Cổ phiếu của DIC Corp nằm sàn la liệt vì bị thanh tra 'sờ gáy'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cổ phiếu của Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng giảm sàn vì thông tin doanh nghiệp này bị Thanh tra Chính phủ thanh tra trong 30 ngày. Tuy nhiên, lãnh đạo DIC Corp nói rằng doanh nghiệp làm đúng và quyết định thanh tra là hoạt động rất bình thường của Thanh tra Chính phủ. 

Chỉ là thanh tra thường kỳ?

Phiên giao dịch 1/3, cổ phiếu DIG của Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) giảm hết biên độ xuống còn 12.600 đồng/cổ phiếu với khối lượng dư bán giá sàn gần 15,5 triệu đơn vị. Như vậy, cổ phiếu DIG giảm đến 87% so với đỉnh đạt được hồi giữa tháng 1/2022.

Cổ phiếu DIC giảm sàn sau thông tin, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng.

Cổ phiếu của DIC Corp nằm sàn la liệt vì bị thanh tra 'sờ gáy' ảnh 1

Cổ phiếu DIG giảm sàn trong phiên giao dịch ngày 1/3.

Cụ thể, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra toàn diện quá trình cổ phần hóa tại Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng. Thời gian thanh tra là 30 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.

Theo Quyết định số 49/QĐ-TTCP, đoàn thanh tra gồm 9 thành viên do ông Nguyễn Đức Hương - Phó Cục trưởng Cục giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực III (Cục III) làm Trưởng đoàn có trách nhiệm thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân liên quan trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DIG.

Hôm nay (1/3,) ông Nguyễn Thiện Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị DIC Corp - cho biết, quyết định thanh tra là hoạt động rất bình thường của Thanh tra Chính phủ trong giai đoạn hiện nay.

“Hiện nay, Nhà nước đang có chủ trương rà soát lại toàn bộ các hoạt động liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước trước đây nên không chỉ riêng DIC Corp mà rất nhiều doanh nghiệp đều thuộc đối tượng được Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát. Đây là hoạt động thường kỳ của Thanh tra Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay”, ông Tuấn khẳng định.

Cũng theo ông Tuấn, công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DIG đã triển khai theo đúng quy định của pháp luật, đã trải qua nhiều lần thanh tra, kiểm toán, kiểm tra… và đã có kết luận. Trong các quá trình thanh tra nêu trên, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, triển khai tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra.

“Ban lãnh đạo DIG đang nỗ lực tối đa để đưa doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đồng thời căn cứ trên thực tế quỹ đất và hiện trạng triển khai đầu tư tại các dự án thì Hội đồng quản trị đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với con số tương đối khả quan và đã tổ chức lễ ra quân đầu năm”, ông Tuấn nói.

DIC Corp cổ phần hóa như thế nào?

Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng có xuất phát điểm là Nhà nghỉ Bộ Xây dựng, được thành lập từ năm 1990. Sau đó chuyển đổi mô hình thành Công ty Đầu tư Xây dựng và Dịch vụ du lịch vào năm 1993 rồi Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng, năm 2001.

Đây là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng đóng tại TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hoạt động chính trong lĩnh vực xây lắp, phát triển đô thị và kinh doanh dịch vụ du lịch. Năm 2007, Bộ Xây dựng (đơn vị chủ quản) đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng, thuộc Bộ Xây dựng.

Cổ phiếu của DIC Corp nằm sàn la liệt vì bị thanh tra 'sờ gáy' ảnh 2

Lãnh đạo DIC Corp khẳng định, công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DIG đã triển khai theo đúng quy định của pháp luật, đã trải qua nhiều lần thanh tra.

Đây là chủ trương của Nhà nước vì DIC Corp không phải là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực then chốt, thiết yếu đối với nền kinh tế như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp điện, nước, xăng dầu, quốc phòng…

Ban chỉ đạo cổ phần hóa DIC Corp đã thành lập Tổ giúp việc Ban chỉ đạo tại quyết định số 352/QĐ-BCĐ ngày 7/3/2007. Theo đó, thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc đa số là nhân sự thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các cơ quan Trung ương, DIC Group chỉ có người đại diện vốn tham gia với tư cách cung cấp các hồ sơ, giấy tờ liên quan để phục vụ công tác cổ phần hóa.

Ngày 22/8/2007, Ban chỉ đạo cổ phần hóa có Văn bản số 430/DIC Corp-BCĐ gửi Bộ Xây dựng về việc đề nghị thẩm định, phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng. Đến ngày 15/10/2007, Bộ Xây dựng ban hành quyết định số 1302/QĐ-BXD về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng.

Cổ phiếu DIC được chào bán lần đầu ngày 26/11/2007 trên Sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE). Ngày 28/11/2017, Bộ Xây dựng đã thoái vốn Nhà nước tại DIC Corp, cổ phiếu DIG được bán theo phương thức khớp lệnh trên HoSE, số tiền thu được từ thoái vốn đã nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Ngày 26/12/2017, Bộ Xây dựng có văn bản số 39/BXD-QLDN chấp thuận kết quả thoái vốn nhà nước tại DIC Corp, xác nhận số tiền DIC đã nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là hơn 2.274 tỷ đồng tại ủy nhiệm chi ngày 14/12/2017 của Công ty CP Chứng khoán MB.

Ngày 6/1/2018, DIC Corp tổ chức đại hội cổ đông bất thường, Bộ Xây dựng chính thức không còn là cổ đông tại Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng.

Năm 2022, DIC Corp ghi nhận doanh thu đạt mức 1.909 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 197 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty mới chỉ thực hiện được 38% kế hoạch doanh thu và 1/10 mục tiêu lợi nhuận đề ra tại đại hội cổ đông 2022. Tại 31/12/2022, tổng tài sản của DIC Corp giảm 12,5% so với đầu năm xuống 14.743 tỷ đồng.

Trong báo cáo quản trị năm 2022, ông Nguyễn Thiện Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị DIC Corp đã giảm sở hữu từ 10,09% về còn 7,68% vốn điều lệ. Ông Nguyễn Hùng Cường - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị DIC Corp (con trai ông Nguyễn Thiện Tuấn) giảm sở hữu từ 10,28% về còn 8,85% vốn điều lệ. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị DIC Corp (con gái ông Nguyễn Thiện Tuấn) giảm sở hữu từ 3,61% về còn 2,98% vốn điều lệ.

MỚI - NÓNG