> Hai lăm tuổi sẽ đi qua 100 quốc gia
> Những cô gái Việt và giấc mơ đi để lớn hơn
Lời tòa soạn:“Gap year” (năm ngắt quãng) là tên gọi của việc các bạn trẻ vừa tốt nghiệp trung học hoặc đại học dành một khoảng thời gian trống để tích lũy kinh nghiệm sống và định hình cuộc sống sau này. Ở Việt Nam, học sinh và đặc biệt là phụ huynh khó có thể tưởng tượng sau khi tốt nghiệp THPT, con mình ở nhà, “đi chơi” cả năm trời, trừ trường hợp bất đắc dĩ là vì… trượt đại học. Dù chưa thành phong trào rầm rộ, nhưng hiện nay số lượng bạn trẻ Việt Nam lựa chọn trải nghiệm gap year ngày càng tăng. Điều này cho thấy bên cạnh việc lĩnh hội tri thức, giới trẻ Việt cũng không để mình tụt hậu trong việc tiếp cận các xu thế sống lành mạnh, hữu ích của thế giới. VietNamNet đã tìm gặp một số bạn trong số đó. Ở bài viết đầu tiên của chuyên đề, mời bạn đọc gặp gỡ Huyền Chip.
Một người bạn của chị đã kể rằng một lần bay từ Philippine về đến Nội Bài, thấy một bạn gái mở vali ra và trong đó có quyển “Xách ba lô…”. Em tự đánh giá tầm ảnh hưởng của em với các bạn trẻ hiện nay như thế nào?
Trên núi Andes . |
Huyền Chip: Câu hỏi tự đánh giá về bản thân luôn là một câu hỏi khó, đánh giá mình thấp quá thì nghe như giả tạo, còn đánh giá mình cao quá thì lại là tự kiêu. Thôi em chọn cách an toàn. Em nghĩ là em có tầm ảnh hưởng vừa đủ: vừa đủ cho bản thân em để cảm thấy mình có giá trị gì đó, và vừa đủ cho các bạn trẻ để không phải chịu ảnh hưởng xấu từ em.
Cuộc đi ban đầu của em là hoàn toàn ngẫu hứng, không có kế hoạch. Nếu cho em làm lại, em có lên kế hoạch cho mình không?
- Cũng không hẳn là em không có kế hoạch, mà đơn giản là chẳng có gì diễn ra theo kế hoạch đó cả. Nếu em có làm lại thì em vẫn lên kế hoạch thôi. Lo xa là bản tính con người mà. Nhưng em biết sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra theo ý mình định đâu.
Em học được rằng thay vì tập trung thời gian vào lập ra một kế hoạch chi tiết và mong mọi chuyện diễn ra theo nó, mình chuẩn bị tinh thần và kỹ năng sẵn sàng đối phó với bất kỳ chuyện gì xảy ra.
Bây giờ nhiều bạn trẻ lên đường với mục đích khám phá bản thân. Em có đặt ra mục tiêu này không? “Bản thân” và “thế giới”, với em điều gì quan trọng hơn?
- Hừm, khi bắt đầu đi thì mong muốn đơn giản của em là được nhìn và hiểu thế giới. Nhưng rồi sau đó khi bắt đầu đi rồi, em nhận ra rằng càng đi em càng hiểu về chính bản thân mình hơn.
Bản thân và thế giới với em là hai khái niệm không thể tách rời. Bản thân chúng ta là một phần của thế giới, nhưng thế giới lại là sự phản chiếu của chính bản thân chúng ta. Đó là lý do tại sao những lúc mình vui thì thế giới tự nhiên thấy đẹp hơn, những lúc mình buồn thì tự nhiên cái gì cũng ảm đạm.
Nếu mình thật thà thì tự nhiên thấy ai cũng đáng tin. Nếu mình hơi gian một chút thì tự nhiên lại chẳng dám tin ai.
Khi ta hiểu về thế giới thì tự nhiên chúng ta lại hiểu về bản thân hơn và ngược lại, khi chúng ta hiểu về bản thân hơn thì cách nhìn của chúng ta về thế giới cũng sẽ khác. Vậy nên mới có câu nói: “Nếu không thể thay đổi thế giới, thì hãy thử thay đổi chính bản thân mình.”
Leo núi Zambia. |
Con đường học hành đang “ngon lành”, như nhiều người thì sẽ từ trường chuyên – đại học – học bổng du học – thạc sĩ – tiến sĩ. Tại sao em dừng giữa chừng?
- Em có dừng giữa chừng đâu chị, chỉ là em thấy có con đường khác phù hợp với mình hơn thì em rẽ ngang thôi.
Gia đình có vai trò như thế nào trong những quyết định của em? Một người cha từng cổ vũ hết mình cho con học trường chuyên có thất vọng khi còn không học lên cao nữa?
- Thông thường, gia đình là yếu tố để em cân nhắc, không phải là yếu tố quyết định. Khi em làm một điều gì đó, em cố gắng để điều đó không ảnh hưởng đến gia đình em.
Nói thật, phần lớn những quyết định của em từ trước đến giờ, bao gồm của việc em không học lên cao, đều là những điều mà gia đình em không bằng lòng. Nhưng sự không bằng lòng đó chỉ là do cách suy nghĩ khác, quan điểm khác chứ không phải là do ai đúng, ai sai.
Nhưng gần đây có lẽ gia đình em đã dần dần chấp nhận cách nghĩ “không giống ai” và tin tưởng rằng em biết phân biệt phải trái nên không còn quá câu nệ chuyện em làm gì nữa.
Em đã từng nhắc tới câu nói của bố em, "Chip này, có thể con sẽ không trở thành đứa con gái ai cũng muốn con trở thành, nhưng con sẽ trở thành đứa con gái khiến tất cả chúng ta tự hào". Là dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhưng theo em, do đâu mà bố em lại có tư tưởng phóng khóang đến thế?
- Cái này em nghĩ là bố em có nó từ trong máu, và em có nó từ bố em.
Hơn 10 năm “trường học” và vài năm “trường đời”, em có thể so sánh hai loại trường này?
- Eh, sao chị toàn hỏi câu khó vậy?
Em nghĩ trường học cũng chỉ là một phần của trường đời, hay chính xác hơn, trường học là để chuẩn bị cho trường đời.
Một người không thể chỉ đến trường học để rồi mà tách mình hoàn toàn ra khỏi thế giới bên ngoài được. Ngay cả trong trường học, ta cũng học được rất nhiều về “đời”, về mối quan hệ giữa người với người, những tích cực, tiêu cực.
Ta chọn loại trường nào phù hợp với từng giai đoạn phát triển của chính chúng ta.
Em có một người bạn học xong thạc sĩ lại học lên tiến sĩ, không phải vì người đó thích học, mà đơn giản đó là một biện pháp câu giờ. “Ra trường bây giờ anh chịu không biết làm gì. Thôi cứ học thêm vài năm nữa đã rồi tính,” người đó đã bảo em như thế.
Đăng bức ảnh trên Facebook với dòng tâm trạng: "Bao giờ mới có người yêu để đi dạo cùng trên con đường này nhỉ?".Chụp gần hồ Cunco, miền Nam Chile. . |
Có 2 điều khiến bạn trẻ VN sợ mà không dám trở nên khác biệt, đó là gia đình và dư luận. Em vượt qua những cửa ải này như thế nào?
- Thời gian và niềm tin chị ạ. Có nhiều người nói: cứ phớt đời đi mà sống. Nhưng phớt đời đi khó lắm, nhất là khi “đời” ở đây lại những người thân yêu như gia đình mình, hay những người gần gũi mà mình phải gặp gỡ hàng ngày như hàng xóm, quen biết, đồng nghiệp.
Cái mình cần ở đây là niềm tin: tin rằng con đường mình chọn là con đường đúng đắn; và tin rằng một ngày nào đó, khi mình có những thành quả nhất định, mọi người cũng sẽ nhận ra điều này và chấp nhận con đường của mình.
Gia đình em một thời gian dài cũng phản đối gay gắt chuyện em đi như thế này, và mẹ em cũng rất khổ tâm chuyện hàng xóm láng giềng suốt ngày bàn tán rằng nhà em có đứa con không học đại học. Nhưng từ khi em ra sách thì mọi chuyện khác hẳn. Bố mẹ em đọc sách và hiểu em hơn, hàng xóm có vẻ cũng rất thích thú khi ở quê lại có một người ra sách.
Không học lên đại học, hay là tự “đi chơi” – những việc này đều do em chủ động. Nhưng đối với những bạn không thể học tiếp vì nhiều lý do, trong đó có lý do thi trượt, em có chia sẻ gì?
- Mình không thể chủ động được điều gì xảy đến với mình, nhưng mình có thể chủ động được cách mình đối phó với nó như thế nào.
Thực ra, một trong những lý do khiến em đi như thế này là khi em bị từ chối vào trường đại học mơ ước của em ở Mỹ.
Sau đó, em nhận được học bổng cho một trường khác, nhưng cảm giác hụt hẫng khiến em quyết định không đi học ngay mà thử khám phá các lựa chọn khác xem sao.
Với những bạn thi trượt đại học năm nay, em nghĩ đó có thể là cơ hội tốt để có thêm 1 năm để thử sức, tìm tòi, khám phá: thử xách ba lô lên và đi, thử làm một công việc gì đó, thử học một khoá học nghề ngắn hạn.
Biết đâu sau 1 năm này lại phát hiện ra cái mình thực sự giỏi, hay công việc mình thực sự yêu thích.
Thường thì khi mới học xong cấp 3, chưa ai biết mình muốn gì đâu. Hồi học xong cấp 3, em cứ nghĩ là em thích lập trình, và nếu có được nhận vào trường mơ ước ở Mỹ, thì có lẽ em đã học lập trình rồi. Nhưng sau đó em nhận ra rằng đó không phải là cái mình muốn, và nói thật, bây giờ em thấy may mà mình không được nhận.
Nếu thực sự muốn học thì không thiếu gì cách học. Đại học nghe có vẻ là con đường dễ dàng nhất, nhưng nếu mình thực sự quyết tâm thì không gì là không thể.
ặp 2 chị em Paola và Pamela khi đến Bolivia. Huyền gặp Paola cách đây 6 năm khi cô bạn sang Việt Nam tham gia kỳ thi toán quốc tế. Hồi đấy, Huyền còn chẳng biết Bolivia ở đâu, có nằm mơ cũng không nghĩ đúng 6 năm sau lại găp lại cô bạn trên đất nước xa xôi này. |
Em có muốn nói gì với những bậc phụ huynh không muốn/ không dám để con cái rời vòng tay bao bọc cũng như sắp đặt, kiểm soát của mình?
- Em nghĩ đã là bậc làm cha làm mẹ thì ai cũng mong muốn cho con cái mình hạnh phúc. Có lẽ vì thế mà đôi khi, không, đối với Việt Nam thì là nhiều khi, các bậc phụ huynh cố gắng sắp đặt, kiểm soát cuộc sống của con cái mình để đảm bảo rằng nó sẽ là một cuộc sống tốt đẹp.
Nhưng mà, nhiều bậc phụ huynh quên rằng quan điểm về hạnh phúc của mỗi người mỗi khác.
Con đường mà các bậc phụ huynh nghĩ rằng hạnh phúc chưa chắc đã con đường mà con cái họ muốn. Và phải sống một cuộc sống không phải là cuả mình như dành cả đời làm một công việc mình không hề thích, cưới một người mình không hề yêu là một bất hạnh thực sự.
Nhiều bậc phụ huynh sẽ nói: “Nhưng tụi trẻ con thì biết cái gì. Chỉ có bậc làm cha làm mẹ đã sống qua bao thăng trầm rồi mới biết cái gì tốt cho tụi nó.”
Có thể ngay tại lúc này, tụi trẻ con không biết thật, nhưng rồi tụi nó sẽ học. Cái quan trọng là phải cho tụi nó cơ hội để thử sức, để học hỏi. Cứ để tụi nó vấp ngã vài lần là tụi nó sẽ khôn ra ngay.
Các cụ thấy con vấp ngã thì thương, nhưng ai cũng phải qua cay đắng mới trưởng thành được mà. Thay vì dùng mọi biện pháp cấm đoán tránh cho nó không bị vấp ngã, hãy ủng hộ để nó luôn có thể đứng dậy.
“Đi không để chứng minh gì cả, không để thay đổi cuộc sống mà đơn giản vì đi là mơ ước”. Ngoài mơ ước này em còn có mơ ước gì khác nữa?
- Ơ, đây không hoàn toàn là những gì em nói. Em có đi để thay đổi cuộc sống của chính em đấy chứ.
Em có nhiều mơ ước lắm, nhưng ngại không nói ra đâu ^_^ Em có danh sách 100 điều em phải làm trước khi chết, có thể coi đó là 100 mơ ước nhỏ không nhỉ?
Trên diễn đàn phuot.vn em có topic “Vòng quanh thế giới trong 1000 ngày”. Em đã nghĩ em sẽ làm gì vào ngày thứ 1001?
- Tiếp tục sống, trải nghiệm và tận hưởng từng giây từng phút mình còn tồn tại trên trái đất này.
Với cách sống, quan điểm sống như của em, nếu không ra nước ngoài, em có cho rằng em sẽ thành công?
- Ah, cái này còn tuỳ thuộc quan niệm thành công ở đây là gì. Nếu ở Việt Nam, em nghĩ em sẽ vẫn có một cuộc sống tốt. Thực ra thì trước khi ra nước ngoài, em cũng có đã một công việc tốt và những mối quan hệ khá ổn. Chỉ là nếu không ra nước ngoài thì em sẽ không thoả mãn được đam mê của bản thân mà thôi.
Cảm ơn em.
Tên thật: Nguyễn Thị Khánh Huyền Sinh ngày: 19/9/1990 Cựu học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên Hà Nội (đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội). - Từng làm Online Marketing cho Youth Asia, công ty tổ chức hội nghị YES 2009 quy tụ 500 bạn trẻ đến từ 10 nước Đông Nam Á cùng trao đổi về việc làm thế nào để có một thế giới tốt đẹp hơn. - Số quốc gia đã in dấu chân: 25 - Tác giả quyển sách: Xách ba-lô lên và đi |
Theo Chi Mai
Vietnamnet