Chuyện về một giọng đọc vàng: Nhà số 5

0:00 / 0:00
0:00
TP - Biết phóng viên (PV) nhà Đài truyền hình Trần Bình Minh đã lâu. Nhất là dạo ông PV họ Trần này phụ trách mảng đồng bào xa Tổ quốc, nhà Đài Truyền hình Trung ương (THTƯ) mời tôi cộng tác thường xuyên. Như chương trình phối hợp với Đài phát thanh Matxcơva phản ánh về hiện trạng lao động xuất khẩu ở Liên Xô cũ. Trần Bình Minh lanh lẹ thi thoảng phát lộ nhiều ý tưởng độc đáo nên chất lượng chương trình khá bắt mắt...

Có dạo Trần Bình Minh ở Khu tập thể số 5 Trần Phú giành cho PV nhà Đài. Trần Bình Minh là con trai cụ Trần Lâm, một tiên chỉ ngành phát thanh truyền hình. Ông Trần Lâm, một dạo cũng ở đây. Lần ấy đến thì Trần Bình Minh đang có khách. Một phụ nữ đứng tuổi, dong dỏng. Tôi vừa tới thì khách về.

Chắc anh biết bà này? Thấy tôi ngắc ngứ, Minh cười, bà Tuyết Mai đọc truyện đêm khuya đấy…

Chuyện về một giọng đọc vàng: Nhà số 5 ảnh 1

Tuyết Mai với Phát thanh viên Việt Khoa

Trời đất! Mãi khi ấy tôi mới biết mặt một người danh tiếng mà lâu nay chỉ có nghe chất giọng! Mà người này lại chỗ hàng xóm với Trần Bình Minh!

Chủ nhân căn hộ lui sâu vào cuối dãy là hai vợ chồng Tuyết Mai - Phan Phúc danh tiếng, khách thường xuyên lui tới. Người thì ghé thăm giọng đọc vàng Tuyết Mai hơn chục năm nay nghỉ hưu. Người thì đến nhờ ông chồng nhạc sĩ Phan Phúc thẩm định lại chất lượng băng nhạc hay giọng ca. Nhạc sĩ Phan Phúc đã quá quen thuộc với giới âm nhạc lẫn người nhà Đài. Liên tục 26 năm ông là Giám đốc, Trưởng đoàn ca nhạc của Ủy Ban PTTH Việt Nam.

Tôi được dịp ghép thăm đôi vợ chồng “vàng” ấy! Thoáng qua những ngày xa lắc ở xóm núi Xứ Thanh, chỉ thi thoảng thôi, được tiếp cận với thế giới văn minh qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN). Người mà thế hệ chúng tôi ngồi ngay tán tàn hàng giờ như uống lấy từng lời. Cuối lời giới thiệu Tuyết Mai và Việt Khoa đọc trước máy… Cái chất giọng biến ảo, chinh phục, sang sảng hào khí trong các bài bình luận, xã luận, như có lửa trong những tin chiến thắng, các mệnh lệnh chiến đấu quan trọng của Đảng và Nhà nước, tăng thêm sức mạnh cho tiền tuyến và hậu phương… Sau này có đồng nghiệp thân quen bên Đài TNVN, đã giải mã cái chất giọng ma mỵ ấy đại loại: Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Tuyết Mai là người có chất giọng rất khó tìm ở âm vực nữ trung, vang và rất mềm. Trong số vài triệu phát thanh viên chỉ vài người có chất giọng na ná như thế! Mà chỉ là na ná thôi đấy nhé! Chứ còn nhuần nhị thuần thục của cái người trực ở các mục “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” “Chương trình dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ Quốc”, 90% các chương trình “Phát thanh văn nghệ”, “Buổi đọc truyện đêm khuya”, “Tiết mục Tiếng thơ” thì hình như chỉ có Tuyết Mai?

Chẳng đừng được, tôi vuột ra trước hai ông bà bao nhiêu là những tấm tắc của thiên hạ trước nay. Và cả giai thoại ông Phó Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ chì chiết cánh xướng ngôn viên Đài Sài Gòn là phải học cái giọng đọc cô Tuyết Mai ngoài Bắc… Cả hai ông bà phá lên cười vui vẻ rằng chắc thiên hạ đồn cho vui đó thôi!

Thời lượng buổi sơ kiến ấy, dung lượng những thông tin phải kiêng cữ, phải rèn luyện phải kiên trì khiến người nghe phát ngại! Rằng chả có thứ tài năng nào là trời cho cả! Phải nghị lực thế nào trước một lát chanh, bớt đi một chút muối, chút mỡ… Và cốc chanh đá, que kem ở nhà hàng Bodega bạn hữu thân tình mời! Bao nhiêu những thứ vân vân mà nghệ sĩ Tuyết Mai đã chịu đựng lao động một cách khó nhọc và âm thầm.

Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Tuyết Mai là người có chất giọng rất khó tìm ở âm vực nữ trung, vang và rất mềm. Trong số vài triệu phát thanh viên chỉ vài người có chất giọng na ná như thế!

Nghe vậy thì biết vậy, nhưng người ta vẫn kháo, tài năng ấy, chất giọng giời phú kia cứ cho là 1% tố chất còn 99% là lao động cật lực. Nhưng phải có hoàn cảnh và tác nhân chi đó mới phát lộ cái 1% ấy chứ?

Và tôi đã được bà chủ nhà Tuyết Mai bật mí. Chuyện đơn giản. Người phát hiện ra thứ trời cho ấy là bà mẹ Trần Bình Minh. Vợ ông Trần Lâm là bà Trần Thị Ý phát thanh viên Đài TNVN dịp ấy nghỉ sinh con, liều bảo cái cô nhân viên, nhà đài là Bùi Thị Thái vốn chơi thân với nhau rằng đang bí bấn phát thanh viên, tức người đọc. Bùi Thị Thái đọc thử... Mấy chị em nghe rồi lặng đi. Rồi hét toang lên. Thấy bắt, bà Ý bỏ thời gian kèm cặp thêm. Rồi cô nhân viên nhà Đài trở thành phát thanh viên phụ rồi chính. Bà bạn Ý bảo Bùi Thị Thái nên kiếm cái tên mới chứ ai lại Việt Khoa và Bùi Thị Thái đọc trước máy nghe nó thế nào...

Cái tên Tuyết Mai có từ đó!

…Chất giọng nhỏ nhẹ. Khuôn mặt có những nét tươi tắn nom ông chồng trẻ hơn bà vợ nhiều? Câu chuyện của nhạc sĩ Phan Phúc đưa tôi về những ngày xa trên chiến khu Việt Bắc. Rất nhiều người trong Đội thiếu sinh quân Vệ quốc quân đều biết Phan Phúc là cây violon có hạng. Cây đàn violon khi ấy ông sử dụng là cây đàn của Nhạc sĩ Đỗ Nhuận tặng cho Phan Phúc. Đó là cơ sở chắc chắn để sau này ông tiến xa hơn ở các cương vị: Tu nghiệp và tốt nghiệp hạng ưu tại Học viện âm nhạc Bulgari. Mười năm liên tục là nhạc trưởng kiêm diễn viên độc tấu violon của Dàn nhạc giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam. Hẳn nhiều người còn nhớ, người mặc áo chẽn màu trắng chơi violon bên phía tay phải của Bác Hồ trong bức ảnh nổi tiếng của Lâm Hồng Long - Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn - là nhạc sĩ Phan Phúc!

Mười một tuổi, cậu bé người Hà Nội Phan Phúc được tuyển vào đội nhạc sinh quân gồm 72 em độ tuổi từ 10 - 14 tuổi do chính Đinh Ngọc Liên, khi đó còn mang tên Quản Liên phụ trách. Những kiến thức sơ đẳng và cơ bản về âm nhạc cậu bé Phan Phúc được lĩnh hội qua lớp đào tạo này dưới sự dẫn dắt trực tiếp của Đinh Ngọc Liên. Cách truyền thụ dễ hiểu, phong thái nhanh mạnh dứt khoát cộng với cái tài sử dụng các loại nhạc cụ của ông Quản Liên đã để lại trong tâm trí cậu bé Phan Phúc sự cảm phục rất lớn.

Rồi cuộc kháng chiến bùng nổ. Trong một đêm diễn ở Chợ Rã của Đội nhạc binh Đinh Ngọc Liên và trường thiếu sinh quân nơi Phan Phúc theo học, Đinh Ngọc Liên vui mừng nhận ra cậu học trò tài năng của mình khi tướng Nguyễn Sơn lên tận sân khấu ca ngợi nhiệt thành diễn xuất của cậu bé Phan Phúc chơi violon mới 15 tuổi!

Tám năm sau... Năm 1958, không hẳn là một đám cưới nhưng là một cuộc tiệc nhỏ đã được tổ chức ở Hà Nội để mừng cho một đôi uyên ương mới.

Chú rể là cậu bé dĩnh ngộ chơi violon trong đêm diễn nọ kém cô dâu đúng 10 tuổi! Phải, đó là Phan Phúc. Và cô dâu là chính là Bùi Thị Thái có nghệ danh mới là Tuyết Mai. Mà Tuyết Mai là vợ cũ của sĩ quan đại úy Đinh Ngọc Liên phụ trách Quân nhạc Quân đội Nhân dân Việt Nam.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG