“Chúng tôi chỉ có thể bám sát trong một thời gian ngắn. Còn khi những lô hàng này bước vào màn sương chiến tranh, thì chúng tôi gần như mất dấu”, nguồn tin tình báo Mỹ tiết lộ với CNN. “Nó dường như rơi vào một hố đen khổng lồ. Và chúng tôi gần như không còn nắm được bất cứ thông tin gì về nó chỉ sau một khoảng thời gian ngắn.”
Nguồn tin cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tính đến nguy cơ số vũ khí mà Mỹ viện trợ cho Ukraine có thể rơi vào tay lực lượng dân quân ly khai và các nhóm vũ trang khác. Tuy nhiên, giới chức Mỹ coi việc không trang bị đầy đủ vũ khí cho Ukraine là một rủi ro lớn hơn nhiều.
Theo CNN, do không có lực lượng Mỹ trên thực địa nên Washington phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin từ Kiev về những gì đang xảy ra ở Ukraine.
Các quan chức Mỹ, theo đó, được cung cấp những thông tin mà họ cho là “đã được lựa chọn kỹ lưỡng bởi chính quyền Ukraine” để thúc đẩy việc viện trợ cho Kiev.
“Đó là một cuộc xung đột. Mọi thứ họ làm và nói công khai đều nhằm mục đích là giúp họ giành chiến thắng. Mỗi tuyên bố công khai là một chiến dịch thông tin. Mỗi cuộc phỏng vấn, mỗi lần xuất hiện của Tổng thống Volodymyr Zelensky là một chiến dịch thông tin”, một nguồn thạo tin khác tiết lộ với CNN.
Trong nhiều tháng, các quan chức Mỹ và phương Tây đã cung cấp thông tin chi tiết về những gì phương Tây biết về tình trạng của các lực lượng Nga ở Ukraine: họ đã hứng chịu bao nhiêu thương vong, kho vũ khí của họ, loại đạn mà họ đang sử dụng..v..v..
Nhưng khi nói đến lực lượng Ukraine, các quan chức thừa nhận rằng phương Tây - bao gồm cả Mỹ - có một số lỗ hổng thông tin. Theo hai nguồn tin thân cận, ước tính của phương Tây về thương vong của quân đội Ukraine cũng mù mịt. "Thật khó để theo dõi khi không có ai trên thực địa", một nguồn thạo tin nói.
Nga “giúp” phá hủy vũ khí lỗi thời của phương Tây
Phát biểu ngày 19/4, Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Dmitry Polyansky cho biết quân đội nước này sẽ phá hủy những thiết bị quân sự lỗi thời mà phương Tây cung cấp cho Ukraine.
“Các thành viên Đông Âu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có vẻ hài lòng. Vì họ không còn phải đau đầu nghĩ cách loại bỏ những vũ khí lỗi thời từ Liên Xô”, ông Polyansky nói.
“Mặc dù hứa hẹn sẽ cung cấp cho Ukraine những thiết bị mới của NATO, nhưng họ cũng sẵn sàng gửi các khí tài không bắn hoặc không di chuyển được đến Ukraine, vì biết rằng quân đội Nga sẽ phá hủy “khối sắt vụn” này, giúp họ không còn phải tìm cách xử lý chúng.”
Ngày 19/4, lãnh đạo Mỹ, Anh và Canada cam kết gửi thêm vũ khí cho Ukraine để giúp nước này đối phó với quân đội Nga.
Gói viện trợ vũ khí mới dự kiến sẽ được Washington công bố trong những ngày tới, với quy mô tương đương gói 800 triệu USD của tuần trước.
Nếu thông tin này chính xác, thì tổng viện trợ quân sự mà Mỹ dành cho Ukraine trong cuộc xung đột lần này sẽ lên đến hơn 3 tỷ USD.