Ngày 19/9, tại Đà Nẵng, trong khuôn khổ Hội nghị Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024, Bộ Công Thương và Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GCCI) phát động Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng.
Cuộc thi tìm kiếm và đầu tư cho các giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng trên cả nước. Ảnh: Giang Thanh |
Đây là cuộc thi nằm trong khuôn khổ dự án Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng (AIS4EE) thuộc Chương trình Chuyển dịch năng lượng bền vững Việt Nam – EU (SETP) do Liên minh Châu Âu tài trợ cho Bộ Công Thương.
Cuộc thi dành cho 2 nhóm đối tượng gồm: doanh nghiệp khởi nghiệp và nhóm học sinh, sinh viên. Các doanh nghiệp khởi nghiệp phải là doanh nghiệp ở giai đoạn tiền hạt giống (pre-seed stage) đến giai đoạn hạt giống (seed stage) đã đăng ký tại Việt Nam hoặc các doanh nghiệp nước ngoài đã có kế hoạch hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, có sản phẩm thử nghiệm tập trung vào giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả.
Đối với nhóm học sinh, sinh viên, các thí sinh phải có độ tuổi từ 15-25, có ý tưởng về các giải pháp hiệu quả năng lượng phù hợp với bối cảnh tại Việt Nam.
30 đội thi có dự án tốt nhất sẽ tham gia chương trình huấn luyện và đào tạo trong 9 tuần với sự dẫn dắt của các chuyên gia, cố vấn trong lĩnh vực khởi nghiệp và năng lượng.
Hạn cuối nộp hồ sơ tham dự cuộc thi là ngày 25/9 thông qua hình thức trực tuyến. |
Giá trị giải thưởng dành cho nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp là 35 nghìn USD, nhóm học sinh sinh viên là 10 nghìn USD. Bên cạnh đó, các đội thi có cơ hội tham gia gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và quốc tế, gồm một khoản đầu tư lên đến 1 triệu USD từ quỹ Touchstone Partners (đơn vị tư vấn trực tiếp thực hiện cuộc thi) và các khoản đầu tư tiềm năng từ các quỹ đối tác.
Theo ông Juhern Kim, Trưởng đại diện GCCI tại Việt Nam, mục tiêu của cuộc thi là thu hút đầu tư vào các giải pháp đổi mới sáng tạo về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải và xây dựng.
“Cuộc thi được thiết kế với mô hình chương trình tăng tốc khởi nghiệp dành riêng cho lĩnh vực hiệu quả năng lượng lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam. Qua đó, khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng các giải pháp tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, hướng tới phát triển xanh, bền vững", ông Kim nói.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, đánh giá việc thúc đẩy đầu tư các giải pháp sáng tạo góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu Chương trình VNEEP3 |
Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019–2030 (Chương trình VNEEP3) đặt mục tiêu tiết kiệm năng lượng từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc cho giai đoạn 2019-2025 và từ 8-10% cho giai đoạn 2019–2030.
“Việc thúc đẩy đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải sẽ góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu của Chương trình VNEEP3 cũng như các mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu mà Việt Nam đã tham gia”, bà Giang nói.