Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn 'phát triển văn hoá, xây dựng xã hội biết yêu thương nhau'

TPO - "Quan điểm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là văn hoá phải phát triển tương xứng với các lĩnh vực khác. Cái đích cuối cùng của phát triển văn hoá là xây dựng xã hội mà trong đó con người biết yêu thương nhau", GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Uỷ viên Hội đồng Lý luận T.Ư nói.

Ngày 30/10, Đảng uỷ Khối các cơ quan T.Ư tổ chức Hội nghị báo cáo viên cấp Đảng uỷ Khối tháng 10/2024. Tại hội nghị, GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Uỷ viên Hội đồng Lý luận T.Ư giới thiệu nội dung cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn 'phát triển văn hoá, xây dựng xã hội biết yêu thương nhau' ảnh 1

GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Uỷ viên Hội đồng Lý luận T.Ư giới thiệu nội dung cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: PV.

Trong phần giới thiệu nội dung cuốn sách, GS.TS Đinh Xuân Dũng tập trung làm rõ tư tưởng, quan điểm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hoá. Theo ông Dũng, có rất nhiều định nghĩa về văn hoá theo chiều rộng, chiều sâu. Trong cuốn sách, cố Tổng Bí thư tập trung nhấn mạnh về văn hoá tinh thần, trong đó, có nhiều lĩnh vực, rất đa dạng.

Ông Dũng nêu, trong cuốn sách có những bài viết của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ năm 1968, có bài viết ở năm 2023, tuy nhiên, những bài viết quan trọng nhất nằm ở thời kỳ đổi mới. Vì thế, quan điểm về văn hoá của cố Tổng Bí thư được hình thành, định hình, khẳng định và phát triển trong thời kỳ đổi mới của đất nước.

Một đặc trưng trong cuốn sách, theo ông Dũng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh yêu nước là phẩm chất văn hoá cao nhất của con người Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử. Cùng với đó là các truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo... Cố Tổng Bí thư cũng lưu ý vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá, từ đội ngũ lãnh đạo, cán bộ tham mưu, quản lý; đội ngũ hoạt động sáng tạo, biểu diễn, dịch vụ văn hoá...

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn 'phát triển văn hoá, xây dựng xã hội biết yêu thương nhau' ảnh 2

Cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: PV.

GS.TS Đinh Xuân Dũng nêu một số ví dụ cụ thể để làm rõ "phong cách Nguyễn Phú Trọng" thể hiện trong cuốn sách.

"Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói một câu rất ngắn: "làm cho phát triển kinh tế thị trường mà không băng hoại giá trị đạo đức". Rõ ràng, chúng ta đang đứng trước những thách thức lớn, ở nơi này, nơi khác có sự băng hoại về đạo đức, kể cả ở cán bộ. Vì thế, phải làm sao để giữ gìn đạo đức, giữ nhân cách, lối sống tình nghĩa. Cố Tổng Bí thư từng nhắn nhủ, nếu sống lạnh lùng, băng giá, sống ích kỷ, vì lợi ích cá nhân thì không thể tồn tại được, không phải là xã hội chủ nghĩa", ông Dũng phân tích.

Theo GS.TS Đinh Xuân Dũng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc đến vấn đề "chấn hưng văn hoá", nhưng phải toàn diện các yếu tố: xây dựng, giữ gìn, chấn hưng, phát triển văn hoá.

"Quan điểm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là văn hoá phải phát triển tương xứng với các lĩnh vực khác. Cái đích cuối cùng của phát triển văn hoá là xây dựng xã hội mà trong đó con người biết yêu thương nhau", ông Dũng nói.

Cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" tuyển chọn 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư... của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời gian gần 60 năm qua. Nội dung các bài phát biểu, bài viết thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cố Tổng Bí thư đối với việc xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập, tạo nguồn lực nội sinh và huy động sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng.
Tin liên quan