Cô học trò mồ côi học giỏi

Cô học trò mồ côi học giỏi
Mồ côi cả cha lẫn mẹ, cuộc sống vô vùng khó khăn nhưng Nguyễn Thị Diệu Hiền, lớp 9E, Trường THCS Phạm Đình Quy (xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa) đã vượt qua nhiều thử thách, luôn là học sinh khá, giỏi.
Nguyễn Thị Diệu Hiền đang ôn tập chuẩn bị tham gia kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử sắp tới.
Nguyễn Thị Diệu Hiền đang ôn tập chuẩn bị tham gia kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử sắp tới..

Khi chào đời được ba tháng tuổi, cha bỏ nhà ra đi theo người phụ nữ khác nên Hiền không được sự che chở trong vòng tay của cha, không được ăn ngon mặc đẹp như những đứa trẻ khác. Từ đó, hai mẹ con Hiền phải sống trong những tháng ngày đầy khổ cực. Tình thương của mẹ không lấp đầy hơi ấm tình cha, nên càng lớn lên, trong ánh mắt Hiền càng hiện rõ nỗi buồn sâu kín. Thấy chúng bạn được quây quần, che chở bên sự yêu thương của cha mẹ, Hiền mơ ước được cha âu yếm nhưng hơn 15 năm qua giấc mơ đó vẫn hoài là giấc mơ.

Sau khi người cha ra đi, mẹ Hiền - chị Trương Thị Cam Linh ngày càng vất vả hơn. Hai mẹ con ở trong căn nhà cấp bốn xập xệ, ngày thêm xuống cấp. Hôm căn nhà sắp sập, hai mẹ con không còn chỗ nương thân, chị Linh đành phải bán đi mảnh vườn, vay mượn thêm hàng xóm, người thân mới có tiền dựng lại căn nhà để có chỗ che nắng, che mưa.

Thế nhưng số phận nghiệt ngã vẫn chưa dừng lại ở đó, hai mẹ con về nhà mới được hai ngày thì chị Linh bị sốt xuất huyết mạch máu não ra đi mãi mãi để lại một mình Hiền, lúc đó mới 10 tuổi. Từ đó, Hiền trở thành đứa trẻ mồ côi sống cô đơn, buồn bã giữa dòng đời với bao khốn khó. Ruộng vườn đã bán hết, không có tiền, lại mang nợ hơn 20 triệu đồng, Hiền đứng trước nguy cơ… phải bỏ học.

Cũng may là Hiền còn có ông bà ngoại. Ông Trương Đình Vui, ngoại của Hiền nói: “Tội nghiệp con bé, mới mười tuổi đầu mà phải chịu cảnh mồ côi cha mẹ, vừa phải lo ăn học, vừa phải chạy tiền để trả nợ...”- Nói chưa dứt câu, ông Vui đã quay mặt đi chỗ khác để tránh những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má khô khan…

Mỗi tháng, Hiền sống chủ yếu dựa vào 180.000 đồng từ tiền trợ cấp của Nhà nước. Vì vậy để bảo đảm chi phí cho sinh hoạt, ăn uống hàng ngày, Hiền phải dè sẻn trong chi tiêu. Mỗi ngày Hiền chỉ ăn hai bữa lưng bụng trưa và chiều, còn buổi sáng phải nhịn đói đến trường. Để có tiền trả nợ cho mẹ, ngoài thời gian đến lớp Hiền phải về nhà giúp ông bà ngoại hái, băm rau nấu cháo cho heo…

Có người trong TP Hồ Chí Minh ra xin nhận Hiền làm con nuôi, cho ăn học đến nơi đến chốn nhưng em không chịu, bởi vì “Em đi rồi ai sẽ trông nhà, dọn nhà cửa và thắp hương cho mẹ mỗi ngày”.

Hiền cho biết, từ khi mẹ mất, mỗi khi nhìn thấy các bạn cùng trang lứa quây quần bên gia đình đầm ấm, vui vẻ cùng cha mẹ, nhất là vào những ngày tết, em rất buồn và nhớ mẹ vô cùng. Nhắc đến cha, Hiền không nói câu gì. Sự lặng im kéo dài như một dấu chấm than.

Khó khăn, vất vả là thế, nhưng Hiền luôn nỗ lực vươn lên học giỏi. Suốt tám năm học vừa qua, Diệu Hiền luôn là học sinh khá, giỏi của trường. Hiện em đang nỗ lực ôn luyện để chuẩn bị tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn lịch sử.

Hỏi về cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt của mình, cô Lê Thị Nữ, giáo viên chủ nhiệm của Hiền nói: “Tuy có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng các hoạt động của trường Diệu Hiền đều tham gia nhiệt tình. Chăm học, chăm làm và vượt khó học giỏi, em là tấm gương sáng cho học sinh trong trường noi theo”.

Khi hỏi về ước mơ sau này, Diệu Hiền nghẹn lòng nói: “Em luôn có một ước mơ, nhưng sẽ mãi là mơ ước, không bao giờ làm được đó là mái ấm có cha và mẹ. Bây giờ, em chỉ biết cố gắng học thật tốt để sau này vào đại học rồi ra trường kiếm được việc làm, tự lo cho cuộc sống của mình và làm điểm tựa cho ông bà ngoại đang tuổi xế chiều”.

Chia tay cô học trò giàu nghị lực, tôi thầm cầu mong cho em sẽ có một tương lai tươi sáng, sớm thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình.

Theo Vũ Hạnh
Báo Phú Yên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG