Có thể tịch thu tài sản tham nhũng dù tòa án không kết tội

Phan Văn Anh Vũ đã bị tuyên tịch thu rất nhiều tài sản trong các vụ án khác nhau.
Phan Văn Anh Vũ đã bị tuyên tịch thu rất nhiều tài sản trong các vụ án khác nhau.
TPO - Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng biện pháp tịch thu tài sản tham nhũng không cần thông qua thủ tục kết tội và buộc đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc tài sản.

Viện KSND Tối cao đã ra văn bản trả lời cử tri TP Hải Phòng về kiến nghị liên quan việc sửa đổi pháp luật để phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng.

Cử tri Hải Phòng cho rằng, các quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) mới chú ý tới việc phát hiện, xử lý các hành vi phạm tội; chưa chú ý làm rõ tài sản tham nhũng tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng để thu hồi; chưa làm rõ trách nhiệm của cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, xác minh, thu hồi tài sản tham nhũng.

Trong đó, kê biên tài sản là biện pháp quan trọng để bảo đảm thu hồi tài sản tham nhũng nhưng BLTTHS hiện hành còn thiếu các quy định cụ thể làm cơ sở thực hiện tốt công tác này.

Trước kiến nghị trên, Viện KSND Tối cao cho rằng ngoài BLTTHS; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã có nhiều quy định để phát hiện, xử lý tham nhũng và thu hồi tài sản có nguồn gốc tham nhũng. BLTTHS đã có 5 điều liên quan kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tạm giữ đồ vật…

Ngoài ra, TAND Tối cao đang ban hành dự thảo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm về tham nhũng, chức vụ và trong đó cũng quy định vấn đề tịch thu tài sản bất chính.

Cũng theo trả lời của Viện KSND Tối cao, Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan khác trong việc báo cáo nghiên cứu, xây dựng quy định tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội; buộc đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc tài sản.

Từ đó, các cơ quan chức năng sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi Bộ luật Hình sự và BLTTHS; đưa ra các phương án, kiến nghị sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định khác liên quan.

MỚI - NÓNG