Công khai luôn là “hết a lô”
Nhằm đấu tranh hiệu quả với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, Thủ tướng Chính phủ quyết định lập BCĐ Quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) thay thế BCĐ 127 Trung ương hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Trưởng ban thường trực BCĐ 389, cho rằng công tác phòng, chống buôn lậu đang ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân và môi trường kinh doanh. Qua thanh tra thuế tại một số địa phương cho thấy, có tình trạng “người làm thật thì khổ, thua lỗ, nhưng người làm giả lại ăn thật”.
Thanh tra, kiểm tra tại khu vực Tây Nguyên và Tây Nam bộ, cơ quan thuế đã chuyển hơn 60 hồ sơ sai phạm sang cơ quan điều tra, đến nay đã khởi tố 20 vụ án.
“Tôi đồng ý, phát hiện đến đâu đưa truyền thông đến đó, đưa chính xác, kịp thời. Không ai bao che, bảo kê cho tất cả những hành động đó. Cán bộ các lực lượng nòng cốt không được liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại”
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, đã chỉ đạo các lực lượng trong ngành Tài chính, đặc biệt là Hải quan cương quyết xử lý vi phạm.
“Có những vụ việc anh em Hải quan run lên, tổng cục trưởng, tổng cục phó lên gặp tôi báo cáo là “chạy” kinh lắm. Tôi chỉ đạo lập tức phải đưa ngay lên truyền hình, phát trong buổi sáng là im ngay. Tôi nói với đồng chí tổng cục trưởng là nó “chạy” cùng lắm lên đến tôi hoặc lên ai nữa nhưng ra truyền thông thì thôi chứ còn gì nữa”, ông Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Tài chính, trong hội nhập, chúng ta phải áp dụng Hải quan điện tử, luồng xanh, luồng đỏ những vẫn phải kiểm soát toàn diện, nếu cần phải mở container.
“Anh em Hải quan năm vừa rồi bắt 12 nghìn vụ gồm tất cả các loại từ súng đạn, ma túy, hàng giả... như vậy con ruồi chạy qua các đồng chí cũng bắt được nhưng có khi con voi chạy qua lại để hổng. Con voi ở đây là vụ mấy trăm bánh ma túy qua Tân Sơn Nhất”, ông Dũng nói và cho biết thêm, Hải quan không từ chối trách nhiệm nhưng nhiều ngành cũng phải làm rõ trách nhiệm.
Do vậy, việc công khai những vụ án lớn là rất quan trọng. Đồng tình với đề xuất này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tinh thần là phát hiện ra công khai luôn, “như vậy là hết alô”.
Xử lý nghiêm cán bộ bảo kê, tiếp tay
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, để buôn lậu do chính quyền các cấp chưa làm hết trách nhiệm, nhiều khi ngại đụng chạm.
Ông Vương cho rằng, phải tập trung chống buôn lậu xăng dầu, đặc biệt là trên biển. Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đồng tình nhận định, tình hình buôn lậu xăng dầu rất phức tạp. Trong năm 2013, lực lượng Cảnh sát Biển và Biên phòng đã tịch thu hơn 7,7 triệu lít xăng dầu.
Thượng tướng Nguyễn Thành Cung đề nghị phải quy định rõ, mỗi địa bàn cần một lực lượng chịu trách nhiệm chính, như: Trên biển thì Cảnh sát Biển chịu trách nhiệm chính, biên giới do Biên phòng và Hải quan chịu trách nhiệm chính, thị trường nội địa do Công an và Quản lý thị trường chịu trách nhiệm chính từ đó quy trách nhiệm cụ thể khi xảy ra vụ việc hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, nếu để tình trạng buôn lậu ở địa phương nào thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng BCĐ Trung ương yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo quyết liệt, tập trung, có hiệu quả để từng bước đẩy lùi buôn lậu.
“BCĐ gồm 5 đồng chí Trung ương không phải để cho oai đâu, mà nói vậy để thấy trách nhiệm rất lớn. Chúng ta có BCĐ mạnh gồm các quân, binh chủng, lãnh đạo các bộ, ngành như thế này mà không đẩy lùi được sao?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.
Tại các địa phương, Phó Thủ tướng chỉ đạo xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác này. Theo đó, để xảy ra tội phạm, buôn lậu cấp ủy, chính quyền, công an phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra xem cán bộ bên dưới có tiêu cực, tham nhũng, bảo che, bảo kê không?
“Trong quá trình đánh án có ai gọi điện cho các đồng chí nói là em tôi, cháu tôi không? Con ông, cháu ông, càng phải gương mẫu”, Phó Thủ tướng nói.