Mỗi dịp năm mới, tiền mừng tuổi Tết luôn mang nhiều giá trị tinh thần. Đây là món quà mà trẻ em nào cũng háo hức, mong chờ song cũng không ít sự cố đã xảy ra xung quanh tục lệ mừng tuổi dịp Tết đến này.
Ngày xưa, các cụ không thích dạy trẻ sớm về tiền và giá trị đồng tiền. Vậy ngày nay thì sao? Và dạy con khi nào, dạy thế nào về tiền?
Có nên dạy từ mầm non?
Theo chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, mặc dù các cụ ngày xưa không thích dạy trẻ sớm về tiền và giá trị đồng tiền, nhưng bà lại rất thích dạy con sớm về '"lĩnh vực rất bị cấm đoán" này.
TS Hương cũng cho biết, bà cho con làm quen với tiền từ khi con còn đi học mầm non. Để con quen với việc đó, tờ tiền to thì in to đùng, tờ tiền mệnh giá nhỏ, in nhỏ xíu (để tránh mang tiếng là in tiền giả thì chỉ in một mặt tiền còn mặt sau để trắng xóa).
“Điều lưu ý là mọi thứ tiền tệ ở khắp nơi trên thế giới đều tuân theo quy luật: Tờ nào mệnh giá to thì kích thước nó to. Trẻ mầm non rất giỏi về cảm nhận nên không ngại việc nhận biết tiền khi các con còn nhỏ. Sau một thời gian chơi bằng tiền photo, con sẽ quen với tiền và các mệnh giá tiền”- bà Hương nói.
Bà Hương cũng cho rằng, không chỉ dạy con làm quen với tiền bà, ngay từ nhỏ bà còn dạy con giữ gìn tiền. Vẫn là tờ tiền photo, bà hướng dẫn con làm cái ví bằng giấy.
“Tôi dặn con hãy giữ tờ tiền phẳng phiu bằng cách cho vào ví giấy. Khi giao dịch với bạn bè lúc chơi đồ hàng, con có chi tiền hay thu tiền thì xong vẫn nên cho vào ví cho đẹp. Tờ tiền đẹp sẽ thể hiện con là em bé biết giữ gìn. Vì thế, con rất thích ví, có lần bé còn đem bút mầu ra vẽ loăng quăng lên ví cho đẹp”- bà Hương nhấn mạnh.
Theo anh Nguyễn Chí Bình, CEO của Rewat Group, ở Hà Nội cho biết, anh dạy con làm quen với tiền từ khi khi con gái anh mới 4 tuổi.
“Ngày xưa các cụ không dạy con nhận biết về tiền sớm vì sợ con hư nhưng tôi cho rằng ở thời đại này thì không dạy con sớm thì mới sợ. Đây gần như một kĩ năng cần phải có, cần phải được học từ bé”- anh Bình chia sẻ.
Cũng theo Anh Nguyễn Trọng Hùng, Chủ tịch HOS Preschool ở Hà Nội cho biết, anh đã dạy con biết và tiếp cận với giá trị đồng tiền từ khi 5 tuổi.
Cha mẹ là người tư vấn
Theo anh Nguyễn Chí Bình, CEO của Rewat Group ở Hà Nội cho biết, anh coi việc dạy con nhận biết về tiền và biết tiêu tiền cũng chả khác gì việc con cần phải biết như xem đồng hồ hay đi xe đạp.
“Theo tôi, đây là một kĩ năng biết nên biết càng sớm càng tốt. Lúc đầu, bố mẹ đi cùng con mua đồ ăn sáng, mua đồ lặt vặt sử dụng trong mà. Sau dần, cho con quen rồi tự đi một mình. Như vậy, cho con vừa biết cộng trừ khi phải trả giá cũng như biết đồng tiền luôn”- anh Bình nhấn mạnh.”
TS giáo dục Vũ Thu Hương thì cho rằng, cha mẹ cần dạy con về giá trị thật của tiền. TS Hương chia sẻ, khi con 2 tuổi, đã đưa tiền cho con đi mua hàng.
“Đơn giản chỉ là cho con tự cầm tiền đi mua gói muối, gói hạt tiêu. Cửa hàng là bác hàng xén cạnh nhà. Buổi đầu con tự đi, mẹ đi đằng sau. Buổi sau mẹ sẽ đứng nhìn từ xa. Vài lần như vậy, mẹ sẽ kiên nhẫn ngồi đợi con ở nhà”- TS Hương nói.
Ngoài ra, cũng theo TS Hương, phụ huynh không chỉ dạy con biết về giá trị của tiền mà còn cần biết dạy con chi tiêu: “Vào bậc tiểu học, con cần được làm quen nhiều hơn nên việc bị sai đi mua hàng ở hàng xóm sẽ nhiều hơn nhiều. Con cũng được phép vào siêu thị cùng bố mẹ với 1 khoản tiền nhỏ muốn mua gì thì mua. Lúc đó cha mẹ chỉ tư vấn và hoàn toàn tôn trọng những quyết định của con”- TS Hương nhấn mạnh.