Chuyến Trường Sa đi vào du ký

Với cuốn sách mới Trường Sa - đã gặp, không quên (Nxb Hội Nhà văn phối hợp với Liên Việt, 2019), người đọc có ngay cảm giác được gặp Nguyễn Tri Thức - một người chịu đi, chịu viết và vui chuyện.  

Nguyễn Tri Thức lâu nay được bạn đọc biết đến với chuỗi bài ấn tượng đăng trên báo chí, về sau được tập hợp hệ thống trong những cuốn sách Mỗi ngày một vạn bước (Nxb Thanh niên, 2005), Những người đã gặp, khó quên (Nxb Thanh niên, 2011), Đã gặp, khó quên (Nxb Hội Nhà văn, 2016)… Và đến gần đây nhất là Trường Sa - đã gặp, không quên (Nxb Hội Nhà văn phối hợp với Liên Việt, 2019) như muốn giúp tác giả khép lại mạch “đã gặp, khó/ không quên” của mình. Đọc cuốn sách mới nhất, dày suýt soát 300 trang này, người đọc có ngay cảm giác được gặp một người chịu đi, chịu viết và vui chuyện.  

Chuyến Trường Sa đi vào du ký ảnh 1  

Tôi tìm đọc Trường Sa - đã gặp, không quên và thú vị khi nhận ra: đây chính là lần đầu tiên - sau những sách chuyên đề là đồng tác giả như Tác phẩm báo chí điều tra – Tuyển chọn và phân tích (Nxb Lao động, 2015) và tự biên soạn như Tổ chức chuyên đề báo chí (Nxb Thông tấn, 2017) – Nguyễn Tri Thức quyết định đóng góp vào một thể loại đang được ưa thích ở nước ta: du ký.

Đã trải qua gần một phần tư thế kỷ hành nghề, có thế mạnh của một nhà báo yêu nghề ở 3 tòa soạn Lao động, Gia đình & xã hội và bây giờ là tạp chí Cộng sản, Nguyễn Tri Thức hội đủ lý do để tự nhận mình là người may mắn: đi khắp 63 tỉnh, thành phố của đất nước và thực hiện được ước mơ đến được đủ 5 châu, tất nhiên chỉ với một số nước đại diện ít ỏi. Đi đến đâu cũng cần mẫn tìm hiểu, ghi chép, có bài đăng, và anh lẩy ra những sự quen lạ của họ đối với mình…

Đó là Sankt Peterburg của nước Nga với “2 nghệ sĩ đường phố với kèn đồng và accordion hoành tráng tấu bản quốc ca Việt Nam” mà thấy gần gũi, thân thiết;

Đó là những cuộc gặp người Việt đã 38 năm ở New Zealand, từng mua đi bán lại đất nhiều lần mà “chưa mất một đồng nào để phong bì cho cơ quan công quyền” tại một đất nước nổi tiếng về sự minh bạch, thượng tôn pháp luật. Ở nơi xa lạ ấy chỉ có 2.000-2.500 người Việt mà đời sống cộng đồng ấm áp;

Đó là bang Hessen (Đức), nơi 200 năm trước người ta từng phá rừng đến nỗi “sạch sẽ”, không còn một cây gỗ nào để có thể làm giá treo cổ những kẻ phá rừng, thì nay biết áp dụng chính sách môi trường bền vững, có cả một ngành kinh tế dùng rác thải để tái tạo năng lượng, với 4 nhà máy đốt rác để thu năng lượng điện, 6 nhà máy xử lý rác lấy gas;

Đó là Luanda (Angola), một đất nước từng bị nhiều “xứ quân” cát cứ mà sau chiến tranh 18 tỉnh đều có sân bay, dân nghèo mua nhà do nhà nước xây rẻ bằng 1/3 giá thị trường;

Đó là nước Mỹ, với Indiana có gần một nửa dân số thành phố là sinh viên đại học và những vị giáo sư với những bài giảng sâu sắc và tấm tình thân thiết với Việt Nam, v.v…

Qua những trang viết về nước ngoài, người đọc thấy tác giả thu hoạch được khá nhiều sau những chuyến đi rõ ràng là công tác, học tập (St. Petersburg, ô tô, đi bộ và ngồi thuyền; Biếc xanh Hessen; Tương phản ở Luanda; Sống chậm ở Wellington; Gần - xa Indiana; Một ngày ở Harvard…) cũng như đi theo tour du lịch (Bất ngờ ở Seoul; Campuchia, thoáng qua mà đậm đà…). Nhanh mắt thính tai,

Phần chủ yếu trong cuốn sách này đề cập đến những vùng đất ở nước mình. Nguyễn Tri Thức đau đáu nỗi quan tâm tới sự chuyển động trong nghề nghiệp, thay đổi tập quán trong thời đại mới ở làng “ra trông thấy than, vào nhìn thấy ngói” Hương Canh (Vĩnh Phúc), về hướng phát triển du lịch của vùng đầy rẫy những di tích cách mạng, tâm linh như ở Phước Long (Bình Phước), về sự phấn đấu để biến một địa ngục trần gian thành thiên đường nghỉ dưỡng của chính quyền và nhân dân Côn Đảo, về những biến chuyển trong cuộc sống người dân khi điện về huyện đảo Cô Tô… Tác giả đặc biệt lưu tâm tới những xã huyện vùng biên, vùng xa như Đàm Thủy (Cao Bằng – nơi một thời nhộn nhạo vì khai thác quặng để bán lậu cho nước ngoài), Đưng K’Nớ (Lâm Đồng – một “ốc đảo” nay đã có đường bê tông đến hầu khắp các xã), Rào Tre (Hà Tĩnh – một bản khi được phát hiện chỉ có hai chục hộ đồng bào Chứt quen sống ăn hang ở hốc, săn bắt hái lượm với nạn hôn nhân cận huyết thống), La Dạ (Bình Thuận – với phong tục đàn ông mê rượu, con gái thì “bắt rể”) đến cuộc sống của họ ngày nay.  

Những địa điểm từng làm nóng dư luận xã hội thì anh cũng đến và lý giải khá lạc quan: Bộn bề Nghi Sơn, Có một bauxite an nhiên, Kỳ Xuân (1/62 xã của tỉnh Hà Tĩnh bị 1 năm ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố Formosa) những muộn phiền tạm qua, Mặn hơn nước mắt (Kiên Giang trong đợt chống chọi với nạn xâm nhập mặn)… Nguyễn Tri Thức đã không ngần ngại sục vào những vấn đề nhạy cảm, và điềm đạm diễn giải bằng lý bằng tình. Hiện thực Trường Sa, nơi anh tận thấy cuộc sống gian khổ của các chiến sĩ Hải quân mà còn thấy đấy là nơi cung cấp nước sạch, thuốc men miễn phí, ứng cứu con người cũng như phương tiện của đòng bào và những láng giềng một khi có sự cố, nên tình cảm quân dân khăng khít, dân đánh bắt được nhiều cũng có chia sẻ cho bộ đội, đảo “làm heo” cũng chia cho các cháu con nhà dân…

Được biết, du ký là loại ký có cốt truyện, ghi chép về vẻ kỳ thú của cảnh vật thiên nhiên và cuộc đời; về những cảm nhận, suy tưởng của con người trong những chuyến du ngoạn. Du ký phản ánh, truyền đạt những nhận biết, những cảm tưởng, suy nghĩ mới mẻ của bản thân người du lịch về những điều mắt thấy tai nghe ở những xứ sở xa lạ, nơi mọi người ít có dịp đi đến, chứng kiến. Hình thức du ký có thể bao gồm các ghi chép, ký sự, hồi ký, thư tín, hồi tưởng, v.v... Tác giả của du ký tường bộc lộ niềm say mê khát khao tìm kiếm, khám phá những điều mới lạ.

Đọc Trường Sa - đã gặp, không quên, ta thấy rõ Nguyễn Tri Thức thêm một lần chứng minh cho nhận xét của nhà lý luận phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến trong Nhập môn văn học và phân tích thể loại (Nxb Đà Nẵng, 2003): “Trong du ký, hiện thực vẫn là đối tượng chính, cảm xúc góp phần làm cho bức tranh hiện thực có chiều sâu hơn. Chính điều này đã làm cho du ký nói riêng và thể ký nói chung không “bất cập” những phẩm giá của văn học”. Dễ hiểu, Nguyễn Tri Thức đặt tên thể loại cho cuốn sách này là du ký, ngoài việc kể và tả, còn dành một thời lượng đáng kể để bộc lộ tình cảm, cảm xúc của mình. Ví dụ anh kể về cảm giác được chào cờ: “lần này lại ở giàn khoan xa nhất Tổ quốc, là cảm giác cứ thấy dòng máu trong người hừng hực, rạo rực, xốn xang… Giữa mênh mông biển trời bao la, thấy đây là nhà mình. Là chủ quyền Tổ quốc bằng xương, bằng thịt, rõ hình hài”. Những dòng văn chương như thế thấm đẫm trong tập Trường Sa - đã gặp, không quên của tiến sĩ báo chí học Nguyễn Tri Thức và ghi dấu ngoạn mục vào cuộc giao thoa giữa báo chí và chính luận, văn chương.

(Đọc Trường Sa - đã gặp, không quên – Nguyễn Tri Thức – Nxb Hội Nhà văn & Liên Việt, 2019)

MỚI - NÓNG