Ông Thuyết khẳng định: “Các vụ bạo hành hoặc xâm hại trẻ em từ trước cũng đã có và không phải ít nhưng gần đây, xã hội quan tâm nhiều hơn nên phát hiện nhiều vụ việc hơn, lên án mạnh mẽ hơn và đó là dấu hiệu tích cực”. Theo giáo sư, nạn bạo hành trẻ em diễn ra trong nhiều hoàn cảnh, môi trường khác nhau như gia đình, trường học, xã hội, thầy cô hoặc do chính các em bạo hành nhau.
Tuy nhiên, ông Thuyết cho rằng: “Khó đề phòng nhất là việc chính những người thân bạo hành các em bởi trẻ em tin cậy hoàn toàn vào người thân. Thứ hai, khó đề phòng là các thầy cô. Báo chí đăng không biết bao nhiêu bài về bạo hành, kỷ luật cũng nhiều nhưng hình như có những thầy cô không đọc báo? Các trường hợp bạo hành trẻ em ở trường học thường xảy ra ở nhóm trông trẻ tư nhân, do những người phụ trách, người nuôi dạy trẻ không qua đào tạo cẩn thận”.
Được hỏi về cách thức dạy trẻ, nguyên ĐBQH cho rằng: “Trẻ con, nhất là trẻ mầm non quấy khóc, không chịu ăn, thậm chí bướng bỉnh… là chuyện bình thường… nhưng chắc chắn việc sử dụng bạo lực với trẻ không bao giờ thành công”. Ông phân tích: “Việc dùng bạo lực chỉ tích tụ cho trẻ sự bực dọc, thiếu thiện cảm, thất vọng với người lớn hoặc gây cho trẻ tâm lý sợ hãi... Với trẻ em, ta động viên sẽ đạt hiệu quả tốt hơn là chê bai; rất sai lầm khi mắng mỏ, đánh đập”.
Về biện pháp loại bỏ tình trạng bạo hành trẻ em, ông Thuyết nói: “Có 2 giải pháp nhưng chúng ta vẫn không thực hiện tốt là tuyên truyền giáo dục và trừng phạt nghiêm đối tượng bạo hành trẻ”. Vị giáo sư đánh giá, việc xử lý hình sự với bố mẹ bạo hành trẻ sẽ gây ra tác động tinh thần với chính đứa trẻ bị bạo hành. Tuy nhiên, ông cho rằng: “Pháp luật đã quy định thì cần thực hiện nghiêm, các trường hợp nặng cần xử tù giam, nhẹ có thể cho hưởng án treo. Nếu không xử lý nghiêm, bạo lực với trẻ em không thể chấm dứt được”.
Nói về trách nhiệm của chính quyền, giáo sư Thuyết cho rằng: “Với những trường hợp trẻ bị bạo hành kéo dài tại gia đình mà không phát hiện, ngăn chặn được thì chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm. Trường hợp bạo hành trẻ tại các cơ sở nuôi dạy trẻ, ngoài việc xử lý người bạo hành và chủ cơ sở nuôi dạy, cần xử lý người cho phép cơ sở đó hoạt động và cơ quan có trách nhiệm thanh - kiểm tra”.
Cuối cùng, ông Thuyết tư vấn, chính trẻ em cũng có thể thoát khỏi tình trạng bị bạo hành như trường hợp một em ở Hà Nội bị bố đánh đã chạy sang nhà ông bà nội. Ngoài ra, mỗi khi bị hoặc có nguy cơ bị bạo hành, các em cũng có thể đặt các câu hỏi hoặc nêu nhận xét để người định hoặc đang thực hiện hành vi bạo lực phải dừng tay. Ví dụ, có thể hỏi: “Bố mẹ yêu con, sao lại đánh con?”, “Bố mẹ bạn con không bao giờ đánh bạn ấy”… Học sinh lớn có thể đưa cho người thân đọc những quyển sách, những tờ rơi phổ biến quy định pháp luật về quyền của trẻ em, việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em,…
“Quan trọng nhất là bố mẹ, thầy cô phải hiểu trẻ em không phải tài sản độc quyền của mình, đây là công dân Việt Nam, được pháp luật Việt Nam bảo vệ”.
Ông Nguyễn Minh Thuyết