Cơ hội đổi đời thanh niên dân tộc thiểu số

Làng TNLN biên giới Lùng Vai gắn với tinh thần xung kích của tuổi trẻ dân tộc thiểu số. ảnh: Xuân Tùng
Làng TNLN biên giới Lùng Vai gắn với tinh thần xung kích của tuổi trẻ dân tộc thiểu số. ảnh: Xuân Tùng
TP - Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) biên giới Lùng Vai vừa được khởi công xây dựng tại thôn Cốc Lầy (xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, Lào Cai). Đây là miền đất “thử lửa” để những người trẻ xây dựng cuộc sống mới.

Điểm dựng trung tâm Làng TNLN biên giới Lùng Vai nằm trên quả núi đang được hạ độ cao, sâu bên trong thôn Cốc Lầy. Theo anh Đặng Quốc Đoàn (Trưởng ban Nông thôn, Công nhân và Đô thị Tỉnh Đoàn Lào Cai), một trong số những người vào Cốc Lầy khảo sát chọn địa điểm dựng Làng đầu năm 2013, việc di chuyển hiện nay đã bớt gian nan.“Từ trước Tết, đơn vị thi công đã là lại mặt đường, nắn lại nhiều đoạn cua thuận tiện hơn cho việc di chuyển”.

Thôn Cốc Lầy có 69 hộ dân, là người dân tộc Mông, Dao. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, chủ yếu trông vào nương ngô. Một số hộ trồng thêm chuối tiêu, dứa nhưng năng suất thấp, lại gặp trở ngại trong việc tiêu thụ sản phẩm vì giao thông, địa hình cách trở. Việc chăn nuôi còn nhỏ lẻ. 

Anh Chảo Lầu Pú (SN 1986, dân tộc Dao), một hộ thanh niên địa phương cho biết: “Gia đình tôi chuyển đến Cốc Lầy được 4 năm. Gia đình tôi có 3 ha trồng ngô và diện tích nhỏ trồng chuối tiêu, nhưng chỉ đủ ăn”.

Chảo Việt Xuyên (SN 1981, dân tộc Dao) chuyển từ huyện Mường Khương đến Cốc Lầy với hy vọng có cuộc sống bớt khó khăn, nhất là khi có dự án xây dựng Làng TNLN biên giới Lùng Vai.

Anh Đoàn cho biết, dự án được các hộ dân ủng hộ, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều thuận lợi. Những hộ dân trong vùng quy hoạch của dự án đều sẵn sàng nhường đất, chuyển đến khu tái định cư khi được vận động, thuyết phục.

Dự án Làng TNLN biên giới Lùng Vai có tổng mức đầu tư 55 tỷ đồng; diện tích hơn 1,2 ngàn ha và sẽ tiếp nhận 160 hộ thanh niên dân tộc thiểu số đến lập nghiệp. Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Lào Cai, Giàng Thị Dung: Sau khi đi vào triển khai thực hiện, Dự án sẽ đầu tư xây dựng các công trình như đường giao thông, công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản; nước sinh hoạt; điện, thông tin liên lạc; nhà văn hóa khu trung tâm, nhà văn hóa khu dân cư, nhà điều hành, nhà tập thể, lớp học, trạm y tế.

Anh Đặng Quốc Đoàn chia sẻ, các hộ thanh niên của làng, cũng như người dân địa phương sẽ có nhiều cơ hội được trang bị, tập huấn về khoa học kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi. Các hộ có thể trồng chuối tiêu, dứa trên diện tích lớn, năng suất cao để xuất khẩu; có thể trồng cây cao su…

MỚI - NÓNG