Chuyện về cây cầu “ba chữ H”

Cầu Bạch Ðằng sau ngày hợp long.
Cầu Bạch Ðằng sau ngày hợp long.
TP - Lễ khánh thành cầu Bạch Ðằng sẽ diễn ra vào 9h sáng ngày 1/9/2018. Tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Ðằng chính thức thông xe và đi vào hoạt động từ 13h chiều cùng ngày. Bao nhiêu là thông thoáng tiện lợi giao thương giữa cư dân 2 bên bờ sông Bạch Ðằng khi không còn cảnh "ngày đàng gang nước".

Buổi mai giá rét một ngày tháng giêng năm 2015, sau thủ tục cuối của Lễ khởi công cầu Bạch Đằng, tôi theo chân anh em của một đơn vị ngành giao thông vào dâng hương ở đền Trần Hưng Đạo cùng Miếu Vua Bà gần đó. Miếu tôn vinh bà hàng nước vô danh đã hé cho Trần Hưng Đạo quy luật thủy triều để ngài bố trí bãi cọc phá giặc.

Khó dứt mắt khỏi sắc màu lẫn dáng dấp khỏe khoắn của một liễn đối. Một bên là thái độ khinh mạn, hỗn xược của sứ thần thiên triều Đồng trụ chí kim đài dĩ lục (Cột đồng thời Mã Viện trồng đến nay đã xanh rêu). Một bên là chan chát ngữ nghĩa đĩnh đạc thâm sâu hoành tráng của sứ thần Giang Văn Minh Đằng Giang tự cổ huyết do hồng (Sắc sông Bạch Đằng vốn hồng bởi từ xưa loang máu giặc).

Dạo Bạch Đằng khởi công và cả thời gian dài sau đó, công nhân công trường và dân hai bờ chỉ kêu thọn lỏn là cầu Bạch Đằng hoặc cầu sông Rừng.

Cùng với tiến độ, ba trụ dần dần nhô nhỉnh và vượt cao thì họ kêu bằng cầu ba chữ H. Cứ lo lo ngộ nhỡ cái đà thuận mồm, xuôi miệng ấy, cái tên Bạch Đằng có cơ lãng mất? Tôi đã cố công lân la dò hỏi mấy nhà kỹ thuật người Việt trẻ trung tài năng từng thiết kế cây cầu chữ H này. Rằng có phải họ từng được quán triệt, thấm nhuần ý nghĩa sâu xa sự thông thương gắn kết kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long nên phải gò bằng được ba trụ cầu hình chữ H? Gạn xong thấy họ cười phá lên vui vẻ… Hóa ra cũng chỉ tình cờ (cũng tình cờ như 5 trụ tháp hình thoi của cầu Nhật Tân suy rộng ra là 5 cửa ô Hà Nội. Là 5 cánh của hoa đào Nhật Tân?). Rồi tôi được giải thích để vỡ vạc thêm rằng, trụ cầu dây văng hình chữ H nó vững chãi khỏe khoắn lẫn hợp lý ra sao…

Ngành xây dựng cầu đường Việt lớn mạnh chững chạc qua việc thiết kế thi công những cây cầu tầm cỡ như Cần Thơ, Nhật Tân nay thêm tự tin việc chế tạo cầu qua sông Bạch Đằng. Nhưng không phải vì thế mà tiến độ lúc nào cũng suôn sẻ. Thời điểm hợp long cây cầu (tháng 4/2018) tôi có dự ké một cuộc họp trọng ngay tại công trường. Ở đó những cán bộ kỹ thuật và phụ trách tiến độ đã lạnh lùng khúc chiết làm nguội bớt vài cái đầu nóng muốn tốc tả thông xe vào ngay tháng 6 lù lù trước mắt.

Lang thang trên công trường lại nghe cả chuyện trảm tướng? Ông Đinh La Thăng hoạn nạn quan lộ đã vô tù sao còn chuyện trảm tướng ở đây?  Sau hỏi ra mới hay, tư duy rốt ráo quyết liệt vì tiến độ vì lợi ích quốc gia dường như đã thấm đã ngấm làm bừng tỉnh cách nghĩ lối làm của cả hệ thống ngành giao thông? Với chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh mà cụ thể là Sở GTVT đã dứt khoát cắt phăng cái gói thầu XL06 cỡ trên ngàn tỷ của Cty Cường Thịnh nào đó vì chậm tiến độ để chuyển cho nhà thầu khác.  Hình như cũng là giơ cao đánh khẽ bởi nghe đâu ngay sau đó Cty ấy đã ăn năn hối cải bằng hàng loạt biện pháp để chấn chỉnh.

Được ngồi với ông  Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần BOT cầu Bạch Đằng, chủ đầu tư dự án cầu Bạch Đằng là điều thú vị. Hàng trăm phần việc hàng chục hạng mục xây cầu tầm cỡ khu vực và thế giới cấu thành nên 8 gói thầu tưởng chừng cái áo tiến độ hơn 3 năm qua đâm chật và rách toạc? Nếu và tỷ mẩn biên ra những việc tử tế có mà hàng tập sách. Nội thời khắc ba cái giao thừa các anh có mặt ở công trường. Những đêm đang giấc bất thần bị điện thoại dựng dậy… Lại gạn thêm các anh để rõ thêm về vài cái tít than thở trên phương tiện truyền thông đại loại Cầu Bạch Đằng đã lỗi hẹn có ý trách tại sao không hoàn tất trong tháng 6. Vâng, có không nguyên nhân duyên do mà hầu hết đều bất khả kháng. Tỷ như chuyện vật tư thiết bị về chậm. Như kỹ thuật (việc căn chỉnh cáp phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài) điều chỉnh lại khối lượng hạng mục bê tông nhựa ở một số gói thầu.  Quảng Ninh phải bổ sung đồng bộ hệ thống giao thông kết nối thông minh (ITS). Rồi khâu giải ngân, tài chính vv… Trong khi đó phải chăm chắm chất lượng và an toàn lao động trên công trường, đảm bảo mỹ quan công trình.

Không còn cảnh “ngày đàng gang nước”

Chiều cuối ngày hợp long ghé thôn Bấc có chợ Quán ở xã Liên Vị. Chợ mới xây rộng trên 7.000m2 gần 300 điểm kinh doanh cố định và khoảng 1.000m2 mặt bằng để phục vụ các hộ kinh doanh không cố định. Vui vẻ cụng ly bia với mấy người dân  Liên Vị đang hể hả đón cái tin Bạch Đằng sắp hoàn thành. Bởi theo đường chim bay thì thôn Bấc chỉ cách Thủy Nguyên của Hải Phòng vài km, nhưng muốn mang con cá mớ rau sang Thủy Nguyên bán thì phải đi vòng hơn 20km. Ngại nhất là phải đi qua phà Rừng để qua sông Bạch Đằng, nhiều khi lỡ phà thì phải chờ đến 2 tiếng mới qua được sông.

Bao nhiêu là thông thoáng tiện lợi giao thương giữa cư dân 2 bên bờ sông Bạch Đằng khi không còn cảnh “ngày đàng gang nước”. Chợ mới xây để đón cầu là thế.

Cầu Bạch Ðằng khởi công  ngày 25/1/2015, đầu tư theo hình thức BOT với tổng số vốn hơn 7.000 tỷ đồng. Cầu chính dài 700m, được bố trí 3 trụ tháp, thiết kế theo hình 3 chữ “H” mang ý nghĩa kết nối giữa 3 trung tâm kinh tế phía Bắc  Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long.

 Ðiểm đầu là phường Ðông Hải 2, quận Hải An (Hải Phòng). Ðiểm cuối là xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh).  Cầu dài 5,4 km gồm cả đường dẫn.  4 làn xe, vận tốc tối đa 100km/h. Cầu có khẩu độ nhịp vượt sông lớn nhất Việt Nam. Quãng đường từ thành phố Hạ Long đi Hà Nội  180km hiện nay rút ngắn còn 130km, thời gian đi ô tô giảm từ 3,5 giờ xuống còn 1,5 giờ. Chiều dài quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng giảm từ 75km xuống còn 25km.

(Nguồn Bộ GTVT)

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.