Cổ phiếu tăng trần liên tục, doanh nghiệp nói không biết vì sao

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một số doanh nghiệp vừa lên tiếng giải trình về việc cổ phiếu liên tục tăng trần. Lãnh đạo các doanh nghiệp đều cho rằng đây là diễn biến khách quan và phụ thuộc vào cung cầu của thị trường chứng khoán, không biết nguyên nhân giá cổ phiếu tăng.

Cổ phiếu VRC của CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC vừa có chuỗi tăng trần từ 6-13/3, theo đó, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) đã yêu cầu doanh nghiệp giải trình về diễn biến này.

Tại văn bản giải trình, VRC cho biết, đây là diễn biến khách quan và phụ thuộc vào cung cầu của thị trường chứng khoán. Các quyết định giao dịch của nhà đầu tư đối với cổ phiếu VRC nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty. Hoạt động kinh doanh của VRC vẫn đang diễn ra bình thường, không có biến động bất thường và công ty không có bất kỳ tác động nào gây ảnh hưởng đến giá giao dịch cổ phiếu VRC.

Trước khi cổ phiếu VRC tăng mạnh những phiên gần đây, trong tháng 1, ông Phan Văn Tướng - thành viên HĐQT VRC - đăng ký bán 2,5 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, do giá thị trường nằm ngoài khung giá giao dịch dự kiến, ông Tướng không bán được cổ phiếu nào và vẫn còn nắm giữ 9,32 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 18,65%.

VRC tiền thân là Xí nghiệp Xây lắp Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, được thành lập tháng 8/1980, là một trong những công ty xây dựng ra đời sớm nhất ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tháng 6/2018, công ty đã chuyển trụ sở chính về TPHCM.

Năm 2023, VRC đạt doanh thu 3,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 197 triệu đồng, do không còn ghi nhận khoản doanh thu tài chính và khoản thu nhập khác đột biến như năm 2022.

Cổ phiếu tăng trần liên tục, doanh nghiệp nói không biết vì sao ảnh 1

Cổ phiếu ICF có tới 10 phiên liên tiếp tăng trần.

Cổ phiếu ICF của CTCP Đầu tư thương mại thuỷ sản (Incomfish) cũng vừa có chuỗi 10 phiên tăng trần liên tiếp, từ 2.400 đồng lên 7.400 đồng/cổ phiếu. Giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về diễn biến trên, ICF cho biết, công ty vẫn hoạt động bình thường, không có bất kỳ thay đổi nào. Công ty không biết nguyên nhân giá cổ phiếu tăng.

Năm 2006, IFC niêm yết cổ phiếu tại sàn HNX rồi chuyển sang sàn HoSE với giá tham chiếu là 30.200 đồng/cổ phiếu tại ngày 18/12/2007. Tuy nhiên, sau 12 năm niêm yết trên sàn HoSE, đến tháng 5/2019, cổ phiếu IFC bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE do thua lỗ kéo dài. Sau đó, cổ phiếu này chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 900 đồng/đơn vị.

Năm 2023, Incomfish ghi nhận lãi trở lại với 287 triệu đồng, sau 7 năm lỗ liên tiếp (2016 - 2022. tính đến cuối năm 2023, công ty lỗ lũy kế 88,7 tỷ đồng.

Trước đó, trường hợp của CTCP Kỹ thuật và ô tô Trường Long (mã HTL) cũng có giải trình tương tự. Giá cổ phiếu HTL tăng trần 6 phiên liên tiếp (31/1-7/2/2024), từ 12.200 đồng lên 18.150 đồng/cổ phiếu, tương đương mức 49%.

HTL cho biết giá cổ phiếu tăng/giảm hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu của thị trường chứng khoán, cũng như thị hiếu và nhu cầu của nhà đầu tư. Các quyết định giao dịch của các nhà đầu tư đối với cổ phiếu HTL nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty. Hoạt động kinh doanh đang diễn ra bình thường, không có biến động gì bất thường và công ty không có bất kỳ thông tin cũng như tác động nào gây hưởng đến giá giao dịch trên thị trường. Năm 2023, doanh thu thuần của HTL đạt hơn 660 tỷ đồng, lãi sau thuế xấp xỉ 10 tỷ đồng.

HTL tiền thân là Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Trường Long, thành lập năm 1998. Năm 2007 công ty tiến hành cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh xe tải, sửa chữa, bảo hành, bảo trì và cung cấp phụ tùng; đăng kiểm xe và hoa hồng bảo hiểm xe.

MỚI - NÓNG