Cổ tích phố núi Khe Sanh

Vợ chồng chị Trần Hoàng Ngọc Nhung luôn nở nụ cười viên mãn hạnh phúc bên cạnh đứa con thơ lành lặn
Vợ chồng chị Trần Hoàng Ngọc Nhung luôn nở nụ cười viên mãn hạnh phúc bên cạnh đứa con thơ lành lặn
TP - Ðôi chân bị liệt vĩnh viễn năm chị tròn 2 tuổi bởi mũi tiêm nhầm thuốc oan nghiệt. Cứ ngỡ số phận bất hạnh an bài cuộc đời chị trong buồn tủi bủa vây thì anh xuất hiện. Anh đã mang tình yêu đến sưởi ấm trái tim chị qua bốn mùa đông lạnh giá ở phố núi Khe Sanh… Một chuyện tình đẹp như cổ tích!

Vượt qua bất hạnh

“Mẹ kể năm mình 2 tuổi, trong một trận ốm thập tử nhất sinh đã bị người ta tiêm nhầm thuốc khiến đôi chân bị liệt hoàn toàn. Lúc ấy quá bé nên không biết gì, chỉ đến khi lớn dần theo tháng năm mới hiểu được bất hạnh đang đợi mình ở phía trước…”, chị Trần Hoàng Ngọc Nhung, 31 tuổi ở khóm 3a thị trấn Khe Sanh, huyện rẻo cao Hướng Hóa (Quảng Trị) mở đầu câu chuyện về cuộc đời mình như vậy…

Bất hạnh đầu tiên của chị là tháng năm tuổi thơ phải ngồi lặng yên nhìn đám bạn cùng trang lứa nô đùa nhảy nhót trước hiên nhà. Nhiều lần, chị nhìn đôi chân bất động của mình rồi ngây thơ hỏi mẹ tại sao chị không thể bước đi trên đôi chân ấy như các bạn? Mẹ chị chỉ biết ôm con gái vào lòng rồi ngoảnh mặt gạt đi giọt nước mắt mặn chát đang lăn dài trên má. Chị nhớ mãi mùa khai trường năm chị lên 6 tuổi. Buổi sáng hôm ấy, ngồi cùng mẹ ở hiên nhà nhìn ra đường, chị thấy nhiều đứa trẻ cùng tuổi với chị xúng xính trong quần áo mới và được mẹ cha dẫn đến trường. Chị đã khóc rồi đòi mẹ đưa đến trường. Mẹ chị thêm lần nữa giấu đi tiếng thở dài… Thương chị, năm học đó mẹ đã đưa chị đến trường để đăng ký nhập học. Rồi ngày lại ngày, mẹ phải cõng chị trên lưng để đến trường.

Nhớ mãi hôm vào xã Hương Chữ ra mắt gia đình anh Chống, mình lo lắm nên trằn trọc suốt đêm không ngủ được. Song lúc vào đến nơi, mẹ anh Chống đã nói với mình là hoàn cảnh của mình, tất cả gia đình đều biết bởi anh Chống đã nói trước đó khá lâu. Và cả gia đình thương yêu, chấp nhận mình làm con dâu.

Chị Ngọc Nhung

Chị Nhung kể: “Từ những năm tiểu học cho đến tận những năm THPT, mẹ đều cõng mình trên lưng đến trường. Về mùa nắng thì còn đỡ khổ, chứ vào mùa đông lạnh giá thì hai mẹ con khổ trăm bề. Lắm bữa, hai mẹ con ngã giữa đường lấm lem bùn đất do con đã lớn, mẹ thì già yếu. Giờ ngồi nhớ lại mà thương mẹ đến quặn lòng… Mình chỉ xa tấm lưng của mẹ từ năm 2009 khi tốt nghiệp THPT. Cũng năm đó, cha mẹ vay mượn tiền bạc đưa mình vào bệnh viện để mổ nẹp chân. Sau ca mổ, mình có thể tự đi lại được bằng hai chiếc nạng gỗ mà không phải ngồi tại chỗ. Năm sau, mình vào TPHCM học lớp đào tạo đồ họa xây dựng dành cho người khuyết tật. Trong thời gian học tập ở đây, ngoài học đồ họa xây dựng, mình cố gắng học thêm nghề làm hoa vải, hoa pha lê, chụp ảnh thẻ… Cuối năm 2011, mình mới trở về quê với ý định xin việc làm để được sống gần cha mẹ. Nhưng rồi, tìm kiếm nhiều nơi vẫn không ai nhận mình đành phải ở nhà phụ mẹ bán hàng tạp hóa và chụp ảnh thẻ, làm hoa vải, hoa pha lê bán cho khách hàng. Mình luôn tâm niệm rằng, dù không làm được công việc mình đã được học thì cũng phải nỗ lực không ngừng để vươn lên”.

Hạnh phúc mỉm cười

Chị Nhung nở nụ cười viên mãn hạnh phúc trên môi lúc nhắc đến chuyện tình đẹp như cổ tích của vợ chồng mình. Chị bảo, chồng chị tên là Phan Chống, 33 tuổi, ở Hương Chữ, Hương Trà (Thừa Thiên-Huế). Bốn năm trước, 2014, anh Chống lên thị trấn phố núi Khe Sanh lập nghiệp bằng nghề cơ khí cửa sắt. Cửa hàng cơ khí cửa sắt của anh Chống nằm đối diện với cửa hàng tạp hóa của mẹ chị.

Cổ tích phố núi Khe Sanh ảnh 1 Chị Nhung đang bán hàng tạp hóa cho khách

Chị Nhung bảo: “Hồi đó, mình cũng không biết anh Chống để ý đến mình nên mỗi lần anh sang cửa hàng tạp hóa mua hàng, mình cũng đối xử như những khách hàng khác. Có một hôm, anh Chống tự nhiên xin mình số điện thoại. Lúc ấy, phần thì ngại, phần thì không biết anh Chống xin số điện thoại để làm gì. Vậy là mình cho số điện thoại của mẹ mình. Không ngờ, hôm sau anh Chống nhắn tin tỏ tình với mình. Mẹ mình không hiểu và cũng không biết nội dung tin nhắn là gì nên hỏi mình. Mình đọc tin nhắn và biết là anh Chống tỏ tình với mình. Mấy hôm sau, mình cố ý tránh mặt anh cũng bởi tự ti về khuyết tật. Mình càng tránh mặt, anh lại càng đến quán tạp hóa tìm mình. Biết là không thể tránh được nên mình quyết định gặp anh. Và chính buổi gặp gỡ ấy, anh Chống đã tâm sự với mình rằng lâu nay anh đã thương thầm, nhớ trộm người con gái đầy nghị lực sống là mình. Anh luôn mong muốn cưới mình làm vợ… Nhớ mãi hôm vào xã Hương Chữ ra mắt gia đình anh Chống, mình lo lắm nên trằn trọc suốt đêm không ngủ được. Song lúc vào đến nơi, mẹ anh Chống đã nói với mình là hoàn cảnh của mình, tất cả gia đình đều biết bởi anh Chống đã nói trước đó khá lâu. Và cả gia đình thương yêu, chấp nhận mình làm con dâu. Lúc ấy, chao ui mình thương anh Chống thêm trăm nghìn lần... Tất nhiên, cũng có số ít người khi biết chuyện tình của mình với anh Chống họ nghi ngờ, không hiểu sao anh Chống lành lặn, việc làm ổn định lại đi cưới một người khuyết tật như mình làm vợ. Mình cũng có chút chạnh lòng. Nhưng khi bên anh Chống, mình càng vững tâm vượt qua tất cả mọi khó khăn cũng như sự khen chê, dị nghị của người đời. Năm 2015, mình với anh Chống kết duyên vợ chồng”.

…Chị Nhung bảo, nếu bây giờ cho chị điều ước thì chị sẽ ước được nhận vào một cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật nào đó để chị có thể truyền thụ lại kiến thức đồ họa xây dựng, làm hoa vải, hoa pha lê…cho những người đồng cảnh ngộ. Và tâm nguyện được đồng cảm, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ vượt qua khuyết tật, vươn lên sống có ích cho đời luôn ấm nóng trong tấm lòng nhân hậu của chị. Và hơn hết, mối tình đẹp như cổ tích của vợ chồng chị sẽ gián tiếp “nói” với những người khuyết tật rằng ánh sáng soi chiếu cuối đường hầm luôn chờ đợi, vẫy gọi trong cuộc đời của mỗi con người.

Năm ngoái, kết quả của tình yêu đẹp Nhung - Chống là cháu Phan Trần Minh Hiền ra đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa của anh chị. Thương vợ chồng chị còn vất vả, gia đình chị cho mảnh đất nhỏ ở thôn Lương Lễ (xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa) để dựng căn nhà nhỏ. Ðêm đêm trong mái nhà ấm ấy rộn lên tiếng cười ấm áp, hạnh phúc của đôi vợ chồng cùng đứa con thơ.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.