Phát biểu tại một hội nghị ở Washington, ông Burns cho biết: "Với tư cách là cộng đồng tình báo, chúng tôi chưa thấy có bằng chứng thực tế về việc Nga lên kế hoạch triển khai hoặc có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật".
Tuy nhiên, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ nói rằng, theo quan điểm của ông, Tổng thống Nga Putin "không tin rằng mình có thể thua", do đó Mỹ nên "tập trung cao độ vào mối đe dọa hạt nhân".
Tháng trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng ông tin Nga có thể sẽ sử dụng vũ khí hóa học hoặc hạt nhân để giành chiến thắng ở Ukraine, đồng thời kêu gọi thế giới "chuẩn bị sẵn sàng" cho kịch bản này.
Báo giới phương Tây cũng nhiều lần suy đoán về khả năng xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân, với lý do Nga đặt lực lượng hạt nhân vào chế độ chờ ngay từ khi xung đột mới bùng phát ở Ukraine.
Đáp lại, Điện Kremlin nhiều lần khẳng định Nga sẽ không triển khai vũ khí hạt nhân nhằm vào nước láng giềng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Alexei Zaitsev hôm 6/5 một lần nữa nhấn mạnh "Nga kiên quyết tuân thủ nguyên tắc là nếu bùng phát chiến tranh hạt nhân, sẽ không có ai chiến thắng".
Nga, quốc gia sở hữu nhiều hơn 700 đầu đạn hạt nhân so với Mỹ, khẳng định rằng họ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị tấn công hạt nhân trước nhằm vào lãnh thổ/cơ sở hạ tầng của mình, hoặc nếu sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân/vũ khí thông thường.
Mỹ, trong khi đó, tuyên bố rằng vũ khí hạt nhân của nước này được sử dụng nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ và các đồng minh. Ngoài ra, việc sử dụng vũ khí hạt nhân cũng có thể được xem xét trong "những trường hợp cần thiết để bảo vệ lợi ích sống còn của Mỹ, cùng các đồng minh và đối tác.