Coi trọng tịch thu tài sản do phạm tội mà có

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hôm nay (20/3), tại phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí.

Theo dự kiến chương trình, sáng 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình về 4 nhóm vấn đề: Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; công tác cán bộ của ngành tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành tòa án; công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ; việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến…

Coi trọng tịch thu tài sản do phạm tội mà có ảnh 1

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí về 4 nhóm vấn đề: Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; công tác cán bộ của ngành kiểm sát; giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao…

Coi trọng tịch thu tài sản do phạm tội mà có ảnh 2

Viện trưởng VKSND Lê Minh Trí

Trước phiên chất vấn, Chánh án Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Lê Minh Trí đã gửi báo cáo tới các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn.

Theo ông Nguyễn Hoà Bình, từ năm 2018 đến nay, các tòa án đã giải quyết được 2.427.859 vụ án các loại trong tổng số 2.490.699 vụ án đã thụ lý. Đặc biệt, năm 2022, số vụ việc thụ lý tăng 29.944 vụ so với năm trước nhưng các tòa án đã giải quyết được 88,9%, cao hơn năm trước 7,7%. Hầu hết các vụ việc được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật.

Về các vụ án hình sự kinh tế, tham nhũng, ông Bình cho biết, 5 năm qua, các tòa án thụ lý 12.723 vụ với 26.376 vụ; trong đó, năm 2022 đã thụ lý 3.405 vụ với 7.653 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 2.926 vụ với 6.421 bị cáo. Các vụ án kinh tế, tham nhũng mà tòa án đã xét xử chủ yếu là về các tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”, “Tham ô tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”...

“Quá trình giải quyết, các tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; đồng thời, chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại”, ông Bình cho hay.

Về giải pháp nâng cao chất lượng các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, ông nhấn mạnh, sẽ chỉ đạo các tòa án địa phương tăng cường sự phối hợp các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong quá trình giải quyết vụ án; bố trí các thẩm phán có kinh nghiệm, năng lực tham gia giải quyết, xét xử các vụ án về kinh tế, tham nhũng.

Kiến nghị tăng chế tài phạt tiền, giảm phạt tù

Trong khi đó, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho biết, những năm qua, tình hình tội phạm có diễn biến phức tạp, số lượng các vụ án, vụ việc ngày càng tăng, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, với tính chất phức tạp hơn, hậu quả đặc biệt lớn. Trong đó, nổi lên là tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng với số tiền bị chiếm đoạt và thất thoát rất lớn.

Theo ông Trí, hơn 10 năm qua, dù khối lượng công việc phải thực hiện tăng lên gấp đôi, nhưng biên chế không tăng, số lượng kiểm sát viên trong toàn ngành không thay đổi. Người đứng đầu ngành kiểm sát kiến nghị Quốc hội xem xét tăng số lượng kiểm sát viên trong biên chế được giao; kịp thời ban hành, bổ sung điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý an toàn, tạo điều kiện cho cán bộ năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung.

Theo ông Trí, hiện nay cán bộ vi phạm pháp luật không chỉ là tội phạm tham nhũng mà nhiều trường hợp là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi. Vì thế, trong chính sách hình sự cần cân nhắc sửa đổi mức hình phạt, mức tính hậu quả thiệt hại hiện nay và tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù để có chính sách xử lý hiệu quả hơn, vừa nghiêm trị, vừa nhân văn, thuyết phục.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp và kết nối truyền hình trực tuyến. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định sẽ điều hành hai phiên chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu mở đầu, kết thúc phiên chất vấn và bế mạc phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

MỚI - NÓNG