“Cởi trói” ca khúc xưa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khái niệm “cấp phép”, “tác phẩm sáng tác trước 1975 tại các tỉnh phía Nam”… đã trôi vào dĩ vãng, trả lại cho ca khúc xưa đôi cánh tự do và công bằng. Chưa bao giờ như bây giờ, khán giả được thoải mái thưởng thức “món ăn tinh thần” và nghệ sỹ được thỏa sức bay bổng trong khung trời sáng tạo.
“Cởi trói” ca khúc xưa  ảnh 1

Lại hát “Màu tím Lensée”…

Danh ca Giao Linh trở về nước hoạt động biểu diễn 20 năm nay. Trước việc “cởi trói” ca khúc ra đời trước 75, bà bày tỏ tâm trạng: “Tôi vui lắm. Lại có thêm bài hát phục vụ khán giả. Càng ngày thấy càng thoáng. Không riêng tôi mà hầu hết văn nghệ sỹ, người nào cũng phấn khởi”.

Thời gian gần đây, “Nữ hoàng sầu muộn” bắt đầu hát lại những ca khúc làm nên tên tuổi bà: “Như bài “Màu tím Pensée” (Đài Phương Trang- Ngọc Sơn), vốn là bài hát ruột của tôi, bài khởi nghiệp cho cuộc đời đi hát của tôi. Trước đây không được hát, bây giờ hát thoải mái. Tôi cũng sẽ hát lại “Một loài chim biển” (Nguyễn Vũ). Tôi còn muốn hát “Người tình và quê hương” (Trần Nhật Ngân), một ca khúc đẹp bình dị nhưng tới giờ mới được công khai “cất cánh”.

“Cởi trói” ca khúc xưa  ảnh 2

Nhạc sỹ Mạnh Quỳnh thời trẻ

Giao Linh từng có một số liveshow của riêng mình trong 20 năm hát trên quê hương. Bà nhớ hơn cả liveshow “Mùa sao sáng”. Nhiều người yêu nhạc đều biết, người thầy của Giao Linh chính là tác giả “Chiều mưa biên giới”, cũng là tác giả “Mùa sao sáng”, nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông: “Nhìn lại mới thấy chúng ta đổi mới nhiều lắm. Cách đây 20 năm ca sỹ chỉ được hát những bài trong chương trình cho phép. Có những bài cho phép rồi song vào giờ chót, vì lý do nào đó, lại dẹp luôn. Có những ca khúc ngoài Hà Nội cho hát nhưng Sài Gòn lại không cho. Như “Mùa sao sáng” chẳng hạn. Liveshow “Mùa sao sáng” của tôi diễn ra tại Sài Gòn nhưng tôi không thể hát ca khúc chủ đề. Tôi rất muốn hát cho thầy tôi nghe, vì lúc bấy giờ thầy cũng có mặt trong đêm nhạc. Thầy ngồi dưới nhìn lên thấy chương trình đề “Mùa sao sáng” mà đợi mãi không thấy bài hát này. Tôi phải xin lỗi thầy. Người ta không cho hát thì cũng phải chịu thôi. Biết phải làm sao?”, nữ danh ca chia sẻ kỷ niệm không vui ở thời ca khúc xưa còn vướng “rào cản” .

So với nhiều ca sỹ Việt Nam từng sinh sống và hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài, Giao Linh vẫn may mắn: “Ngày trước về nước biểu diễn, tôi không gặp khó khăn. Vì có Trung tâm băng nhạc Rạng Đông “bảo lãnh” nên mọi chuyện dễ dàng. Trong suốt 20 năm hát trên quê hương tôi cũng chưa từng gặp phản ứng của khán giả với ca sỹ nổi tiếng trước năm 1975. Ngược lại, tôi cảm nhận khán giả rất quí những giọng ca trước 75. Vì tấm chân tình của khán giả, tôi luôn cố gắng giữ gìn sức khỏe để hát cho khán giả nghe. Làm 10 không được, tôi cũng gắng làm được 7-8, để cho fan thấy tiếng hát của tôi so với thời trẻ không chênh quá xa, không bị thất vọng”.

“Ra đường, tôi được mọi người hỏi thăm nhiều hơn. Cũng nhờ bolero tôi được đi giao lưu với khán giả, rất vui. Trước đây không được như vậy. Vì tôi lên báo, lên truyền hình nhiều, nên bây giờ không bị nhầm với ca sỹ Mạnh Quỳnh hát bolero nữa. Người ta đã biết có một nhạc sỹ Mạnh Quỳnh nổi tiếng từ trước năm 1975 với ca khúc “Gõ cửa”

Mạnh Quỳnh tâm sự

Giao Linh bật mí dự án âm nhạc ấp ủ: Bà đang tìm lại những ca khúc xưa nổi tiếng với phần lời ít được phổ biến, như “Chuyến tàu hoàng hôn” (Minh Kỳ- Hoài Linh), khán giả chỉ quen với lời 1, còn lời 2 gần như xa lạ. Danh ca hào hứng kể: “Có những bài hồi còn rất trẻ tôi đã hát mà bẵng đi không nhớ, như bài “Vạn thọ” (Hoàng Trang), từng là bài ruột của tôi, hồi trẻ tôi hát dễ thương lắm. Bây giờ thấy các ca sỹ hát quá trời luôn. Họ cũng muốn tìm những cái mới, những “món ăn tinh thần” mới cho khán giả. Mỗi người một cách hát, làm ca khúc xưa sống dậy rộn ràng”. Trong suốt cuộc trò chuyện Giao Linh liên tục nhắc lại: “Cảm ơn sự đổi mới”. Đổi mới trong ứng xử với ca khúc xưa là hoàn toàn đúng đắn, bởi theo “Nữ hoàng sầu muộn”: “Âm nhạc là món ăn tinh thần. Cho người ta nghe thoải mái còn hơn để người ta nghe lén”.

Náo nức

Với ca sỹ, ca khúc nhạc xưa được “cởi trói” sẽ giúp họ có nhiều lựa chọn hơn khi hát. Còn với “cha đẻ” ca khúc xưa, việc “cởi trói” giúp những “đứa con tinh thần” của họ được đàng hoàng cất lên. Tác phẩm được tôn trọng, được đối xử công bằng, không ai không hứng khởi. Tác giả “Giọng ca dĩ vãng” chia sẻ: “Hồi xưa đến giờ, bài của tôi không bị liệt vào danh sách cấm nhưng khi mình xin phép sử dụng lại gặp khó, chẳng hạn bài “Cho tôi được một lần” (Cho tôi được một lần nhìn hoa giăng đầy ngõ/Một lần cài hoa đỏ lên tim/Một lần dìu em sang nhà mới/Tình yêu trong tầm với/Ngọt tiếng nói thơm môi…). Bài này chỉ xin phối khí cũng không được”.

Ca khúc “ăn khách” khác của Bảo Thu “Nếu xuân này vắng anh” may mắn được hát trước cả “Giọng ca dĩ vãng”, công đầu thuộc về các ca sỹ nổi tiếng: “Do mấy giọng ca có danh, như Vân Khánh xin hát. Rồi Quang Dũng nữa. Quang Dũng không để “Nếu xuân này vắng anh” mà sửa “Nếu xuân này vắng em”. “Nếu xuân này vắng em” thì đâu có nằm trong danh sách chưa được phép? Với lại, giới thiệu “Nếu xuân này vắng em” người ta cũng không để ý sáng tác của Bảo Thu hay của ai?”, nhạc sỹ kiêm ảo thuật gia một thời lừng lẫy mỉm cười trước sự “lạng lách” dễ thương của ca sỹ Quang Dũng.

Danh ca Giao Linh bật mí: Nhạc sỹ Bảo Thu còn “ém” nhiều ca khúc hay. Thực hư ra sao? Tác giả “Giọng ca dĩ vãng” xác nhận: Ông còn vài chục tác phẩm chưa công bố trong gia tài gần 100 ca khúc. Hiện nay, các ca khúc của Bảo Thu từ “Giọng ca dĩ vãng”, “Cho tôi được một lần”, “Nếu xuân này vắng anh” đều “làm mưa làm gió” trên thị trường nhạc bolero, mang lại cho tác giả một nguồn thu nhất định từ tác quyền âm nhạc. Tâm trạng vui vẻ nên Bảo Thu tiếp tục sáng tác: “Khoảng 2-3 tháng nay tôi phổ cho bạn bè gần 20 bài”, ông khoe.

Trong suốt cuộc trò chuyện Giao Linh liên tục nhắc lại: “Cảm ơn sự đổi mới”. Đổi mới trong ứng xử với ca khúc xưa là hoàn toàn đúng đắn, bởi theo “Nữ hoàng sầu muộn”: “Âm nhạc là món ăn tinh thần. Cho người ta nghe thoải mái còn hơn để người ta nghe lén”.

Về hưu lại “hot”

Không giống Giao Linh hay Bảo Thu còn theo đuổi nghề, nhạc sỹ Mạnh Quỳnh đã xa rời nghệ thuật trong một khoảng thời gian dài, ông chọn một công việc ổn định như bao người bình thường khác. Nhưng Mạnh Quỳnh không ngờ, sau nhiều năm về hưu, tên tuổi của ông “hot” trở lại nhờ ca khúc “Gõ cửa- Một lần ghé thăm”, sáng tác trước 1975, bỗng được hát rộng rãi ở trong nước: “Mới đây đi họp, tôi gặp ông “Quê em mùa nước lũ”, ông ấy bảo tôi: “Trời ơi, bài “Gõ cửa” của ông, cô Sa Huỳnh hát trên mạng hay quá, đạt 10 triệu lượt xem rồi. Tiến Luân nói thế tôi cũng thấy vui”.

Mạnh Quỳnh tâm sự, hiện nay ca khúc “ruột” của ông được nhiều ca sỹ lựa chọn biểu diễn, thu âm… nên đã mang lại cho ông một nguồn thu nho nhỏ . Nhưng đối với một nhạc sỹ nổi tiếng trước 1975, sau đó bị rơi vào quên lãng nhiều năm, thì thu nhập từ âm nhạc không phải điều quan trọng nhất…

MỚI - NÓNG