Chuyện tình của cô giáo 38 năm tìm mộ người yêu

Chuyện tình của cô giáo 38 năm tìm mộ người yêu
Yêu từ thuở cắp sách tới trường, chàng trai Đào Đức Định xếp bút nghiên lên đường chiến đấu rồi hy sinh. Nơi quê nhà, người con gái Chu Thị Lưu Quang vừa dạy học, làm thơ vừa đi tìm mộ người yêu liệt sĩ suốt 38 năm ròng.

Chuyện tình của cô giáo 38 năm tìm mộ người yêu

> Phút xúc động của cô giáo nhiều năm đi tìm mộ người yêu

Yêu từ thuở cắp sách tới trường, chàng trai Đào Đức Định xếp bút nghiên lên đường chiến đấu rồi hy sinh. Nơi quê nhà, người con gái Chu Thị Lưu Quang vừa dạy học, làm thơ vừa đi tìm mộ người yêu liệt sĩ suốt 38 năm ròng.

Ngôi nhà đơn sơ nằm sâu trong ngõ phố Chùa Thông, phường Sơn Lộc (Sơn Tây, Hà Nội) chỉ có nữ giáo viên về hưu sống một mình. Bao năm qua, bức ảnh và những lá thư liệt sĩ Đức Định gửi về, cô giáo Lưu Quang vẫn trân trọng gìn giữ. Người chiến sĩ ấy là mối tình đầu, cũng là mối tình duy nhất của bà suốt tuổi thanh xuân đến tận bây giờ.

Những lá thư và bức ảnh là kỷ vật cô giáo Lưu Quang trân trọng gìn giữ suốt bao năm. Ảnh: Hoàng Phương
Những lá thư và bức ảnh là kỷ vật cô giáo Lưu Quang trân trọng gìn giữ suốt bao năm. Ảnh: Hoàng Phương.

Ngày ấy, hai người học chung trường cấp hai Trung Hưng (Ba Vì), anh Định hơn cô một tuổi. Tính tình Lưu Quang sôi nổi, học khá lại hát hay nên có nhiều chàng trai thầm mến, trong đó có anh Định. Tình yêu học trò chớm nở từ những cánh hoa lan anh lén giấu vào tập vở học trò của người yêu. Rồi họ gắn bó hơn sau những chiều tan học, cùng hái hoa sim, đi lễ chùa.

Mùa hè năm 1969, anh Định làm đơn tình nguyện lên đường chiến đấu khi tròn 19 tuổi. Trước khi đi, anh dặn dò Lưu Quang nếu chờ đợi lâu quá thì cứ yêu và lấy ai đó nếu họ tốt. Anh sợ không về thì cô lỡ dở tình duyên nhưng cô gái quả quyết sẽ đợi người yêu về.

Lần gặp cuối cùng trước khi lên đường chiến đấu, anh chơi đàn và hát cho Lưu Quang nghe. Anh cầm tay cô với lời hứa ra trận sẽ chỉ tiến chứ không lùi. Quang vội che miệng người yêu, không cho nói tiếp những điều gở. Hôm đó, anh đang chơi thì dây đàn bị đứt. Cây guitar bây giờ cô giáo Lưu Quang vẫn giữ và không nối lại dây.

Dọc đường hành quân, những cánh thư anh vẫn liên tiếp gửi về. Lá thư cuối cùng viết trên đất Lào, anh tin tưởng ngày về không xa. "Chúng ta xa nhau vào mùa mưa là mùa ly biệt nhưng rồi Định tin rằng thống nhất Tổ quốc là một ngày nắng đẹp. Định sẽ trở về quê hương, sẽ bước vội trên con đường từ bến xe về nhà dù còm cõi ốm đau, dù tàn phế... miễn làm sao vẫn có một tâm hồn trở về gặp Quang và gia đình".

Bà Lưu Quang cùng gia đình liệt sĩ Định đã xác định được ông hy sinh trên đất nước Campuchia. Ảnh: Hoàng Phương
Bà Lưu Quang cùng gia đình liệt sĩ Định đã xác định được ông hy sinh trên đất nước Campuchia. Ảnh: Hoàng Phương.

Năm 1971, bà đau đớn khi nhận tin người yêu hy sinh nhưng vẫn gắng gượng để vượt qua. "Nếu đúng nghĩa thì anh ấy vẫn chưa trở về bởi lúc hy sinh, đơn vị không tìm thấy hài cốt. Thế nên tôi vẫn phải đợi", bà Lưu Quang cười buồn khi nhắc lại kỷ niệm xưa. Nhiều năm trôi qua, bà vẫn nhớ rõ khuôn mặt, dáng hình, thói quen mặc áo sơ mi trắng luôn quên cài chiếc cúc trên cùng của người yêu.

Đất nước thống nhất, bà tốt nghiệp Đại học Sư phạm rồi về dạy Văn tại trường THPT Tùng Thiện, sau này chuyển sang trường THPT Sơn Tây. Bao thế hệ học trò ra trường ngưỡng mộ tấm lòng và câu chuyện tình yêu của cô giáo mà họ thân thương gọi là bầm, là mẹ.

Suốt bao năm qua, cô giáo Lưu Quang vẫn lẻ bóng và cùng gia đình liệt sĩ Định lần tìm mộ ông. Cứ dịp nghỉ hè, bà tìm gặp những người cùng chiến đấu với ông để hỏi tin tức.

Khó khăn nhất của bà là không biết được nơi ông hy sinh do không xác định đơn vị của ông. Khi gia đình mất hết hy vọng, bà vẫn đi tìm. Từ lá thư cuối cùng, ông viết tại Lào, bà hai lần sang đây, đến các nghĩa trang liệt sĩ ở Tà Khẹt, Luông Pha Băng tìm hàng nghìn ngôi mộ nhưng vẫn không thấy tên ông.

Bà Lưu Quang cùng chị gái liệt sĩ Đào Đức Định. Nhiều năm qua, bà được coi như một thành viên trong gia đình ông. Ảnh: Hoàng Phương
Bà Lưu Quang cùng chị gái liệt sĩ Đào Đức Định. Nhiều năm qua, bà được coi như một thành viên trong gia đình ông. Ảnh: Hoàng Phương.

Hết tiền, bà Lưu Quang quay về Việt Nam, tiếp tục đưa thông tin liệt sĩ lên mạng. Năm 2010, ông Lã Hữu Vĩnh, người cùng đơn vị ông Định năm xưa, tình cờ đọc được tin nhắn nên chủ động liên lạc giúp tìm kiếm. Cuối cùng, bà cũng biết ông thuộc đơn vị 24KB, Sư đoàn 1, Quân khu T3 (nay là Quân khu 9). Khi đơn vị 24KB gặp mặt vào cuối tháng 7 vừa qua, đồng đội cho biết ông hy sinh vì loạt đạn xuyên thẳng trong trận đánh ở chiến dịch Chen La II của quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Thi thể được mai táng gần chùa Phum Bân thuộc tỉnh Kandal.

Điều bà lo lắng nhất là khu vực có mộ đã bị san phẳng: "Không biết ngôi mộ của anh và ba đồng đội được di dời đến nơi nào hay đã bị san lấp. Dù khó khăn thế nào, tôi và gia đình cùng đồng đội anh vẫn sẽ đi tìm và tin là tìm được. Mình còn sống là vẫn may mắn hơn người đã khuất, họ mới thiệt thòi vì mất tất cả". Bà cho hay đầu năm sau sẽ cùng gia đình liệt sĩ Định sang Campuchia tiếp tục tìm kiếm.

Thời gian trôi qua, cô gái xuân sắc năm nào nay đã 63 tuổi. Bà sống một mình, thờ phụng mẹ cha và nhận nuôi con gái của người em trai. Bà bảo, không biết có phải vì lời hứa "đợi anh về" năm xưa vận vào người không mà những mối duyên đến sau này đều không thành, tình cảm cứ chớm nở rồi lại tàn. Bà gọi cha mẹ người yêu là ba mợ và thường xuyên thăm nom. Cụ Cúc, mẹ liệt sĩ Định, rất thương, nhiều lần khuyên bà sớm tìm một nơi chốn nhưng cô giáo Lưu Quang vẫn im lặng. Bà bảo dù chưa cưới xin, nhưng trong thâm tâm đã coi liệt sĩ Định là chồng.

"Năm tháng đi qua, chỉ có tình yêu và ký ức đẹp đẽ ở lại. Thời gian vẫn chảy trôi nhưng có những dấu mốc dừng lại, buộc mình phải nhớ và không thể nào bước qua. Đã yêu là sẽ đợi. Còn đợi đến bao giờ lại là việc riêng của mỗi người. Có lẽ sức mạnh để tôi vượt qua được tất cả là nhờ tình yêu dạy học, những vần thơ và tin vào cả tình yêu mãnh liệt dù biết người đã đi xa mãi không về", bà Lưu Quang tâm sự.

Chiều Sơn Tây gió nhẹ, những câu thơ cô giáo Lưu Quang viết trong một lần đến thăm ngôi mộ gió của liệt sĩ Đào Đức Định chợt ngân lên: "Anh, em đến rồi không nhận ra em sao? / Chiếc nón trắng còn đây / Chiếc khăn hồng còn đó / Và bài thơ dang dở đợi anh về...".

Theo Hoàng Phương
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG