Theo đó, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh thành và phân cấp cho BHXH cấp huyện thực hiện BHYT trong khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở; hướng dẫn người tham gia BHYT lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, trong đó được quyền đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến y tế cơ sở không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở y tế; ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với các cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện theo quy định; thực hiện công tác giám định BHYT; thực hiện tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Kết quả, năm 2017, có 61% số lượng thẻ BHYT được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến y tế cơ sở; năm 2018, tăng lên 71% thẻ BHYT (tăng 10%). Năm 2018, số cơ sở ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT là 2.316, trong đó có 1.407 cơ sở y tế tuyến huyện, 211 y tế cơ quan và gần 10.000 trạm y tế xã. Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhìn nhận, chính sách khám chữa bệnh thông tuyến làm giảm số người bệnh đến khám chữa bệnh tại Trạm y tế xã. Đặc biệt, tình trạng “chuyển đổi” bệnh nhân từ huyện này sang huyện kia trên cùng địa bàn tỉnh để được thanh toán theo “trần”, không phải theo quỹ khám chữa bệnh vẫn còn diễn ra nhiều. Bên cạnh đó, chính sách tự chủ tài chính bệnh viện thúc đẩy các bệnh viện thu dung người bệnh, không phụ thuộc bệnh đó có thể điều trị tại tuyến nào; không có quy định nhằm hạn chế khám chữa bệnh thông thường tại các bệnh viện tuyến trên; quản lý bệnh mãn tính tại cộng đồng đang gặp nhiều khó khăn do năng lực chuyên môn của nhân viên y tế tại tuyến cơ sở chưa tạo được sự tin tưởng của người dân…