Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước 'dậm chân tại chỗ'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Giai đoạn 2021 - 2022, số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp vào ngân sách nhà nước chỉ đạt 4.848 tỷ đồng, bằng 8% kế hoạch được Thủ tướng giao. Trong 5 tháng đầu năm nay, tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn gần như đứng im.

Đây là thông tin được Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nêu trong báo cáo kết quả cổ phần hóa, thoái vốn luỹ kế đến 5 tháng đầu năm 2023.

Theo đó, có 26 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp, gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam và 24 doanh nghiệp thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Hòa Bình, Lai Châu, Ninh Thuận, Thái Bình, Trà Vinh.

Năm 2022, chỉ có 1 doanh nghiệp cổ phần hóa cổ phần hoá là Công ty TNHH MTV Phà An Giang với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng. Trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước 278 tỷ đồng.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, dù đã có kế hoạch phê duyệt nhưng chưa có doanh nghiệp nào được cổ phần hoá.

Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước 'dậm chân tại chỗ' ảnh 1

Công ty TNHH MTV Phà An Giang là đơn vị duy nhất cổ phần hoá trong năm 2022.

Về thoái vốn, năm 2022 chỉ thoái vốn nhà nước tại 1 doanh nghiệp với giá trị 195 tỷ đồng. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại 5 doanh nghiệp với giá trị là 43,9 tỷ đồng.

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, nguyên nhân khách quan của tình trạng này do những bất ổn lớn của thị trường tài chính trong nước và quốc tế. Dịch COVID-19 khiến việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn phụ thuộc vào tình hình thị trường.

Đặc thù của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa là doanh nghiệp lớn, phạm vi hoạt động rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều tài sản chuyên ngành, khó xác định giá trị, một số đơn vị vi phạm quy định về quản lý vốn, tài sản đang thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa là các đơn vị cung ứng, sản phẩm dịch vụ công ích, hoạt động gắn liền với hoạt động của địa phương.

Về nguyên nhân chủ quan, nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt trong cổ phần hóa, thoái vốn. Còn tư tưởng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Thời gian tới, Bộ Tài chính đề nghị UBND địa phương sớm có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp của trung ương đóng trên địa bàn.

Địa phương, bộ ngành phải xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu trong công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, thực hiện các nhiệm vụ, công việc liên quan; coi việc thực hiện nhiệm vụ và kết quả thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN là một tiêu chí đánh giá các cơ quan, đơn vị tập thể, cá nhân liên quan.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.