Bát nháo LABO ADN
Chỉ cần gõ cụm từ “xét nghiệm ADN” tại TP HCM, chúng tôi nhận được hàng chục kết quả khác nhau. Thông thường, với dịch vụ của tư nhân làm với danh nghĩa là công ty thì họ có rất nhiều chi nhánh, địa điểm thu mẫu, sau đó mới đem về labo để thực hiện. Tuy nhiên, thời hạn trả kết quả và số tiền làm thì khác nhau hoàn toàn.
Tại tầng 5, bệnh viện (BV) H. (Q.10), trong vai cần xác định cha - con, chúng tôi được tư vấn các gói khác nhau. Chẳng hạn, ra kết quả trong 10 ngày thì giá 8,5 triệu đồng, thời gian 20-30 ngày thì giá giảm xuống còn 8 triệu đồng. Nhân viên tư vấn khuyên khách hàng nên lấy gói 8,5 triệu đồng vì chính xác nhất.
Thế nhưng, qua tìm hiểu, nơi này chuyên lấy mẫu đưa đi nước ngoài làm nên giá rất cao và thời gian cũng rất lâu như thế. Song trong lúc tư vấn, họ không hề nói điều này cho khách biết chỉ vì muốn dựa vào uy tín trước đây của BV này. Một số nơi khác thì giá dao động 4-8 triệu đồng.
Một số trung tâm khác khi chúng tôi gọi điện thì nói chỉ cần lấy móng tay chân của bé (10 cái), hoặc nhổ vài cọng tóc có chân tóc, hoặc lấy miếng da của cháu bé... bỏ vào bì ni lông rồi mang đến trung tâm xét nghiệm là được. Nhân viên tư vấn nói sau vài ngày là có kết quả mà thôi. Tuyệt nhiên họ không hỏi chúng tôi sử dụng kết quả ADN vào mục đích gì?
Nhiều công ty có trụ sở tại Hà Nội nhưng hoạt động rầm rộ tại các quận, huyện của TP HCM. Họ có nhiều điểm thu mẫu khác nhau, đa số là thuê mặt bằng tại các tòa nhà sau khi niêm yết số điện thoại nóng trên mạng. Qua tìm hiểu, các công ty có labo để thực hiện thì ít mà điểm thu mẫu thì nhiều. Có công ty còn thu mẫu đưa đi công ty khác để thực hiện. Nghĩa là họ không có labo, đồng nghĩa với việc người có nhu cầu xét nghiệm phải qua thêm một “cầu” nữa, khả năng kiểm soát chính xác coi như giảm nửa.
Theo kiểu xét nghiệm truyền thống thì có đến 99% là xét nghiệm cha - con, 1% còn lại là xét nghiệm mẹ - con, chú - cháu, ông - cháu... Mục đích của xét nghiệm ADN đầu tiên là dân sự trong các gia đình, không có giá trị pháp lý nên quy trình cũng lỏng lẻo. Trung tâm thu mẫu mà không cần giấy tờ tùy thân hoặc nhân viên thu mẫu tại nhà gồm 1 trong 5 loại: Tóc có chân tóc, móng tay chân, lấy cuống rốn của trẻ sơ sinh, máu trên đầu ngón tay, niêm mạc miệng.
Thứ hai là mục đích hành chính pháp lý khi làm giấy khai sinh cho con, khi làm thủ tục cha nhận con, trường hợp sống chung nhưng không kết hôn; di dân nước ngoài (bảo lãnh) khi cha hoặc mẹ bảo lãnh cho con, nộp giấy này cho đại sứ quán; phục vụ tòa án trong các vụ án tranh chấp tài sản, con cái, con trong và ngoài giá thú bởi trong nhiều vụ việc, nếu người cha qua kết quả xét nghiệm biết không phải con mình thì không phải chia tài sản.
Trong mục đích pháp lý thì khi xét nghiệm chỉ thu hai loại mẫu là máu và niêm mạc miệng. Quá trình này phải tuân thủ 4 bước là chụp ảnh hai cha con, lăn tay, yêu cầu có giấy tờ tùy thân (em bé cần giấy chứng sinh hoặc khai sinh, người lớn thì có CMND hoặc hộ chiếu). Nhân viên trung tâm trực tiếp thu mẫu, không được lấy mẫu ở nhà. Giá xét nghiệm tùy thuộc vào mục đích, nếu dân sự thì dao động từ 3,4 -3,9 triệu đồng còn liên quan pháp lý thì 4,4 triệu đồng. Nguyên tắc xét nghiệm là bảo mật thông tin khách hàng và cả người làm trong labo.
Ông Đinh Văn Phú - viện trưởng một cơ quan nghiên cứu ở TP HCM cho hay các trung tâm tại TP HCM có labo đếm trên đầu ngón tay vì chi phí đầu tư rất cao khi phải nhập từ Mỹ, Nhật Bản, Đức... Hiện xét nghiệm cha - con trong 24 giờ khoảng 4-5 triệu đồng, nhanh hơn thì chỉ 5-6h khoảng 7 triệu đồng vì máy phải chạy một mẫu, tiêu hao vật tư.
Muốn có kết quả chính xác thì các trung tâm phải có cán bộ rành rẽ về sinh học phân tử. Xét nghiệm ADN ở nước ta và các nước đều giống nhau. Tuy nhiên, một số trường hợp quản lý mẫu bị nhầm mẫu, có mẫu chưa phân tích được thì cần có cán bộ chuyên môn sâu, làm thêm những xét nghiệm khác vì gien có đột biến. Cũng đã có trường hợp mẫu em bé bị nhờ người khác làm hoặc người nhà cố tình trộn mẫu để có mục đích riêng.
Có nhiều trường hợp do nghi ngờ người vợ “ăn vụng” mà người chồng lén lấy “dụng cụ phụ nữ” hoặc dra, gối của cô ấy để mang đến nhờ xét nghiệm xem có trùng khớp với tinh trùng của chồng hay không. Có trường hợp xét nghiệm ông nội và cháu trai phải phân tích trên nhiễm sắc thể Y, khi người cha chẳng may qua đời, đi tù, đi nước ngoài hoặc đứa cháu xuất hiện. Có người cha mang hai mẫu máu tới để xác định có phải là cha con hay không, tuy nhiên qua phân tích lại của cùng một người.
Trường hợp người đi xét nghiệm biết trước kết quả để đánh lừa cho mục đích riêng nhưng họ không thể đánh lừa được máy móc và kĩ thuật mới. Có trường hợp, cô vợ biết chắc đứa đầu là con của mình, đứa sau là không phải con của chồng vì “chung chạ” với người khác. Khi lấy mẫu, cô ta đã trộn máu của hai đứa trẻ lại nhưng qua phân tích, mẫu đó là lẫn tạp của nhiều người. Ngoài xác định huyết thống thì xét nghiệm còn phát hiện gien gây ung thư, các loại gien tùy khớp để ghép nội tạng, nói chung về thông tin di truyền của mỗi người.
Câu chuyện đời người
Nhờ sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật mà nhiều người cùng huyết thống đã tìm ra nhau sau vài chục năm lưu lạc. Nhưng cũng có gia đình phải đổ vỡ vì cô vợ “dối lừa”.
Vợ chồng anh Nguyễn Thanh H. (38 tuổi, ở huyện Bình Chánh) là một trường hợp như thế. Họ sống chung với nhau có ba mặt con gồm hai gái, một trai. Cháu gái lớn 8 tuổi, cháu gái tiếp theo là 4 tuổi và cháu trai út 3 tuổi. Trong khi cháu lớn rất giống ba và bên nội thì càng ngày hai cháu còn lại không giống chút nào. Phía nhà chồng quyết định lấy mẫu của hai cháu còn lại và người cha mang đến trung tâm xem có cùng huyết thống hay không.
“Tuy nhiên, khi chưa có kết quả cuối cùng, tôi vẫn tin hai cháu là con của mình. Tôi phải lén lút cắt móng tay và chân của hai cháu, bí mật bỏ vào trong hai bì thư khác nhau. Nhân viên tại đây trực tiếp lấy mẫu của tôi. Họ hẹn 3 ngày sau tới lấy kết quả, đó là những ngày mà tôi không thể ngủ được” - anh H. nhớ lại.
Khi trả kết quả, trung tâm rất lo lắng nên kiểm tra lại lần nữa nhưng vẫn không có gì thay đổi. Ngày hẹn đã đến, anh H. cùng mẹ đi cùng nhưng không bất ngờ lắm vì họ đã nghi ngờ cô vợ từ lâu. Người chồng về nhà nói chuyện với vợ và cô vợ thú nhận đã ngoại tình trong giờ nghỉ trưa tại công ty. Do còn chút nghi ngờ với đứa lớn, người cha tiếp tục dẫn đứa lớn tới trung tâm để lấy mẫu.
Lần này, trung tâm cẩn thận làm lại mẫu của cha một lần nữa để đối chiếu (thay vì sử dụng kết quả cũ của cha). Trong nỗi buồn có niềm vui lóe lên, đó chính là con thật của người chồng. Cô vợ đành phải ra đi khỏi căn biệt thự màu trắng.
Có trường hợp đại gia cặp cùng “chân dài” dắt một đứa bé kháu khỉnh đến để làm xét nghiệm. Trong khi người vợ hờ muốn kết quả ADN phải là con của đại gia thì ngược lại, vị đại gia không muốn điều này vì sợ bị ràng buộc, sợ cô vợ hờ phiền nhiễu, thậm chí là tống tiền. Vị nhà giàu đặt vấn đề cho trung tâm là thay đổi kết quả nếu như ADN chứng minh là con của ông ta nhưng trung tâm quyết nói không. Đến khi có kết quả khách quan, đứa bé ấy không phải là con của ông ta mà là con người khác, vị đại gia mừng hơn bắt được vàng.
Với Toàn (37 tuổi) lại tìm được niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời. Mới sinh ra, anh bị bỏ rơi tại BV Hùng Vương khi người mẹ sinh đôi hai bé trai cùng trứng nên giống như hai giọt nước. Do khó khăn nên người mẹ bỏ một cháu tại BV còn ôm một cháu về nhà ở miền Tây.
Sau đó, BV đưa anh này vào trại trẻ mồ côi (đường Võ Thị Sáu, Q.3) nuôi dạy. Lên mười tuổi, sau một trận sốt bại liệt nên Toàn bị tật nguyền, phải đi bằng nạng. Quyết không làm người thừa trong xã hội, Toàn nhận vé số của đại lý để đi mưu sinh mỗi ngày. Tối về gác trọ, trong giấc mơ của anh là ngôi nhà có cha, có mẹ bên cạnh...
Năm 2015, anh Toàn đi bán vé số ở Q.1 như mọi ngày. Vô tình người chú của Toàn (sau này mới biết) ở miền Tây lên TP HCM có việc, trông thấy người bán vé số dạo có khuôn mặt giống hệt đứa cháu ở quê, mới hỏi thăm sự tình. Toàn thật thà kể lại câu chuyện đời buồn của mình khi bị ba mẹ bỏ rơi từ lúc còn đỏ hỏn tại BV Hùng Vương.
Sau vài phút liên tưởng, người đàn ông này chợt nhớ tới câu chuyện anh chị của mình có bỏ lại một đứa cháu trai vì gia cảnh lúc đó khó khăn lắm. Người đàn ông tốt bụng này dẫn Toàn về miền Tây ngay trong đêm. Về đến căn nhà của ba mẹ Toàn, mọi người bất ngờ vì hai người (Toàn và cậu em sinh đôi đang làm cán bộ ở xã) giống nhau như đúc.
Khi lên trung tâm xét nghiệm ADN ở thành phố, kết quả xác định đúng là quan hệ cha con và mẹ con. Toàn đã tìm được gia đình sau hơn 30 năm ròng rã. Cả cha và mẹ của Toàn tóc đã bạc trắng, bước đi không còn nhanh nhẹn như trước chỉ biết ôm lấy đứa con đầu vào lòng mà họ tưởng như đến khi nhắm mắt lìa trần cũng không thể tìm ra.
“Cha mẹ có lỗi với con quá Toàn ơi, không ngờ con lại ra nông nổi này. Cũng nhờ trời Phật có mắt mà cả gia đình mình đoàn tụ” - mẹ Toàn khóc nức nở khi cầm kết quả trên tay.
Suy nghĩ kỹ trước khi làm
Chuyên viên tâm lý Lê Khanh (Phòng Tư vấn tâm lý gia đình & trẻ em, TP HCM) chia sẻ, trong cuộc sống gia đình, thì con cái chính là niềm vui, nỗi buồn và cũng là sự gắn kết giữa cha mẹ. Sự hiện diện của đứa con sẽ đem lại một bầu không khí ấm cúng trong gia đình. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng là kết quả của một cuộc tình hay sự quan hệ vợ chồng đích thực, mà còn có rất nhiều đứa con “ không mong muốn” vì chỉ là “ con anh” hay “con em”, mà không phải là “ con chúng ta”.
Chính vì vậy, để xác định được đứa trẻ hiện diện trong gia đình có phải là con ruột của đôi vợ chồng hay không, nhiều người đã phải dùng tới việc xét nghiệm ADN. Một xét nghiệm khoa học tuy đơn giản, nhưng lại kèm theo những yếu tố phức tạp, gây ra những ảnh hưởng lớn cho cuộc sống gia đình.
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu xã hội có rất nhiều đơn vị tham gia dịch vụ này, bên cạnh những đơn vị chính quy, cũng không thiếu những đơn vị chỉ là một cơ sở “đại lý” cho các phòng xét nghiệm trong và ngoài nước để hưởng chênh lệch đôi khi rất cao, hoặc làm việc không nghiêm túc để dẫn đến những kết quả không chính xác.
Ngoài ra, việc xét nghiệm ADN không đơn giản chỉ là những “thử nghiệm” về máu huyết, mà còn là những thử nghiệm về lòng tin, tình yêu thương và sự tôn trọng trong mối quan hệ vợ chồng.
Khi đã là vợ chồng, thì một trong những yếu tố quan trọng nhất để duy trì hạnh phúc gia đình, chính là sự tin tưởng lẫn nhau. Đặc biệt là trong việc sinh và nuôi con, kết quả của mối quan hệ giữa hai vợ chồng. Nếu không còn sự tin tưởng, phải tiến hành việc xét nghiệm để khám phá một bí mật được che giấu, thì rõ ràng dù đúng hay sai, dù có thể biết được sự thật, thì một giá trị khác lớn hơn, quan trọng hơn đã bị phá hủy mà đôi khi không thể hàn gắn được.
Vì vậy, ngoại trừ khi có được sự đồng thuận của vợ chồng, hoặc vì một thắc mắc mà cả hai không biết giải thích như thế nào, thì gia đình mới nên cần đến dịch vụ này. Điều quan trọng là ngoài việc tìm đến những đơn vị xét nghiệm hợp pháp và được luật pháp công nhận, với một chi phí hợp lý, nếu việc xét nghiệm ảnh hưởng đến những quyền lợi về tài chính của những người trong gia đình, thì gia đình cũng cần lưu ý đến niềm tin và sự yêu thương lẫn nhau để tạo ra một cuộc sống bình yên cho chính bản thân và những người thân yêu của mình.
Chúng ta có thể bỏ qua một lỗi lầm trong quá khứ, cũng có thể bỏ qua cho những tính toán vì ích lợi bản thân, của người vợ hay chồng, nhưng trước khi đi đến quyết định “tìm ra sự thật”, thì chúng ta phải giải quyết được các câu hỏi sau: Việc xét nghiệm này có ảnh hưởng gì đến cuộc sống gia đình không? Sẽ làm cho nó tốt hơn hay xấu đi?
Việc phát hiện ra sự thật có đem lại lợi ích gì cho bản thân hay cho những người thân trong gia đình không? Sau khi có kết quả, dù đúng hay sai chúng ta sẽ cư xử như thế nào? Có vì điều này mà chúng ta có thể chia tay với đối tác của mình không?
Khi trả lời thỏa đáng được các câu hỏi này, thì chừng đó chúng ta mới nên nghĩ đến việc sử dụng một dịch vụ có thể đem lại nụ cười, nhưng cũng có thể đem lại nước mắt và sự khổ đau cho chính gia đình mình.