Có thể phòng ngừa tiền sản giật?

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Thai phụ bị tiền sản giật có thể dẫn đến sản giật đe dọa tính mạng cho cả mẹ và thai nhi hay gây nhiều biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Có cách nào để phòng ngừa tiền sản giật hay không?

Theo Tiến sĩ – bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM, tiền sản giật thường gặp vào khoảng 3 tháng giữa của thai kỳ và thường xuyên xuất hiện ở phụ nữ sinh con đầu lòng. Tuy nhiên, một số trường hợp nặng hơn có thể phát triển sớm hơn hoặc chỉ là vấn đề nhỏ trong cả thai kỳ, thậm chí có khi chỉ xuất hiện sau khi sinh.

Tiền sản giật là gì?

Thông thường, phôi thai phát triển trong tử cung của người mẹ nhờ dinh dưỡng được cung cấp thông qua bánh nhau. Bánh nhau có chức năng trao đổi các chất dinh dưỡng dưỡng từ máu của mẹ sang thai nhi. Để đảm bảo vai trò này, trong bánh nhau có các gai nhau cắm sâu vào niêm mạc tử cung của người mẹ để lấy nguồn cung cấp máu có oxy đến, đồng thời cũng trả lại máu có CO2. Chính vì điều đó, khi gai nhau tiếp xúc với người mẹ nhưng nếu cơ thể người mẹ có các bệnh lý về mạch máu, yếu tố di truyền có sẵn trong gene của người mẹ sẽ gây ra hiện tượng giảm sự tưới máu từ tử cung đến nhau thai.

Từ đây, các yếu tố bất lợi khác tiếp tục xuất hiện như: rối loạn các chất vận mạch, xuất hiện các chất độc, gây ra tăng huyết áp, thấm mao mạch gây phù và tiểu đạm. Nếu thai phụ không được can thiệp thì diễn tiến sẽ ngày càng nặng dần, máu bị cô đặc, giảm tiểu cầu, thiếu niệu, bị co giật.

Tiền sản giật - sản giật là bệnh thường gặp với tần suất từ 5 - 8% trong thai kỳ

Tiền sản giật - sản giật là bệnh thường gặp với tần suất từ 5 - 8% trong thai kỳ

Những dấu hiệu chính

Vào tuần lễ thứ 20 của thai kỳ, huyết áp người mẹ đột ngột tăng cao, huyết áp tối đa >140mmHg và huyết áp tối thiểu >90mmHg. Biểu hiện toàn thân phù, xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu có đạm niệu >0,3g/l.

Được gọi là tiền sản giật nặng: khi huyết áp tối thiếu >110mmHg, đạm niệu >3g/l, thiểu niệu <100ml/4 giờ, kèm theo nhức đầu, mờ mắt, đau vùng thượng vị, phù phổi cấp, suy tim. Siêu âm thai thấy thai chậm tăng trưởng trong tử cung, xét nghiệm chức năng gan giảm, biểu hiện: men gan tăng cao, tiểu cầu giảm, creatinin máu tăng cao.

Sản giật: các dấu hiệu của tiền sản giật nặng đi kèm cơn co giật. Ngoài ra , trong thời gian liên quan đến thai kỳ, khi có cơn co giật phải có bằng chứng liên quan trước đó mới có thể thay đổi việc chẩn đoán sản giật.

Cơn co giật được mô tả: bắt đầu rung rung ở mặt một vài giây sau đó co cứng toàn thân do co cơ toàn thân, giai đoạn này kéo dài trong 15 – 20 giây; bất ngờ hàm mở ra và khép lại rất mạnh, ngay sau đó mí mắt cũng vậy. Các cơ mặt và tất cả các cơ khác thay phiên nhau giãn rất nhanh. Người mẹ có thể té xuống giường, có thể cắn lưỡi do cử động của hàm, giai đoạn cơ giãn cơ có thể kéo dài trong 1 phút. Có thể ngưng thở trong vài giây sau đó thở sâu và hôn mê. Người mẹ sẽ không nhớ đến cơn co giật cùng các sự kiện trước và sau cơn giật.

Có thể phòng ngừa tiền sản giật? ảnh 2

Phòng ngừa tiền sản giật

Tiền sản giật – sản giật là bệnh thường gặp với tần suất từ 5 – 8% trong thai kỳ. Nguyên nhân của tiền sản giật hiện chưa được xác định rõ. Vì vậy, theo chuyên gia sản khoa, phương pháp tốt nhất để phòng ngừa tiền sản giật là người mẹ cần điều trị tốt các bệnh lý đi kèm (nếu có) như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý mạch mái, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ trong khi mang thai.

Tái khám thai định kỳ theo lời khuyên của bác sĩ. Thường xuyên kiểm tra huyết áp ngày 2 lần (sáng – chiều), ghi nhớ lại các thông số đo được, theo dõi cân nặng, số lần thai máy, nằm nghỉ ngơi hoàn toàn, không làm việc. Khi có một trong các dấu hiệu dưới đây cần phải tái khám ngay: nhức đầu, hoa mắt, nhìn mờ, tăng cân nhanh, đau vùng thượng vị, thai máy yếu, huyết áp tăng cao, tiểu ít, nước tiểu đậm màu.

Những yếu tố nguy cơ dẫn đến tiền sản giật

- Phụ nữ mang đa thai.

- Mang thai con đầu lòng.

- Thai phụ lớn tuổi (trên 40 tuổi).

- CÓ tiền sử tăng huyết áp (tăng huyết áp vô căn)

- Bị đái tháo đường hoặc bệnh lý về thận trước đó.

- Từng bị tiền sản giật.

- Do di truyền từ tiền sử gia đình.

- Thai phụ ăn uống thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ.

- Một số bệnh lý về răng miệng.

- Thừa cân hoặc béo phì trong thai kỳ.

Theo Giadinh.net
MỚI - NÓNG