Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nghiên cứu, phân tích đánh giá tác động của việc thí điểm bỏ giá sàn gạo xuất khẩu để đề xuất hướng điều hành phù hợp cho thời gian tới.
Các đơn vị này còn phải rà soát, cân đối khả năng xuất khẩu theo từng thị trường, khu vực thị trường để xác định chỉ tiêu xuất khẩu gạo, kiến nghị với Thủ tướng những giải pháp cần thiết khác để hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động này.
Phó Thủ tướng cũng yều cầu 2 Bộ và VFA hướng dẫn việc cho phép một số đơn vị trực thuộc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) và Lương thực miền Nam (Vinafood2) được sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của Tổng công ty để thực hiện hoạt động này qua biên giới.
Bộ Công Thương phải báo cáo Thủ tướng những nội dung trên trước ngày 25/5 để xem xét, quyết định. Hiện nay, việc quy định giá sàn xuất khẩu gạo được áp dụng theo Thông tư số 89/2011. Theo đó, giá sàn gạo xuất khẩu bình quân của từng tiêu chuẩn phẩm cấp gạo bằng tổng của giá vốn, lợi nhuận dự kiến và các loại thuế phải nộp. Từ cuối tháng 4 đến nay, giá tối thiểu gạo xuất khẩu loại 25% tấm được VFA công bố là 375 USD một tấn. Mức chênh lệch giá giữa các loại gạo khác, do các thương nhân tính toán và quyết định.
Cũng liên quan đến tình hình xuất khẩu gạo, gần đây, Vinafood 1 và Vinafood 2 Việt Nam trúng 4 gói thầu cung ứng tổng cộng 800.000 tấn cho Philippines nhờ đưa ra mức giá thấp nhất. Tuy nhiên, theo báo Dân việt nhiều đơn vị nhận được hợp đồng ủy thác xuất khẩu từ 2 đơn vị trên đã "tháo chạy" do mức giá quá thấp, doanh nghiệp có thể lỗ.
Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 5, các doanh nghiệp đã xuất khẩu 1,93 triệu tấn, trị giá FOB đạt 845 triệu USD, giảm khoảng 18% so với cùng kỳ.
Theo Ngọc Tuyên