> Body painting Việt - vẫn diễn ra, dù…
Ngô Lực (trái). |
Thật ngắn gọn, xin anh cho một câu nói để hình dung về loại hình nghệ thuật này?
Phương Vũ Mạnh (PVM): Nghệ thuật body là sự phối hợp, giao cảm, giữa con người với con người, giữa người mẫu với hoạ sĩ để cùng hướng tới cái chân thiện mỹ.
Ngô Lực (NL): Body painting là sự kết hợp hài hòa giữa cơ thể, nhục dục và hội họa.
Có người nói bản thân việc được vẽ lên người một cô gái khỏa thân đã tạo hứng thú rồi. Anh nghĩ sao về nhận xét đó?
PVM: Không sai, vẽ lên cơ thể của một cô gái khoả thân thì thật tuyệt vời bởi khi đó tôi có thể tâm sự với cô ấy về quan niệm nghệ thuật của tôi, thậm chí cả cuộc sống của tôi và quan điểm chính trị, xã hội… và ngược lại. Điều này thì chắc chắn một cái toan vẽ không thể làm được.
NL: Nói đúng hơn, vẽ lên cơ thể người đã tạo hứng thú rồi, đương nhiên nam giới vẽ lên phụ nữ sẽ có một chút hứng thú khác, nhưng dù sao hứng thú vẽ vẫn nhiều hơn, chứ nếu chỉ đơn thuần là hứng thú về nhục dục tôi sẽ không vẽ mà làm chuyện khác!
Có người nghĩ vẽ trên cơ thể người khỏa thân (hoàn toàn hoặc một phần) là dung tục, là chơi nổi… Anh thấy sao về kiểu nghĩ này?
PVM: Nên cung cấp thông tin nghệ thuật thế giới, nhất là nghệ thuật body painting cho những người có suy nghĩ như vậy.
NL: Tôi nghĩ rằng đây không phải là suy nghĩ vì nếu chịu suy nghĩ chút người ta sẽ không phát ngôn như vậy.
Vẽ trên cơ thể người khác với vẽ trên giấy, trên toan… thế nào?
Phương Vũ Mạnh (giữa) với các người mẫu body painting. |
PVM: Cái toan vẽ tuyệt vời nhất trên đời là cơ thể của con người, vì đây đã là một kiệt tác của tạo hóa rồi, người nghệ sĩ chỉ nỗ lực làm cho nó mang một vẻ đẹp mới bằng mầu sắc, hình vẽ, quan điểm xã hội…
NL: Khác nhau rất nhiều. Bản thân cơ thể người đã là một hình ảnh tuyệt vời, họa sĩ chỉ là những người bôi bẩn, hoặc tôn vinh thêm lên!
Tác phẩm body painting dù có tuyệt đẹp thì đời sống cũng chỉ là thoáng chốc, trong một vài tiếng lại bị xóa. Anh nghĩ sao khi làm nghệ thuật mà tác phẩm lại có đời sống ngắn ngủi như vậy?
Sau khi vẽ xong một tác phẩm body painting thì việc chụp, quay lại sẽ làm cho tác phẩm trở nên sống mãi cũng như trở thành một tác phẩm độc lập bằng ảnh. Năm 2010, tôi có tham gia một tác phẩm body painting bằng ảnh triển lãm quốc tế tại Hàn Quốc mang tên: “International Design Current 2010” triển lãm được trưng bày tại Korea Design Center, Gallery A từ ngày 5-7 - 5-11-2010. Có in sách, hiện tôi có một quyển mà nếu anh muốn có thể xem.
Tỷ mỉ đến từng chi tiết. |
Còn về việc bán tác phẩm thì tôi tin rằng một tương lai không xa, giới sưu tập và những người yêu nghệ thuật trên thế giới sẽ săn lùng những tác phẩm body painting bằng ảnh và video.
Ở các nước phát triển, các nghệ sĩ body painting đã có thể kiếm được 500-5.000USD/một tác phẩm vẽ body, thậm chí một số họa sĩ body painting nổi tiếng được các công ty truyền thông, quảng cáo lớn mời làm việc với mức lương 1.000 USD/1giờ. Tuy nhiên ở Việt Nam thì nói chi đến việc bán được tác phẩm.
NL: Sự ngắn ngủi theo nghĩa đen thì chẳng riêng gì body painting, mọi môn nghệ thuật khác người ta chỉ tưởng là tác phẩm sống lâu thôi (cười), còn theo một nghĩa nào đó thì lưu giữ được bằng nhiếp ảnh thì nó cũng lâu chứ!
Người khác bán được tác phẩm body painting hay không thì tôi không biết, còn tôi cũng đã kiếm được một số tiền không nhiều liên quan đến body painting, nhưng đó không phải là mục đích để kiếm sống của tôi.
Vậy nếu chỉ làm body painting thì sống rất khó khăn. Làm body painting có được tài trợ không?
PVM: Ngoài nghệ thuật body painting tôi vẫn vẽ tranh và bán tranh để sống. Các sự kiện body painting công diễn của tôi đều được tài trợ bởi nhà tổ chức sự kiện. Tuy nhiên khi vẽ những tác phẩm cho riêng mình thì tôi phải tự lo, đôi khi có những khó khăn về tiền thuê người mẫu.
Người mẫu Hoàng Anh. |
NL: Tôi làm rất nhiều thứ việc để kiếm ra tiền, nhưng với body painting thì chưa. Cho đến giờ này tôi luôn rạch ròi giữa việc kiếm tiền và làm những thứ mình yêu thích. Đương nhiên, nếu muốn làm cho ra chuyện trong lĩnh vực body painting thì việc tài trợ là cực kỳ quan trọng, chúng tôi rất cần tiền tài trợ.
Cảm giác khi đối diện với một cơ thể người khác phái, mà lại phải vẽ, nó như thế nào? Lần đầu tiên anh vẽ body thế nào? Cảm giác giới tính có xuất hiện không? Nếu có, nó giúp gì cho tác phẩm?
PVM: Tôi là một người đàn ông, tôi là một nghệ sĩ. Cả hai yếu tố này đều biết yêu quí, tôn trọng và đề cao vẻ đẹp tự nhiên, thân thể tuyệt mĩ của người phụ nữ và cùng đi vào thực hiện một tác phẩm body painting.
Hai cảm xúc luôn đan xen khi tôi bắt đầu thực hiện tác phẩm. Nhưng sau đó tôi quên mất yếu tố đàn ông kia mà chỉ còn nhớ mình là nghệ sĩ cho tới khi hoàn thành tác phẩm.
NL: Không có điều gì có thể ngăn cản được cảm giác giới tính, nhưng nó chỉ là yếu tố giúp tôi thăng hoa khi làm tác phẩm.
Anh không chỉ vẽ trên người (cả đàn ông và đàn bà), mà còn vẽ trên mình trâu? Có khác nhau nhiều không?
PVM: Vẽ trên mình trâu khó hơn trên cơ thể con người bởi vì bạn trâu (chữ của PVM - PV) có nhiều lông cứng. Phải thêm vài thao tác nữa thì mầu mới bám trên mình bạn ấy, mà bạn ấy lại không có ngôn ngữ giống chúng ta nên tôi phải học cách gần gũi với bạn ấy.
NL: Trâu đương nhiên là khác người, khi vẽ trâu thoạt đầu tôi bị nó đá hoài. Có lẽ với tôi, vẽ lên phụ nữ là hay nhất (cười to).
Phương Vũ Mạnh: Sinh năm 1969 tại Hà Nội. Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Hà Nội năm 1998. Phương Vũ Mạnh đã tham gia khoảng 40 cuộc triển lãm lớn nhỏ, trong đó có nhiều triển lãm cá nhân. Ngoài vẽ tranh sơn dầu, sơn mài, Mạnh làm nhiều tác phẩm body painting, sắp đặt, video art. Anh đặc biệt quan tâm đến việc thức tỉnh ý thức vì môi trường, thông qua nghệ thuật đương đại. Ngô Lực: Sinh năm 1979 tại Ninh Bình. Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TPHCM, tham gia một số khóa học về điện ảnh, về phim tài liệu tại nước ngoài. Đồng sáng lập Nhóm nghệ thuật “Khoan cắt bê tông”. Ngô Lực nổi lên với tư cách một nghệ sĩ quan tâm đặc biệt tới nghệ thuật cộng đồng, bằng ngôn ngữ đương đại. |
Lê Anh Hoài