Còn tham nhũng, dùng quyền lực gây khó dễ

Giai đoạn 2015 - 2020, cả nước tinh giản được 67.218 người trong biên chế. Ảnh: TTXVN
Giai đoạn 2015 - 2020, cả nước tinh giản được 67.218 người trong biên chế. Ảnh: TTXVN
TP - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức “tham nhũng vặt”, sử dụng “quyền lực mềm” gây khó dễ doanh nghiệp và người dân.

5 bộ vượt số lượng thứ trưởng

 Ngày 30/12, tại Hội nghị tổng kết 5 năm và triển khai nhiệm vụ năm 2021, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian qua, các bộ, ngành đã giảm 12 cấp vụ, tăng 7 cục, 2 cấp tổng cục và tương đương. Còn tại địa phương, giảm 5 cấp sở cùng 973 phòng, 127 chi cục và giảm 12 tổ chức hành chính khác.

Liên quan đến số lượng cấp phó, Bộ Nội vụ cho biết, tại thời điểm ngày 10/10, Bộ TT&TT có 3 thứ trưởng (ít hơn quy định 2), 6 bộ, ngành khác có 4 thứ trưởng và tương đương (ít hơn 1). Ngược lại, các Bộ Nội vụ, NN&PTNT, Văn phòng Chính phủ còn vượt 1 thứ trưởng. Riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có 9 thứ trưởng, vượt 3 so với quy định. Số lượng cấp phó vượt chủ yếu do sắp xếp tổ chức bộ máy và yêu cầu công tác cán bộ, như thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ, lãnh đạo từ địa phương về Trung ương.

Còn tham nhũng, dùng quyền lực gây khó dễ ảnh 1 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị 
Ảnh: PV
Bộ Nội vụ đã sơ kết 3 năm thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Kết quả có 14 đơn vị hiện thí điểm thi tuyển với 30 vị trí và 22 địa phương thực hiện thí điểm thi tuyển, với 109 vị trí. Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định nhân rộng thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển, sau đó sẽ tổng kết vào Quý IV năm 2022.

Còn gây khó dễ

Ghi nhận những kết quả ngành Nội vụ đạt được trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý, việc quản lý và sử dụng cán bộ, công chức viên chức theo vị trí việc làm chưa được triển khai đồng bộ. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, yếu kém về phẩm chất, năng lực, chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; còn tình trạng tham nhũng vặt, sử dụng “quyền lực mềm” gây khó dễ cho doanh nghiệp và người dân khi giải quyết thủ tục hành chính.

Phó Thủ tướng đề nghị ngành Nội vụ tập trung xây dựng, hoàn thiện Đề án Cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng thời rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, bỏ sót nhiệm vụ. Ngoài ra, cần có chế tài, kỷ cương, kỷ luật, không để tình trạng hồ sơ lòng vòng kéo dài. Bởi nếu không có kỷ luật, sẽ xảy ra tình trạng trên nói dưới không nghe.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác cán bộ vẫn là quyết định, là gốc, cán bộ phải vừa hồng, vừa chuyên, nắm được kỹ năng công nghệ thông tin, xử lý công việc nhuần nhuyễn. Nhưng không vì vậy mà chạy theo xu hướng phải có học hàm, học vị. Đồng thời cán bộ công chức phải trong sạch, liêm khiết, lấy dân làm gốc, có ý thức phục vụ nhân dân. “Phải làm sao để cán bộ có ý thức, đạo đức, thấy mình làm sai là trong lòng day dứt”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Theo Bộ Nội vụ, trong giai đoạn năm 2015 - 2020, cả nước đã tinh giản được 67.218 người. Trong số này có gần 55.000 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi. Cũng theo Bộ Nội vụ, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021 có hơn 247.300 người, giảm hơn 27.500 biên chế (giảm 10,01% so với năm 2015). Biên chế sự nghiệp năm 2021 hơn 1,78 triệu người, giảm 242.700 biên chế (giảm 11,98% so với năm 2015).

MỚI - NÓNG