Tiết kiệm năng lượng, doanh nghiệp thờ ơ do thiếu động lực

0:00 / 0:00
0:00
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, hiện còn nhiều rào cản trong quá trình triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Trong đó công nghệ, chính sách và giá điện dành cho sản xuất quá thấp là một trong những rào cản lớn để doanh nghiệp có động lực thực hiện triệt để tiết kiệm điện.

Đây là thông tin được đưa ra tại toạ đàm “Tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp: Bài toán công nghệ và chính sách”, do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng 19/8.

Theo ông Đặng Hải Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), thời gian vừa qua chúng ta có thể thấy rất nhiều chính sách đã được ban hành, đặc biệt là từ 2010 chúng ta đã có Luật sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đến thời điểm này chúng ta đã có khoảng 16 thông tư, 2 nghị định và 2 quyết định Thủ tướng cũng như khoảng 34 cái tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã được ban hành. Năm 2019 của Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định 280 với chương trình mục tiêu quốc gia thì chúng ta tiếp tục đặt mục tiêu là từ 7% đến khoảng 10% năm 2025 và cho đến 2030 chúng ta phải tiết kiệm được khoảng độ 10% so với kịch bản tiêu thụ năng lượng bình thường.

Tiết kiệm năng lượng, doanh nghiệp thờ ơ do thiếu động lực ảnh 1

Ông Đặng Hải Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương)

Theo ông Dũng, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 140 của Chính phủ đều đặt ra rất nhiều các giải pháp để các bộ, ngành, địa phương cũng như các doanh nghiệp có định hướng rất rõ ràng về xu hướng của quốc tế mà chúng ta đã cam kết. Như đối với châu Âu, từ năm 2026 họ sẽ bắt đầu đánh thuế. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu.

“Để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tiết kiệm điện, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội đề xuất xây dựng một quỹ hỗ trợ cho các hoạt động tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh quỹ chúng ta cũng sẽ tăng cường việc quản lý nhà nước các quy định về các mức tiêu hao năng lượng trong các ngành công nghiệp lớn. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương và đơn vị tăng cường đào tạo, tập huấn những quy trình và công nghệ mới trong tiết kiệm năng lượng”, đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng cho hay.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, theo thống kê của các tổ chức quốc tế, có thể tiết kiệm được khoảng từ 20 cho đến 30% năng lượng sử dụng trong các ngành sản xuất công nghiệp. Còn theo thống kê đánh giá của Bộ Công Thương, có thể tiết kiệm điện trong sản xuất tới từ 30 cho đến 35%. Đây là con số rất lớn về tiềm năng tiết kiệm điện tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

Theo ông Dũng, dù có nhiều tiềm năng nhưng hiện nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện tiết kiệm điện. Vẫn còn có những doanh nghiệp cũng chưa thực sự quan tâm tới vấn đề tiết kiệm điện, chưa áp dụng, chưa tối ưu hóa được dây chuyền sản xuất, quy trình sản xuất dẫn tới việc sử dụng năng lượng một cách lãng phí.

“Chính sách giá điện của chúng ta đang thực hiện theo Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành từ năm 2014. Theo quy định hiện hành, giá điện giờ bình thường bán cho sản xuất chiếm chỉ từ khoảng độ 84 cho đến 92% giá bình quân và giờ thấp điểm từ 52 đến 59% giá bình quân. Với giá điện thấp như vậy thì việc tiết kiệm điện đối với các doanh nghiệp sản xuất đâu đó cũng chưa được quan tâm một cách thực sự”, ông Dũng phân tích.

Tiết kiệm năng lượng, doanh nghiệp thờ ơ do thiếu động lực ảnh 2

Doanh nghiệp sẽ phải đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng khi xuất khẩu hàng hoá sang các nước trong thời gian tới

Theo đại diện EVN, để việc tiết kiệm năng lượng thực thi hiệu quả, cần tăng cường tuyên truyền để cho tạo được một sự đồng thuận lớn của doanh nghiệp trong vấn đề sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Cùng đó, cần sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Theo ông Mạch Đình Khoa - Giám đốc Phát triển chiến lược kinh doanh và hoạt động thương mại, Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam, có một số ngành, chi phí điện đang chiếm từ 15 – 20% tổng giá thành sản xuất của mỗi sản phẩm. Với thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc tối ưu hóa chi phí sản xuất, đồng thời có thể hạ giá bán sản phẩm hoặc giữ nguyên giá bán sản phẩm là việc rất quan trọng với doanh nghiệp.

Theo ông Khoa, doanh nghiệp nếu không tiết kiệm năng lượng sẽ dẫn đến chi phí tiếp tục tăng cao, giảm lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Đặc biệt khi nói về thị trường xuất khẩu thì hiện giờ tiêu chuẩn của các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang chú trọng rất nhiều liên quan đến việc thống kê và sử dụng phát thải carbon.

Tiết kiệm năng lượng, doanh nghiệp thờ ơ do thiếu động lực ảnh 3

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam

“Nếu chúng ta có giải pháp tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất sản phẩm tốt, sẽ giảm khí thải carbon. Đây là những tiền đề, những tiêu chuẩn quan trọng để giúp chúng ta có thế mạnh hơn khi cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu”, ông Khoa nói.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.