CLB Hà Nội và phép thử với V-League

CLB Hà Nội sẽ đá như thế nào ở các trận cuối mùa giải năm nay
CLB Hà Nội sẽ đá như thế nào ở các trận cuối mùa giải năm nay
TP - Trận đấu ở vòng 25 giữa CLB Hà Nội và “người anh em” Quảng Nam trong tháng 10 tới có thể trở thành phép thử với bầu Hiển cùng các đội bóng liên quan.

Nếu có ai đó giải VĐQG Wake Up 247 V-League 2019 phải cảm ơn thì đó chắc chắn là bầu Đức. Tuyên bố “5 thằng ốm đánh 1 thằng mập cũng chết” của ông Đức đã khiến cho lượt về V-League bỗng trở nên hấp dẫn, thu hút sự chú ý của đông đảo giới hâm mộ bóng đá trong nước.

Dù bầu Đức không nói rõ, nhưng ai cũng hiểu tuyên bố trên ám chỉ tới việc bầu Hiển và các đội bóng liên quan, được cho gồm CLB Hà Nội, SHB Đà Nẵng, Sài Gòn FC và Quảng Nam. Trên thực tế, sau tuyên bố trên của bầu Đức, phía bầu Hiển chưa hề đưa ra bất kỳ quan điểm phản bác nào.

Tuy nhiên, cuộc đua vô địch giữa Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh thì đã đặc biệt được quan tâm. Trận đấu giữa Tp Hồ Chí Minh và Hà Nội, sân vận động Thống Nhất với sức chứa hơn 15 vạn chỗ đã không còn chỗ trống. Đã lâu lắm rồi, sân Thống Nhất lại mới rơi vào cảnh quá tải như vậy ở một trận đấu bóng đá quốc nội. Đây có lẽ là minh họa điển hình nhất cho sức hút của V-League sau tuyên bố của bầu Đức.

Ở một góc độ khác, các cuộc đấu “nội bộ” giữa Hà Nội và những người anh em của mình trong phần còn lại của V-League 2019 cũng sẽ được quan tâm nhiều hơn. Đơn cử như vừa qua khi Sài Gòn FC thua đậm Hà Nội 1-4, đã có những câu hỏi về tính minh bạch của nó, hay trước đó chính Sài Gòn FC cũng “dâng” trọn 3 điểm cho Quảng Nam, đội đang cần điểm để trụ hạng. Cuộc chạm trán giữa CLB Hà Nội với Quảng Nam vòng 25 tới thậm chí có thể trở thành một “phép thử” với bầu Hiển và các đội bóng liên quan, cũng như cho thấy V-League thực sự “sạch” hay không.

Trước trận đấu này, trường hợp lý tưởng nhất với CLB Hà Nội và Quảng Nam là cả hai đều đã cùng hoàn thành mục tiêu đặt ra. Cụ thể, Hà Nội đã đủ điểm để bảo vệ thành công cúp vô địch, còn Quảng Nam chắc suất trụ hạng. Khi đó, kết quả trận đấu giữa cả hai sẽ không mang nhiều ý nghĩa.

Tuy nhiên, tình huống sẽ éo le hơn với bầu Hiển nếu cả hai đội bóng trên đều cần điểm cho các mục tiêu khác nhau. Hà Nội sẽ mất cúp vô địch, hoặc Quảng Nam rớt hạng nếu để thua, thế thì liệu giới hâm mộ có được xem một trận đấu đúng nghĩa? Hoặc khi chỉ 1 trong 2 đội đã hoàn thành mục tiêu thì liệu có được “người anh em” bên kia chiến tuyến nhường nhịn?

Đặt vấn đề trên ra là không thừa bởi ngay từ đầu lượt về V-League 2019, bầu Hiển đã có động thái để CLB Hà Nội tăng viện cấp tập về lực lượng cho Quảng Nam, nhằm giúp đội bóng miền trung thoát khỏi nguy cơ rớt hạng. Ngoài việc đưa HLV Vũ Hồng Việt vào thay ông Hoàng Văn Phúc (rút về Hà Nội làm đào tạo trẻ), CLB Hà Nội còn chấp nhận chuyển chân sút số 1 Hoàng Vũ Samson cho Quảng Nam. Ở lượt đi, Samson đã ghi tới 6 bàn thắng cho CLB Hà Nội chỉ tính riêng đấu trường V-League.

Lịch sử cũng cho thấy khi lâm vào tình huống cần thiết, các đội của bầu Hiển luôn đạt được kết quả như mong muốn với sự “tương tác” từ phần còn lại. Điển hình như ở mùa giải 2012, SHB Đà Nẵng đã đăng quang ngôi vô địch sau khi Hà Nội cầm hoà Sài Gòn Xuân Thành ở lượt cuối cùng trên sân Thống Nhất. Đây là trận đấu Hà Nội cần thắng để vô địch, nhưng đội bóng số 1 của bầu Hiển nhất quyết chơi “tử thủ”, không chịu tấn công. Hết giải, ông bầu Nguyễn Đức Thuỵ của Sài Gòn Xuân Thành đã ấm ức “tố” vấn đề trên tại trụ sở VFF và qua năm sau, cộng hưởng bởi nhiều vấn đề khác, Xuân Thành đã nghỉ chơi, rút luôn khỏi V-League.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên khi một số ông bầu khác khi bày tỏ sự chán nản hoặc nghỉ bóng đá đều nêu ra tình trạng giữa CLB Hà Nội và những người anh em của mình. Mặc dù vậy, nhiều người trong giới bóng đá tin rằng với thành phần BCH VFF nhiệm kỳ 8 có nhiều tiếng nói thân thiết với đội bóng thủ đô, vấn đề này thực sự nan giải.

MỚI - NÓNG