Cụ thể VIC, VRE, VHM đóng góp hơn 7 điểm cho VN-Index, trở thành trụ đỡ vững chắc cho chỉ số, bất chấp những nhịp giằng co của thị trường. VRE kết phiên hôm nay ở mức 35.600 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch tăng vọt 300% so với trung bình 20 phiên. Chỉ qua ba phiên giao dịch đầu năm, VRE tăng giá 18%, là bước nhảy vọt của cổ phiếu này sau thời gian lình xình “ngược sóng” bất động sản. Vốn hoá VRE tăng vọt hơn 12.000 tỷ đồng chỉ trong 3 ngày.
Ba phiên đầu năm 2022, “anh cả” VIC cũng tăng giá 10%, bứt tốc sau năm 2021 dậm chân tại chỗ. VHM tăng hơn 4% kể từ đầu năm.
Nhóm bất động sản, xây dựng tiếp tục hút dòng tiền, BCM, SCR, DXG, ITA, HAR, HTN, QCG, CTD, ACC… đồng loạt tăng trần, đóng góp tích cực cho chỉ số. Đà tăng của các mã "họ" FLC duy trì sức nóng. Bên cạnh đó, các mã “hot” thời gian qua như CII, LDG, CEO, DIG thu hẹp đà tăng, DIG đóng cửa giảm 1%. Lực kéo từ nhóm bất động sản có thời điểm đưa VN-Index tăng gần 15 điểm lên 1.535 điểm, tuy nhiên sau đó áp lực bán gia tăng, trước khi bước vào phiên ATC, chỉ số lùi sát tham chiếu.
Nhóm vốn hoá lớn VN30 phân hoá rõ rệt, cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, thép gây áp lực lên chỉ số. MSN (-4,5%) giảm giá mạnh nhất rổ VN30, đồng thời là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index, kéo chỉ số giảm hơn 2 điểm. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất MSN. Nhóm ngân hàng CTG, TCB, SSB, VPB nới rộng đà giảm của chỉ số. HPG, GAS, SAB, VNM, NVL cũng giao dịch kém tích cực.
Cổ phiếu vốn hóa lớn đã hạ nhiệt đáng kể, VN30-Index gặp khó khi tiếp cận lại vùng đỉnh cũ thiết lập cuối tháng 11/2020. Khi ấy, VN30-Index lập đỉnh 1.572 điểm. Phiên hôm nay, chỉ số rổ VN30 đóng cửa giảm nhẹ 1 điểm khi số mã giảm áp đảo mã tăng.
Với nhóm cổ phiếu thép, sắc đỏ lại bao trùm NKG, HSG, TVN, TLH, HPG, VGS, TKU, KKC, VCA… NSH là mã hiếm hoi ngược dòng bứt phá, tăng trần 9,8%. HPG tiếp tục là tác nhân kìm hãm đà tăng của chỉ số.
Đáng chú ý, một cổ phiếu thép khác là VIS (CTCP Thép Việt Ý) vừa lấy ý kiến cổ đông về việc huỷ niêm yết bắt buộc. VIS cho biết nguyên nhân hủy niêm yết là do cơ cấu cổ đông có hai cổ đông lớn nắm 93,81% vốn và cổ đông không phải cổ đông lớn chiếm 6,19%... Công ty không đáp ứng điều kiện có tối thiểu 10% vốn do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn nắm giữ theo Luật Chứng khoán 2019.
Thời gian huỷ niêm yết dự kiến trong quý 1/2022. Kết phiên hôm nay, VIS giảm 4,17% xuống 17.250 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu hiện trong diện cảnh báo của HoSE, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2021 của công ty là 73,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính tại thời điểm 30/6/2021 là -441,2 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 6,07 điểm (0,4%) lên 1.528,57 điểm. HNX-Index tăng 4,53 điểm (0,94%) lên 484,89 điểm. UPCoM-Index tăng 0,13 điểm (0,11%) lên 114,39 điểm.
Thanh khoản thị trường giữ mức cao, riêng giá trị khớp lệnh HoSE tăng 8% lên 33.030 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 250 tỷ đồng, tập trung vào MSN, VNM, VIC, CTG, NVL… Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh các mã bất động sản, xây dựng: VHM, KBC, DXG, BCM, KDH, CTD