CLB thanh niên 'Vươn khơi bám biển Hoàng Sa'

CLB thanh niên 'Vươn khơi bám biển Hoàng Sa'
TP - Thủ lĩnh thanh niên đảo tiền tiêu Lý Sơn (Quảng Ngãi) Đặng Tấn Thành lên kế hoạch giúp thanh niên vươn khơi bám biển và chia sẻ ý tưởng vực dậy thương hiệu tỏi Lý Sơn.

> Từ chối lương cao về nước làm việc
> Vinh danh những người trẻ ưu tú nhất

Hiện nay toàn huyện đảo có khoảng 1.300 đoàn viên, hơn 5.000 thanh niên, trong đó phần đông là ngư dân đánh bắt xa bờ. Huyện có 3 mô hình thanh niên hoạt động hiệu quả là CLB tuyên truyền pháp luật, CLB sức khỏe sinh sản vị thành niên và CLB phòng chống ma túy.

“Các hoạt động của Đoàn trên đảo chủ yếu tập hợp được ĐVTN trong các cơ quan và trường học, còn thanh niên là ngư dân thì việc tập hợp chưa hiệu quả. Thời gian của họ chủ yếu là lênh đênh trên biển, theo các vụ cá. Chỉ có mấy tháng mùa đông họ nghỉ, nhưng lại mưa nhiều. Do đó, rất khó tập hợp, vận động thanh niên ngư dân”, anh Thành cho biết.

Bên cạnh đó, công tác vận động, tuyên truyền ĐVTN trên đảo Lý Sơn cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu thốn cơ sở vật chất. “Các nội dung, kiến thức tuyên truyền cũng khô cứng, do thiếu thiết bị trình chiếu để cung cấp hình ảnh, video…”, anh Thành nói.

Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng thủ lĩnh thanh niên huyện đảo Lý Sơn Đặng Tấn Thành quả quyết: Nhất định thực hiện được việc tập hợp anh em để Đoàn đồng hành cùng ngư dân bám biển làm kinh tế và giữ chủ quyền.

“Thời gian tới, Huyện Đoàn sẽ ra mắt CLB thanh niên “Vươn khơi bám biển Hoàng Sa” với 100 hội viên ban đầu, hoạt động chủ yếu động viên khuyến khích, vận động các hội viên trẻ tích cực bám biển, cùng nhau phát triển kinh tế biển”, anh Thành nói.

Bên cạnh hoạt động tuyên truyền, Đoàn sẽ định hướng, triển khai nhiều hoạt động cho CLB thanh niên “Vươn khơi bám biển Hoàng Sa” như: Kêu gọi tài trợ giúp ngư dân ra khơi bám biển; đồng thời góp tiếng nói bảo vệ quyền lợi của ngư dân khi bị xâm hại…

Để thực hiện ý tưởng này, hiện nay Huyện Đoàn Lý Sơn đang rà soát lại lực lượng thanh niên trên đảo và khảo sát, xây dựng nội dung và phương thức hoạt động của CLB.

Lấy lại danh tiếng cho tỏi, hành Lý Sơn

Người dân chăm sóc tỏi trên đảo
Người dân chăm sóc tỏi trên đảo.
 

Bằng chất giọng khỏe, anh Thành bắt đầu câu chuyện từ việc thu mua tỏi, hành trên đảo. “Không hiểu sao, từ lâu đến giờ, tiểu thương khi nhập của nông dân trên đảo thì cứ 100 kg hành trừ 10 kg; 100kg tỏi trừ 3 - 4 kg. Bà con bán thiệt lắm”, anh Thành băn khoăn.

Điều này diễn ra tự nhiên bấy lâu nay khiến anh Thành nghĩ “chắc ở đâu cũng vậy”. Anh kể: “Có thời mình ở Gia Lai và đi buôn khoai lang. Ngày đầu đi mua, mình cũng trừ hao đi mấy ki lô gam như khi người ta làm thu mua hành tỏi trên đảo. Thế là bị người ta mắng cho”.

Chưa hết băn khoăn trước việc người dân bị ép cân, ép giá khi bán hành tỏi, anh Thành và nhiều người dân đảo Lý Sơn lại thêm bức xúc khi những năm gần đây, tỏi Lý Sơn bị mất thương hiệu vì gian thương.

Anh Thành cho hay: “Một số tiểu thương mua tỏi từ các nơi khác trong đất liền đưa ra đảo trộn với tỏi Lý Sơn rồi chuyển vào đất liền tiêu thụ. Gian lận này khiến người trồng tỏi Lý Sơn bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Cảm thông với bà con nông dân, anh Thành cùng với các đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên đảo xây dựng và triển khai gian hàng thanh niên nhằm giới thiệu, quảng bá và bán tỏi, hành Lý Sơn. “Thực hiện ý tưởng này không phải vì lợi nhuận, làm kinh tế cho Đoàn mà chủ yếu góp phần lấy lại thương hiệu cho tỏi Lý Sơn, hạn chế tình trạng bà con bị tư thương ép cân, ép giá”, anh Thành nhấn mạnh.

“Lực lượng tham gia bán hàng đều được lựa chọn từ những ĐVTN tiêu biểu, có tâm huyết với thương hiệu tỏi, hành Lý Sơn. Vốn kinh doanh là của thanh niên. Huyện Đoàn chỉ góp ý tưởng, trực tiếp quản lý chất lượng sản phẩm và bán hàng”, anh Thành chia sẻ.

Các thành viên tham gia gian hàng thanh niên của tổ chức Đoàn sẽ đến nhà dân thu mua tỏi đảm bảo khối lượng thực, không trừ hao”. Anh Thành tính: “Giá mỗi ki lô gam hành, tỏi của gian hàng thanh niên có thể cao hơn giá bán ngoài thị trường 5.000 - 6.000 đồng. Nhưng chắc chắn sẽ được người tiêu dùng chấp nhận được vì chất lượng hành, tỏi được đảm bảo và có xuất xứ từ Lý Sơn 100%. Thêm nữa, mỗi ki lô gam tỏi, hành bán ra sẽ trích 2.000 - 3.000 đồng gây quỹ hoạt động của Huyện Đoàn”.

“Nếu gian hàng hoạt động hiệu quả, sẽ vận động ĐVTN tham gia mở thêm địa điểm trên đất liền để đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng. Đồng thời sẽ đăng ký thương hiệu tỏi, hành Lý Sơn của gian hàng thanh niên”, anh Thành dự tính.

Anh Thành cho hay, gian hàng thanh niên giới thiệu, quảng bá và bán tỏi, hành Lý Sơn đầu tiên vừa tham gia hội trại “Sinh viên với biển, đảo Tổ quốc 2013” do T.Ư Hội Sinh viên VN, Trung tâm hỗ trợ và phát triển sinh viên VN phối hợp cùng nhiều đơn vị tổ chức tại đảo Lý Sơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.