Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành công nghệ

Các bạn sinh viên và 4 CEO chơi trò chơi cùng nhau
Các bạn sinh viên và 4 CEO chơi trò chơi cùng nhau
TPO - Ngày 24/9, tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội diễn ra chương trình “FPT CEO Talk” với chủ đề “Chất Bách Khoa trong FPT”. Đông đảo sinh viên tới tham dự và dành nhiều mối quan tâm tới kỹ năng, kiến thức để theo đuổi ngành công nghệ thông tin.

Chương trình do Tập đoàn FPT phối hợp cùng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền Thông– Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức, nhân ngày kỉ niệm 20 năm thành lập khoa Công nghệ thông tin (CNTT), nay là Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) của Đại học Bách Khoa Hà Nội – một trong những “cái nôi” đào tạo sinh viên CNTT của cả nước.

Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành công nghệ ảnh 1

800 bạn sinh viên Bách khoa đã lắng nghe, đặt câu hỏi cho những "đàn anh" thành đạt

Chia sẻ trong chương trình là lãnh đạo trong Tập đoàn FPT và đều xuất thân từ ĐH Bách Khoa Hà Nội, gồm Tổng Giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc – cựu giảng viên ĐH Bách Khoa; Phó Tổng Giám đốc FPT Dương Dũng Triều, Chủ tịch Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) Hoàng Nam Tiến và Tổng Giám đốc FPT Software Hoàng Việt Anh - 3 cựu sinh viên trưởng thành từ ngôi trường này.

Nhận xét về “chất kĩ thuật” nói chung và “chất Bách khoa” nói riêng, Tổng Giám đốc Bùi Quang Ngọc chia sẻ: “Điểm mạnh của các sinh viên kĩ thuật là cách suy nghĩ thực tế và tư duy logic – những tố chất rất phù hợp với các công việc đòi hỏi công nghệ cao”.

Theo anh Ngọc, “chất Bách khoa” hay còn gọi là những đặc điểm nổi trội của SV trường Bách khoa gồm có: Thứ nhất là chất đam mê, không chỉ công việc mà còn rất nhiều lĩnh vực khác trong đời sống. Thứ hai là sáng tạo, đây là đặc điểm chung của những người làm việc về CNTT, SV Bách khoa có phẩm chất này rất rõ. Thứ  ba là chất lãnh đạo, có rất nhiều người từ mái trường Bách khoa đi ra trở nên thành công và cả 4 CEO có mặt trong chương trình là một minh chứng.

Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành công nghệ ảnh 2

Các khách mời chia sẻ tại chương trình

Bên cạnh chia sẻ về “chất Bách khoa”, các vị khách mời đã chia sẻ kinh nghiệm trang bị kỹ năng, kiến thức để theo đuổi và thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo các vị khách mời, ngay những năm đầu ngồi trên ghế nhà trường, các sinh viên cần nắm vững kiến thức cơ bản để làm nền tảng và trang bị kỹ năng mềm. 

Anh Việt Anh chia sẻ: “Nếu chỉ tập trung vào kiến thức chuyên môn, mà không biết kỹ năng mềm thì chúng ta dễ mất cân bằng trong công việc và cuộc sống”. Anh Nam Tiến chỉ ra điểm yếu của nhiều sinh viên ngành công nghệ thông tin hiện nay là ngoại ngữ và lập trình, cần phải được nhanh chóng khắc phục .

Theo các khách mời, muốn có cơ hội việc làm hay chiếm lĩnh thị trường công nghệ thông tin phải luôn sẵn sàng đối đầu, chạy đua với nhiều tập đoàn, công ty lớn của nước ngoài. Anh Nam Tiến cho hay, “mỗi bạn trẻ cần rèn luyện phẩm chất không ngại thử thách, khó khăn và không ngừng tìm tòi sáng tạo. Đây là một trong những điều làm nên thành công của chúng tôi ngày hôm nay”.

Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành công nghệ ảnh 3

Nhiều câu hỏi về cơ hội nghề nghiệp được sinh viên đặt ra cho các khách mời

Tại chương trình, Tổng Giám đốc FPT Software Hoàng Việt Anh cũng đã chia sẻ những cơ hội việc làm hấp dẫn cho sinh viên tại FPT Software – công ty phần mềm lớn nhất Việt Nam hiện nay với hơn 8.000 người và mức tăng trưởng từ 30-40% doanh thu mỗi năm. 

Dự kiến, FPT Software sẽ cần tuyển mới 10.000 nhân lực trong vòng 3 năm tới, và 50% trong số đó là các sinh viên các ngành CNTT&TT và ngoại ngữ mới ra trường.

Cùng ngày, FPT Software và Viện CNTT&TT của Đại học Bách Khoa Hà Nội đã ký thỏa thuận “Hợp tác hướng nghiệp và đào tạo” trong 2 năm 2015 - 2016. Theo đó, FPT sẽ phối hợp xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo cho Viện CNTT&TT – Đại học Bách Khoa Hà Nội; trong khi đó, Viện sẽ hỗ trợ FPT tuyển dụng các sinh viên có chất lượng.

Tại FPT, tính đến nay có 8.250 nhân viên tốt nghiệp ngành kĩ thuật, công nghệ; chiếm 33,6% tổng số nhân viên toàn tập đoàn. Trong đó, cựu sinh viên Bách Khoa Hà Nội chiếm tỷ lệ cao nhất với 12%; xếp sau là Đại học FPT và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Đặc biệt, trong số 1.300 cán bộ quản lý cấp phòng trở lên và 106 cán bộ công nghệ cấp tập đoàn của FPT, cựu sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội tiếp tục xếp hạng cao nhất với tỷ lệ lần lượt là 26% và 32%.

MỚI - NÓNG