Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc 17/2/1979 - 17/2/2019, Kỳ 7:

Chuyện về những chiến sĩ áo trắng

Bệnh viện Lạng Sơn cấp cứu thương binh 1979 (ảnh tư liệu)
Bệnh viện Lạng Sơn cấp cứu thương binh 1979 (ảnh tư liệu)
TP - Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Trong không khí khẩn trương phục vụ chiến tranh, đội ngũ y bác sỹ tiền phương trực thuộc Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn cử những cán bộ nhanh nhẹn, tâm huyết và tay nghề cao sẵn sàng lao vào trận địa cấp cứu các thương binh trở về tuyến sau điều trị.

Họ đã hy sinh anh dũng trên mảnh đất quê hương thấm đẫm màu hoa đào mỗi khi xuân về.

Chuyến đi định mệnh

Tôi nhớ mãi có lần bác sỹ Nguyễn Mạnh Hải, cán bộ ngành y tế tỉnh Lạng Sơn mang tác phẩm “Những chiến sỹ Áo trắng”, phản ánh chiến công của ba y, bác sỹ Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn dũng cảm xông trận và anh dũng ngã xuống trên tuyến đầu Tổ quốc ngay trong sáng 17/2/1979. Anh không giấu được niềm xúc động với đôi mắt đỏ hoe.

Anh bảo rằng, mặc dầu chuyên môn tay cầm dao mổ nhưng không thể không viết những dòng chữ về đồng nghiệp của mình. Đó là: Bác sỹ Nguyễn Thị Thủy, y tá Nguyễn Thị Sâm và lái xe bệnh viện Lê Văn Thuận.

“Khi tiếng súng đầu tiên gầm rú, nhà nhà đổ ra đường, nhìn về phía biên giới đang rùng rùng chớp lửa. Mọi nét mặt, ánh mắt đều biểu lộ chung một ý nghĩ rằng cuộc chiến tranh đã bắt đầu. Bác sỹ Thủy (khi ấy 26 tuổi) vội mặc quần áo ngành rồi rời khỏi nhà ở khu Ba Toa, phường Chi Lăng, thị xã Lạng Sơn đến ngay bệnh viện. Trong khi đó, một chiếc xe tải lấm đầy bụi đất đỗ xịch trước cổng bệnh viện. Mọi người xúm lại đỡ thương binh từ trên xe xuống.

-“Nó đánh vào Đồng Đăng rồi. Ở Đồng Đăng nhiều thương binh lắm!”. Người lái xe cũng lấm láp như xe, nhanh nhảu thông báo.

Thương binh đến, không khí trở nên khẩn trương. Các máy bắt đầu khởi động và công việc cấp cứu giống như một băng chuyền sản xuất, mọi người đều cố gắng để giành giật sự sống cho các anh lính trẻ.

Theo lệnh của giám đốc, anh Thuận (khi đó 40 tuổi), điều khiển xe ô tô cứu thương ra cổng bệnh viện. Bác sỹ Thủy và y tá Sâm nhanh chóng chuẩn bị túi cứu thương, băng ca rồi lao vào xe ô tô. Mọi người xúm đến bịn rịn chia tay, động viên những người lên tuyến đầu lửa đạn.

Chiếc xe lao nhanh trên đường quốc lộ 1A hướng về thị trấn Đồng Đăng. Dưới đường, đàn bà con nít gồng gánh dắt díu nhau chạy ngược về phía thị xã Lạng Sơn.

Bỗng ô tô đỗ đột ngột ở gốc cây đa thuộc thôn Khuổi Mươi, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, cách thị trấn Đồng Đăng chừng 4km. Tiếng súng bộ binh rộ lên từng đợt rất rõ. Tiếng pháo rền vang bầu trời biên giới. Trên đồi, có tiếng í ới gọi của bộ đội.

Chuyện về những chiến sĩ áo trắng ảnh 1 Ông Ðại xúc động bài thơ “Khóc em”       

Men theo tiếng gọi, hai cô Thủy, Sâm lao lên ngọn đồi. Các chiến sỹ đặt người bị thương trong chiếc chăn chiên, buộc hai đầu vào một cành cây rồi khiêng đi về phía xe cứu thương. Bác sỹ Thủy, ý tá Sâm thay nhau dìu các thương binh khác vào băng cáng thương rồi khiêng xuống chân đồi. Chuyến đầu tiên, mọi người vận chuyển gần chục thương binh về bệnh viện.

Chiều 17/2/1979, lần này là chuyến thứ tư trong ngày, bộ ba Thủy, Sâm, Thuận lại sát cánh cùng nhau lên tuyến lửa. Lúc này, tiếng súng đạn rền vang tứ phía. Con đường bị đạn cày nát mặt, rất khó đi. Vẫn tại khu vực thôn Khuổi Mươi, chiếc ô tô cứu thương bỗng bắt lửa rực cháy ở đầu làm xe chồm lên rồi khựng lại. Một cánh quân luồn sâu của địch phục kích trên quốc lộ đã dùng súng ĐKZ bắn thẳng vào đầu xe.

Ngay phút đầu tiên, Thủy bị gãy đùi trái. Một mảnh đạn cắm vào chân phải Thuận. Y tá Sâm ngồi sát bên phải ca-bin bung cửa nhảy ra. Quân địch bắn cô ngay. Viên đạn xuyên qua áo bờ-lu trắng. Cô vội chạy vào bụi cây ven đường, đạn địch bắn xối xả cho đến khi cô gục ngã.

Thuận chống tay vào vô lăng lết ra khỏi xe, ngã vào rãnh nước và tử vong ngay sau đó. Còn bác sỹ Thủy ngất đi. Bọn giặc bu quanh chiếc xe và chiếc áo trắng nhuộm đỏ máu đào.

Bài ca không quên

Ông Nguyễn Mạnh Hải thổn thức nhớ lại những ký ức bi thương của 3 đồng nghiệp đã dũng cảm hy sinh ngay ngày đầu tiên của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Sau này, tác phẩm “Những chiến sỹ Áo trắng” (truyện ký) của ông đăng tải trên báo chí địa phương, được bạn đọc và các đồng nghiệp truyền tay nhau đọc.

Nhân 40 năm chiến sự biên giới, chúng tôi ngược quốc lộ lên khu vực thôn Khuổi Mươi, xã Thụy Hùng. Đi cùng chúng tôi có bác sỹ Nguyễn Đắc Đại, 80 tuổi, nguyên cán bộ ngành y Lạng Sơn.

Đã gần rằm tháng Giêng Kỷ Hợi, tiết trời bỗng trở lạnh. Mưa giăng mắc lối đi. Ông Đại rất xúc động khi đến gốc một cây đào đã nở rộ. Những cánh hoa rơi xuống nền đất ướt nhòe. Ông thầm thì: “Chỗ này Thủy, Thuận và Sâm đã hy sinh”.

Người dân Khuổi Mươi đã quá quen mặt ông Đại bởi vào những dịp lễ tết, nhất là ngày 17/2, ông thường lên đây để thăm viếng, thắp nhang cho 3 đồng nghiệp. Ông bảo, họ đều là những người có tâm, có tay nghề rất khá. Nhất là bác sỹ Thủy, từng tốt nghiệp nghề y loại xuất sắc ở Liên Xô, được giữ lại học tiếp nhưng cô tình nguyện trở về quê hương Lạng Sơn. “Thủy là người phụ nữ nhỏ nhắn, tươi vui và rất hòa đồng với mọi người. Sự ra đi đột ngột của Thủy, Sâm, Thuận khiến mọi người tiếc thương”. Bác sỹ Đại tâm sự.

Ông Phan Thanh Huy, giám đốc bệnh viện đa khoa Lạng Sơn cho biết, sau khi 3 cán bộ của bệnh viện hy sinh, họ đều được công nhận là liệt sỹ. Hàng năm, đến ngày 17/2 hoặc ngày truyền thống ngành Y tế 27/2, cán bộ nhân viên bệnh viện đều đến gia đình các liệt sỹ để dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ. “Các anh, các chị mãi mãi là tấm gương sáng ngời và hình ảnh của họ sống mãi trong ký ức của các thế hệ cán bộ, nhân viên bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn”. Ông Huy nói.

Sau khi thắp nhang thành kính tại thôn Khuổi Mươi, chúng tôi trở lại thành phố Lạng Sơn khi đã xế chiều. Bác sỹ Nguyễn Đắc Đại dẫn chúng tôi ghé vào Nghĩa trang liệt sỹ Hoàng Đồng nằm ven thành phố Lạng Sơn. Ông tìm đến mộ phần của bác sỹ Nguyễn Thu Thủy rồi đặt lên trên đó bó hoa màu trắng. Ông ngồi kế bên hồi lâu rồi lấy khăn lau dòng lệ tràn xuống gò má đã nhuốm màu thời gian.

Ông Đạt thổn thức lấy túi áo một mảnh giấy trắng và ông đọc chầm chậm bài thơ “Khóc em”:

Chiều biên giới rợp trời đạn lửa/ Em đã vì dâng hiến trọn tuổi thanh xuân/ Tà áo bờ-lu loang hồng máu đỏ/ Thanh thản nằm trong vòng tay đồng nghiệp mến thương....

(Còn nữa)

Theo ông Phan Thanh Huy, với những thành tích đã đạt được trong các cuộc kháng chiến, nhất là công tác chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở biên giới phía Bắc 1979, Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn được nhà nước ghi nhận và tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì.

MỚI - NÓNG