Có một Hà Nội trong mơ

Có một Hà Nội trong mơ
TP - Những phố phường Hà Nội, những nếp sống sinh hoạt của người Hà Nội cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX đã được nhóm “Số hóa Hà Nội” (SHHN) tái hiện đẹp như mơ trong triển lãm Hà Nội- Những góc nhìn thời gian diễn ra tại Nhà Thông tin Triển lãm Hà Nội, 45 Tràng Tiền, Hà Nội từ 30-8 đến hết 4-9.

> Nữ sinh làm duyên trên phố Hà Nội 3D

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Quang bên bức tranh Phố Hàng Buồm. Ảnh: L.A
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Quang bên bức tranh Phố Hàng Buồm. Ảnh: L.A.

86 bức tranh khổ 90x60 cm và 12 bức tranh khổ lớn với kích thước 3 x 4m (tỉ lệ ½) đã đưa người xem đến không gian của một Hà Nội xưa với các phố nghề, các di tích lịch sử đến nếp sống sinh hoạt.

Đặc biệt, người xem ấn tượng với các bức tranh khổ lớn, như bức Phố Hàng Buồm ở ngay lối vào triển lãm.

 Sau triển lãm này, nếu được công chúng ghi nhận và ủng hộ, nhóm sẽ làm tiếp việc số hóa các công trình di sản Hà Nội, chẳng hạn như Hoàng Thành Thăng Long .

Theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Quang, trưởng nhóm SHHN, đó là đoạn phố mà nhánh sông Tô Lịch chảy ra sông Hồng theo bản đồ Hà Nội năm 1873 do người Pháp vẽ. Nhóm đã tái hiện khung cảnh này và có sự sáng tạo về góc nhìn cho bức tranh, còn cây cầu là nguyên bản.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Quang còn cho biết, nhóm đã thực hiện những bức tranh này dựa theo nguồn tư liệu là tranh khắc gỗ của các kiến trúc sư người Pháp và các bức ảnh cổ.

Do đó, bố cục, đường nét kiến trúc vẫn y nguyên như ngày xưa nhưng được hiện đại hóa bằng màu sắc và những vật liệu trên kỹ thuật dựng 3D.

Ban đầu, nhóm dự định triển lãm hơn 100 bức, tuy nhiên sau một số tranh luận tại cuộc họp báo tuần trước và trên các diễn đàn mạng xung quanh một số bức tranh có cảnh tuyết rơi ở Nhà thờ lớn, Khuê Văn Các, Chùa Một Cột và phố Hàng Ngang…, chúng đã không xuất hiện tại triển lãm lần này.

Những bức tranh này được cho là mang tính phô diễn công nghệ, nhưng lại quá xa rời thực tế. Mặc dù, nhóm đã giải thích, đây là hình ảnh mới mang thông điệp cảnh báo về biến đổi khí hậu, nhưng dường như vẫn chưa thuyết phục được những người muốn xem một Hà Nội chân thực hơn là giả tưởng.

Tuy nhiên, khoảng 20 bức tranh giả tưởng về mùa thu Hà Nội với lá phong vàng xuộm ở Khuê Văn Các hay Chùa Một Cột vẫn được trưng bày tại đây, nhưng được chú thích: Hà Nội trong mơ và sáng tạo.

Phở gánh
Phở gánh.

Một thành viên của Xóm nhiếp ảnh (một trang web và diễn đàn nhiếp ảnh khá nổi tiếng) rất tâm đắc khi xem triển lãm này.

Ông cho rằng, việc tái hiện những bức ảnh Hà Nội xưa là rất đáng quý. Tuy nhiên, việc xử lý một số bức bằng công nghệ photoshop làm thay đổi một chút Nhà hát lớn Hà Nội hay Khuê Văn Các thì hơi đơn giản và lại được đặt cạnh nhau tại triển lãm gây cảm giác nhàm chán.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Quang tiết lộ, để làm ra 20 tác phẩm về mùa thu Hà Nội hay Hà Nội có tuyết, nhóm đã thực hiện trong khoảng 3 tháng.

Triển lãm lần này là kết quả của quá trình nghiên cứu rất dài từ 2004 đến nay với sự đóng góp công sức của nhóm 20 bạn trẻ yêu Hà Nội, tuổi đời từ 18 đến 30.

Không chỉ hình ảnh 2D, các tác phẩm này còn được giới thiệu trên website: www. sohoahanoi.com, với không gian 3D để người xem có cảm giác như đang đi dạo trên mỗi con đường và vào thăm từng ngôi nhà của Hà Nội xưa.

Công việc này đã được bắt đầu từ 8 năm trước, ban đầu là do nhóm 3D Hà Nội thực hiện, tiền thân của nhóm SHHN. Triển lãm Hà Nội - Những góc nhìn thời gian lần đầu tiên đã được trưng bày tại 27 Hàng Bài, Hà Nội vào năm 2007.

Cho tới giờ, Quang và nhóm SHHN còn có những khát khao lớn hơn. Không chỉ dừng lại ở những hình ảnh, những đoạn phim, nhóm còn muốn tạo ra các trò chơi, một không gian ảo giúp mọi người có thể tương tác với các di sản Hà Nội.

Thậm chí, vốn là dân kiến trúc, Quang còn có ý định tạo ra các bức ảnh bóc tách kết cấu của các công trình kiến trúc. Chẳng hạn, Khuê Văn Các sẽ không như Khuê Văn Các mà du khách thường nhìn thấy mà sẽ là một Khuê Văn Các bỏ ngói để lộ ra các xà gồ ở bên trong để mọi người được thấy chúng liên kết với nhau như thế nào.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG