Chưa từng nghĩ đến chuyện làm nông nghiệp nhưng đứng trước cơ hội làm việc cho một doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hàng không, Lâm Thị Mỹ Tiên (SN 1998) đã từ bỏ cơ hội, quyết định quay trở về Việt Nam trồng cam, quýt nối nghiệp ông nội.
Đi xa để trở về
Lâm Thị Mỹ Tiên hiện sống tại xã Hiếu Liêm, Tân Uyên, Bình Dương. Gia đình Tiên và phần lớn người dân ở vùng đất này sống bằng nghề trồng cây ăn quả có múi.
Chia sẻ với phóng viên, Mỹ Tiên cho biết: "Từ năm lớp 10, tôi đã được định hướng làm nông nghiệp. Ông nội muốn tôi học xong cấp 3 về mở đại lý phân bón, hỗ trợ ông việc trồng cây ăn quả.
Tôi không đồng ý với ông, bởi tôi nghĩ làm nông nghiệp khá chán lại còn vất vả. Tôi muốn đi học ngành khác, được sống ở môi trường hiện đại, trẻ trung như các bạn đồng trang lứa".
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cô nàng SN 1998 theo học tại Đại học RMIT, TPHCM. Một năm sau, Tiên tiếp tục sang Hà Lan du học chuyên ngành Quản trị kinh doanh.
Mỹ Tiên đã thăm thú nhiều nơi và học được nhiều điều khi đi du học (Ảnh: NVCC). |
Tiên cho biết, khi sang nước ngoài du học, cô có cơ hội gặp nhiều người, đi nhiều nơi và học hỏi được nhiều điều. Nhờ những chuyến đi, cô đã thay đổi suy nghĩ của bản thân, quyết định trở về Việt Nam làm nông nghiệp.
"Tôi bất ngờ khi đến thăm Amalfi (Ý) bởi mọi không gian, cửa hàng, quán xá đều xuất hiện các sản phẩm, thức ăn, đồ uống liên quan đến trái chanh vàng.
Khi tôi thắc mắc, được người dân ở đây giải thích đây là vùng đất trồng chanh và cam vàng từ xưa nên hình ảnh chanh vàng được tận dụng quảng bá du lịch. Trước đây, nơi này không có gì nổi bật, nhưng từ khi họ biết tận dụng hình ảnh trái chanh vàng để làm du lịch, nơi này thành vùng đất triệu đô", Tiên chia sẻ.
Điều này làm cô gái Bình Dương bất ngờ vì ở quê nhà của cô cũng trồng nhiều cam, quýt ngon nhưng không làm được như vậy. Cam, chanh ở nước ngoài có thể làm kem, bánh pudding, bánh bông lan… nhưng ở quê, những lúc không bán được chỉ biết lột vỏ lấy ruột cho cá ăn.
Câu chuyện trong chuyến đi cùng những lần nghe mẹ than cam, quýt tháng này bán ế, bán chậm, tháng kia bị ép giá thấp... khiến cô trăn trở. Bỏ lại những công việc với mức lương hấp dẫn ở trời Tây, Mỹ Tiên quyết định về Việt Nam làm nông nghiệp, mong muốn giúp đỡ việc kinh doanh của gia đình trở nên ổn định.
Trở thành người nông dân thực thụ
Quyết định về nước của Mỹ Tiên khiến không ít bạn bè và người quen ngạc nhiên.
"Khi tôi quyết định trở về, chỉ có ông nội vui mừng. Họ hàng, bạn bè đặt ra nhiều thắc mắc và khuyên tôi nên quay lại Hà Lan vì còn có thể học cao hơn nữa. Nhưng tôi nghĩ, là thế hệ trẻ đã đi nhiều, biết nhiều nên trở về giúp đỡ gia đình, chia sẻ câu chuyện nông sản", cô gái SN 1998 cho hay.
Không nề hà khó nhọc, Mỹ Tiên làm mọi việc như một người nông dân thực thụ để hiểu rõ công việc (Ảnh: NVCC). |
Tiên biết rằng, việc cố gắng giải thích khó lòng thuyết phục mọi người hiểu được định hướng của mình. Cô quyết định nỗ lực, chăm chỉ làm việc để đạt được thành quả tốt, chứng minh cho mọi người thấy quyết định của mình là đúng đắn.
Cô gái SN 1998 dành ra 2 năm để dấn thân, làm những công việc như một người nông dân thực thụ. Việc trở thành nông dân khiến cuộc sống của cô hoàn toàn đảo ngược so với trước kia.
"Ban đầu, tôi chưa thích nghi với việc làm nông. Thời tiết nắng nóng mà vẫn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời từ sáng sớm đến tối mịt. Tay chân lúc nào cũng lấm lem, ăn uống cũng thất thường. Thế nhưng, tôi vẫn lạc quan trải nghiệm và tin chắc rằng, thành công sẽ đến cùng sự đồng hành của gia đình", Tiên nói.
Sau 2 năm trực tiếp trồng và bán cam, quýt, Mỹ Tiên nhận ra được nguyên nhân khiến giá nông sản bấp bênh, gặp khó khăn trong tiêu thụ. Cô bắt đầu nghiên cứu sâu thị trường, trao đổi kinh nghiệm với các tập đoàn về nông nghiệp tại Úc, tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Tiên tích cực tham gia các hoạt động về nông nghiệp để tích lũy thêm kinh nghiệm (Ảnh: NVCC). |
Là thế hệ đầu tiên trong gia đình quan tâm đến việc xúc tiến thương mại và thương mại điện tử nông sản, Tiên đã đạt được những thành quả bước đầu.
"Giám đốc thu mua của Bách Hóa Xanh TPHCM đã đến tận vườn của tôi để ký hợp đồng cung cấp dài hạn. Tôi rất hạnh phúc khi anh bảo tôi là trường hợp cá biệt mà bên anh phải đến tận vườn để thuyết phục ký hợp đồng cung cấp", cô tự hào kể lại.
Mỹ Tiên cho biết thêm, tháng 6 vừa qua, cô tham gia xúc tiến thương mại ở TPHCM và rất bất ngờ khi được bà con ủng hộ nhiều.
Đến ngày thứ 2, cô đã định dọn gian hàng ra về vì hết quýt. Thế nhưng, người mua vẫn đến rất đông nên cô phải gọi thêm xe chở quýt từ quê lên "chữa cháy" ngay lập tức. Không ít khách hàng ở TPHCM còn dặn, lần sau lên nhớ báo trước để họ đặt hàng.
Tự hào là người nông dân
Chia sẻ về công việc của mình, Mỹ Tiên bày tỏ: "Từ bỏ cơ hội công việc ở trời Tây, làm nông dân là điều mà tôi cảm thấy không dễ dàng. Từ du học sinh không thích nông nghiệp, giờ đây, cô gái 25 tuổi có thể làm thành thạo các công việc của một người nông dân.
Có lúc, tôi cũng chạnh lòng nhưng không hối hận với quyết định này. Tôi trân quý và tự hào về công việc hiện tại".
Cô gái SN 1998 hạnh phúc khi sản phẩm nông sản của mình được người tiêu dùng đón nhận (Ảnh: NVCC). |
Muốn mọi người thấy được hành trình tạo ra nông sản cùng sự vất vả, tâm huyết mà người nông dân gửi gắm trong từng trái cam, trái quýt, Mỹ Tiên đã lập ra kênh TikTok mang tên "Tiên Quýt".
Trong các video được đăng tải, cô say sưa nói về nghề trồng cam, quýt; cách chọn cam ngon; quy trình đưa trái cam, quýt ra thị trường… và vô số thứ liên quan đến cam, quýt.
Tiên cho biết, kênh TikTok không có nhiều người theo dõi nhưng cô vẫn nhận được nhiều đơn hàng, hợp đồng lớn thông qua đây.
"Có lẽ, họ thấy yên tâm về chất lượng nông sản khi nhìn thấy sự cố gắng và cần mẫn của tôi cùng người nông dân. Tôi bán đi không chỉ là cam, quýt mà còn bán cả câu chuyện của chúng", cô chia sẻ.
Cô gái Bình Dương hiện quản lý khoảng 10ha đất trồng các loại nông sản như: Cam sành, cam xoàn, cam V2, quýt hồng, quýt đường… với doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, cô còn đang nghiên cứu cách làm các sản phẩm chế biến từ cam, quýt để đa dạng mặt hàng phục vụ người tiêu dùng, giải quyết tình trạng bị ép giá của nông sản.
"Trái cây Việt Nam rất ngon, không hề thua kém bất cứ trái cây nào của các quốc gia khác. Tôi muốn trở thành người truyền động lực cho giới trẻ vượt qua những trở ngại để làm nông nghiệp, làm giàu từ những nông sản thân thuộc của quê hương", Mỹ Tiên tâm sự.
Link gốc: https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/co-gai-binh-duong-roi-troi-tay-ve-que-lam-nong-dan-thanh-cong-thu-tien-ty-20230929175134512.htm