Sáng nay (12/6), tại Hà Nội, NXB Hà Nội và Thư viện Hà Nội tổ chức lễ ra mắt cuốn sách “Thời cuộc và Văn hóa” của nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Tới dự lễ ra mắt có TS Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Hội Nhà báo Việt Nam, cơ quan báo chí và đông đảo bạn đọc.
Cuốn sách dày 523 trang, gồm năm phần: Trong lốc xoáy thế sự; Văn hóa giữ nước; Phẩm cách những con người; Lõi vàng văn hiến Việt Nam; Văn hóa và báo chí. Cuốn sách tập hợp 56 bài viết trong suốt hơn 20 năm qua là 56 lát cắt nóng hổi của thời cuộc, những biến động lớn của thế giới. Có những biến sự quốc tế dù đã diễn ra hơn 20 năm qua nhưng dư âm của nó còn ảnh hưởng tới Việt Nam đến tận ngày hôm nay.
Phát biểu tại lễ ra mắt cuốn sách, TS. Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, ông là một trong những người đầu tiên đọc bản thảo cuốn sách của Hồ Quang Lợi. “Trước gần 300 trang bản thảo trên tờ giấy A4, đây là thách thức thực sự với khối lượng đồ sộ của cuốn sách sắp ra đời”, ông Phạm Quang Nghị chia sẻ.
Trong bài viết thay Lời tựa của cuốn sách, ông Phạm Quang Nghị cho hay: “Trong đội ngũ những người làm báo, Hồ Quang Lợi là người sớm nổi tiếng, mặc dù với nếp nghĩ truyền thống, khi nói sự nổi tiếng về nghề của một ai đó rất hiếm khi chúng ta suy tôn người trẻ. Hầu như các danh hiệu tôn vinh, kể cả đến bây giờ, đều luôn mang tính dáng dấp của sự “kính lão đắc thọ”. Một nghệ sĩ hát rất hay, múa rất đẹp, thường chỉ được tôn vinh, được nhận những danh hiệu phong tặng khi đã về già dẫu ai cũng biết làm như thế là trái với sự tổng kết vô cùng chí lý trong dân gian: “Thầy già, con hát trẻ”.
“Với Hồ Quang Lợi, có lẽ không phải chờ đến bây giờ, khi anh đã gần 40 năm tuổi nghề, hơn 60 năm tuổi đời, mọi người mới gọi anh là một nhà báo nổi tiếng. Một cây bút từ lâu đã lựa chọn cho mình một thể loại không hề dễ dàng, chuyên viết bình luận, chính luận đã nhận được nhiều giải thưởng Báo chí Quốc gia; là Phó Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân, Tổng Biên tập báo Hànộimới, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam… Có lẽ nhiều người không nhớ và cũng không biết đến những chức danh lãnh đạo của anh. Nhưng nói đến nhà báo Hồ Quang Lợi thì chẳng mấy ai lại không biết. Tôi nghĩ, với những người lao động bằng nghề cầm bút, thì đó là niềm vui, là vinh dự lớn lao nhất. Và tôi dám chắc, những người có tiền rừng bạc biển, chức trọng quyền cao, dẫu muốn đổi, muốn mua cũng không được”.
Ông Phạm Quang Nghị cũng đưa ra nhận xét: “Tôi có cảm nhận đó là một sự thăng hoa cả về tư duy lẫn ngôn từ. Những câu chữ và ngôn từ của anh cứ như những cánh buồm no gió lướt trên mặt sóng”.
Cốt cách văn hóa trong mỗi con người
Trước đó, chia sẻ trước khi cuốn sách ra mắt độc giả, nhà báo Hồ Quang Lợi nói: “Tại sao tôi lại làm cuốn sách này bởi vì khoảng vài ba chục năm nay thế giới có những biến động quá kinh khủng, quá mạnh; những biến động ấy tạo nên những va đập vào đời sống văn hóa tinh thần của nhân loại, của thế giới, của từng dân tộc. Trong những va đập lịch sử ấy, có những giá trị văn hóa còn giữ được, cũng có những giá trị đã bị lung lay, gây ra những khổ đau, đổ vỡ. Làm sao để tránh được khổ đau, được đổ vỡ, thì trong đường đi của nhân loại, mỗi dân tộc phải tự rút cho mình những bài học. Có một câu ngạn ngữ là “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”, thì cái đẹp ở đây chính là văn hóa!”.
Đọc cuốn sách “Thời cuộc và Văn hóa” để thấy thể loại bình luận tưởng như rất khô khan, khó viết, khó đọc lại rất giản dị và khoa học. Cuốn sách mang đến một cách để nhìn nhận quá khứ, chiêm nghiệm ở hiện tại để mỗi người đưa ra một dự cảm về tương lai của thế giới, của Việt Nam và của chính mình.
Xuyên suốt cuốn sách là vô vàn những sự kiện lớn, tạo nên một bức tranh tổng thể về diện mạo văn hóa của thời chúng ta đang sống. Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng, dù đời sống có thay đổi ra sao thì điều quan trọng nhất là cốt cách văn hóa không bao giờ thay đổi. Cốt cách văn hóa không phải là điều gì xa xôi mà luôn có trong chúng ta, đó là tình yêu đất, tình yêu con người, là thái độ với cái xấu, cái tốt, cái tử tế, lương thiện trong con người.