mang lại thật dữ dội, tạo chuỗi nổ dây chuyền không ngưng nghỉ trong tâm thức con người suốt thế kỷ qua. Đặc biệt vào thời kỳ đầu của thế kỷ 21 đang quá nhiều rạn vỡ này.
Con vật - Gregor Samsa cuối cùng đã tự chết để giải thoát cho gia đình khỏi nỗi sợ hãi và ám ảnh. Tôi nghĩ đó không phải là sự sợ hãi thông thường như khi ta nhìn một người thân bị biến thành quái vật. Cũng không sợ sẽ bị lây lan hay di truyền. Mà là nỗi sợ về những phi lý trên cõi đời, kiếp người này. Nỗi sợ về sự đánh mất nhân dạng chính mình. Đúng hơn là sợ vì không nhận ra được nhân - dáng - thực của mình.
Như anh chàng K. trong tiểu thuyết “Vụ án”, bị điệu ra giữa phiên tòa xa lạ lãnh án tử, mà không biết đích thực mình là ai, phạm tội gì?
Sự tha hóa, phân thân của người tốt, sự sình lầy của bối cảnh xã hội, gia đình khiến con người chúng ta trở nên tự xa lạ với chính mình trong đau đớn, giày vò. Mỗi chúng ta trở thành con bọ của Kafka.
Kafka là người đầu tiên nghĩ ra chiếc mũ bảo hộ lao động, theo cây bút chuyên viết một cách khôi hài về góc khuất các văn hào Robert Schinakenberg. Bởi thời trẻ nhà văn từng làm nhân viên bảo hiểm tai nạn công nhân. Thậm chí Kafka còn được Hiệp hội An toàn lao động Hoa Kỳ trao tặng Huy chương vàng vì có công giảm thiểu thương vong cho người lao động! Ông ăn chay, sống thực dưỡng, hào hứng tham gia liệu pháp “Suối nguồn tươi trẻ”, …
Văn chương kỳ diệu đã hóa thân thành một Kafka độc sáng. Như ánh sáng huyền bí, xa xăm của một tiểu hành tinh được mang tên Kafka, cứ 523 ngày lại trôi ngang qua trái đất một lần.
Và mỗi một con người giờ đây cũng đang là một vũ trụ mông lung.