Khởi công Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Cơ hội cạnh tranh và phát triển

TP - Sáng 5/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 - dự án thành phần 3, do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Phát biểu tại lễ khởi công sân bay Long Thành (Đồng Nai), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, hạ tầng cơ sở đóng vai trò quan trọng như mạch máu của nền kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Chỉ khi hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại mới có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Khi đó mới đủ điều kiện đón các “đại bàng”, những “sếu đầu đàn” tới làm tổ và làm ăn lâu dài. Đi liền với phát triển kinh tế, thị trường hàng không Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), từ nay tới năm 2030, Việt Nam sẽ là một trong 10 quốc gia có thị trường hàng không phát triển nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Thủ tướng, nhu cầu khách và hàng hóa qua hàng không rất lớn, nhưng hạ tầng đang là điểm nghẽn của phát triển. Các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất thường xuyên quá tải, làm mất cơ hội để Việt Nam thành trung tâm trung chuyển hàng không lớn của khu vực. Do đó, dự án sân bay Long Thành nằm trong nhóm 16 sân bay đáng mong chờ nhất thế giới, thể hiện khát vọng, ý chí vươn lên mạnh mẽ của nước ta, có ý nghĩa to lớn với sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Đây là dự án hạ tầng có vốn đầu tư lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay.

Dự án đưa vào sử dụng sẽ đóng góp 3-5% GDP mỗi năm, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất. Đặc biệt, sân bay Long Thành phải trở thành sân bay trung chuyển khu vực và thế giới. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả, không để vượt tổng mức đầu tư được duyệt, không thất thoát, lãng phí; xây dựng các tuyến giao thông kết nối để khai thác hiệu quả sân bay…

Tháng 12/2025 hoàn thành giai đoạn 1

Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cho biết, dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 có 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách, các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư hơn 109 nghìn tỷ đồng (hơn 4,6 tỷ USD). Giai đoạn 1 được chia làm 4 dự án thành phần, trong đó ACV được giao làm chủ đầu tư các công trình quan trọng của sân bay, như đường băng, đường lăn, sân đỗ, nhà ga hành khách và hàng hóa, giao thông kết nối…

Theo ông Thanh, các hạng mục do ACV làm chủ đầu tư trong giai đoạn 1 có tổng vốn hơn 99.000 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu tối thiểu là 36.000 tỷ đồng. Do đó, ACV kiến nghị Chính phủ cho phép được giữ lại nguồn lợi nhuận các năm tới của doanh nghiệp để tăng vốn chủ sở hữu đầu tư cho sân bay Long Thành, giảm vốn vay và cân đối vốn cho dự án cảng hàng không khác. “ACV cam kết cân đối đầy đủ vốn cho dự án, tập trung nhân lực, phối hợp đơn vị liên quan triển khai dự án đúng quy định pháp luật. Đảm bảo tiến độ, chất lượng, không vượt tổng mức đầu tư phê duyệt, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2025”, ông Thanh nói.

Theo Chủ tịch ACV, trong năm 2021, sẽ thực hiện các hạng mục rà phá bom mìn, san lấp mặt bằng, xây tường rào, với giá trị giải ngân khoảng 6-7 nghìn tỷ đồng. Từ tháng 1-9/2021, ACV sẽ triển khai thiết kế kỹ thuật. Tháng 7/2022 bắt đầu xây dựng nhà ga hành khách; tháng 8/2022 xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Tháng 12/2025 hoàn thành các công trình và đưa vào sử dụng giai đoạn 1.

Về giải phóng mặt bằng cho dự án sân bay Long Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, hiện đã bàn giao 2.600ha cho giai đoạn 1 của dự án. Phần diện tích đất còn lại sẽ phê duyệt đền bù hỗ trợ tái định cư và thực hiện thu hồi trong quý I/2021, đảm bảo bàn giao toàn bộ mặt bằng của dự án trong năm 2021.

Cơ hội cạnh tranh và phát triển ảnh 2 Phối cảnh bên trong nhà ga sân bay Long Thành khi hoàn thành. Ảnh: ACV

Tổng đầu tư hơn 16 tỷ USD

Dự án sân bay Long Thành được chia làm 3 giai đoạn, với tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ USD. Khi hoàn thành toàn bộ, sân bay có quy mô 4 đường băng, 4 ga hành khách, đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu hàng hóa/năm. Dự án sử dụng công nghệ quản lý sân bay hiện đại nhất thế giới hiện nay với việc kiểm soát hành khách và hàng hóa hoàn toàn tự động theo công nghệ sinh trắc học, nhận diện khuôn mặt.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ Hàng không Việt Nam nói, sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ “chia lửa, giải quyết ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất, đảm bảo việc đi lại thuận lợi cho hành khách. Theo khuyến cáo của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), khoảng cách lý tưởng nhất của sân bay phục vụ cho một thành phố là từ 30-70km (tương đương 1 giờ xe buýt), sân bay Long Thành cách TPHCM và sân bay Tân Sơn Nhất chỉ 43km. Một giờ đi xe từ TPHCM tới Long Thành không phải là quá xa. Còn tương lai Long Thành sẽ trở thành sân bay trung chuyển vì nằm trên đường bay giao lưu giữa các châu lục.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.