> Kỳ 2 - Hợp đồng hôn nhân: Kiêu hãnh và định kiến
Kiểu nhà cổ lợp mái rạ đặc trưng giữa rừng cây ở thị trấn Rotselaar. |
Người gặp ở sứ quán
Nhờ buổi gặp mặt mừng xuân tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bỉ năm 2011, tôi quen biết vợ chồng Thư. Thoạt đầu tôi ngại ngần trước cách ăn mặc hào nhoáng của họ. Lúc đó bài hát Bonjour Vietnam của Quỳnh Anh rất thịnh. Tôi và Thư cùng chăm chú nghe một nhân viên sứ quán hát bài này. Nghe xong, tự nhiên có hứng khởi để bắt chuyện.
Trái ngược với vẻ sang trọng trong chiếc váy màu đen, sợi dây chuyền đắt tiền và túi xách hàng hiệu đầy xa cách, Thư thân mật cuốn tôi vào câu nói thẳng băng “Vợ chồng em là chủ nhưng làm như... chó chị ạ.” Biết Thư lớn lên ở Hà Nội, câu chuyện tuôn trào.
Tốt nghiệp ngành du lịch, xinh xắn lại thông minh, Thư được nhiều chàng trai theo đuổi. Dĩ nhiên Thư mong lấy được người chồng thành đạt, nói theo tiêu chuẩn kiểu cũ là “hơn cô một cái đầu”.
Cuối cùng Thư lấy Franky, cao hơn cô gần hai cái đầu: “Anh ấy kinh doanh cửa hàng thịt, ở Việt Nam mình cứ gọi thẳng ra là đồ tể, em lấy đồ tể chị à”.
Năm năm trước, Franky đang mệt mỏi kết thúc cuộc hôn nhân nhàm chán kéo dài hơn hai thập kỷ, tìm đến Việt Nam theo lời mời của người bạn kinh doanh du lịch.
Anh đắm đuối ngay Thư- cô gái 25 tuổi lịch sự, trẻ trung phơi phới dẫn dắt đoàn khách Bỉ và là chuyên gia tổ chức sự kiện cho một công ty du lịch ở Việt Nam.
Thư dần phải lòng Franky lúc nào không hay. “Anh ấy không tô vẽ thiên đường màu hồng dụ em bước vào. Lúc đó cũng có mấy anh người Việt theo đuổi, mở miệng là khoe vừa mua nhà, vừa tậu xe hơi. Lạ gì các bố! Em làm du lịch em biết, bồ bịch nhiều lắm. Ông thầy của em chứ đâu, sinh viên bán thân nhờ thầy nâng điểm suốt. Em sợ cái cảnh vừa đi làm, vừa chăm con lại lo giữ chồng lắm. Phụ nữ sao khổ thế. Nói thẳng là em tin đàn ông châu Âu hơn, ít ra họ thành thật. Nếu chẳng còn yêu nhau thì nói thẳng, không ngoại tình sau lưng”.
Franky mời Thư sang ở với anh 3 tháng tìm hiểu thực tế công việc và chứng kiến cảnh sống đời thường của mình trước khi quyết định kết hôn hay không.
Ba tháng thử thách ấy, Thư thấy anh đều đặn thức dậy từ 4h sáng để lọc thịt, chỉ huy nấu nướng, rồi quản lý nhân viên, phục vụ khách hàng, quan hệ đối tác, rà soát giấy tờ thuế má... Ngày cuối tuần Franky cũng lăn ra làm, đứng hàng tiếng đồng hồ nướng thịt, chạy phục vụ thực đơn cho các buổi yến tiệc cả trăm khách.
“Hôm nào chồng em bận quá, để thợ mới làm thì rất hao thịt vì không lọc được kỹ.” Thư đã nhiễm cách xót của và làm chủ kiểu Tây.
Cô càng thương Franky hơn vì quyết tâm làm lại sau cuộc hôn nhân đầu tiên đổ vỡ. Phần lớn tài sản anh để lại cho vợ cũ và hai con gái.
Cô kể: “Bố mẹ em ban đầu vui vẻ đồng ý. Hai ngày trước đám cưới, không hiểu ai xui dại lại đùng đùng đòi Franky phải mua một căn nhà ở Hà Nội mới cho cưới em. Em biết hoàn cảnh Franky thời điểm đó không thể mua nhà được. Em khóc, thuyết phục mãi bố mẹ mới chịu hiểu”.
Hạnh phúc khó khăn
Franky chi tiêu phóng khoáng. Cứ mỗi lần cùng vợ về Việt Nam, anh lại hào phóng biếu tiền gia đình, họ hàng nhà vợ. Nhiều khi Thư phải nhắc chồng kìm bớt. “Anh ấy làm hư gia đình nhà em, từ đó chị gái và các cháu cứ mở miệng ra lại kêu thiếu thốn, hỏi xin tiền.”
Tất nhiên, sự phóng khoáng của Franky là do tính cách của anh, không tiêu biểu cho đa số đàn ông phương Tây!
Con em Việt kiều múa nón mừng xuân 2011 tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bỉ. |
Thư cũng kiếm tiền, nhưng cô làm theo cách khác, nói đúng hơn, cô tự chủ công việc và kế hoạch tài chính. Để thay đổi cách nghĩ cứ lấy Tây là tự nhiên có nhiều tiền cho gia đình mình, Thư làm giấy mời xin visa cho chị gái cả sang Bỉ làm công việc lau dọn vệ sinh ngay tại cửa hàng thịt của nhà, trả lương hàng tháng.
Làm được vài tháng, chị gái nằng nặc đòi về, “không quen kiểu sống phương Tây, nhớ nhà”.
gia đình hạnh phúc của Thư và Franky. |
Tận mắt chứng kiến cuộc sống lao động của vợ chồng em gái, chị cả không còn gợi ý vợ chồng Thư giúp đỡ về tài chính nhiều như trước, chỉ hỏi vay khi thiếu thốn quá, sau đó đều tìm cách trả lại.
Nhìn một cô gái lấy chồng ngoại, chúng ta thường hình dung kịch bản cho tương lai của cô thế này: Kết hôn, ở nhà sinh con đẻ cái, chờ chồng đưa tiền để gửi về giúp đỡ bố mẹ hoặc tự tìm những công việc giản đơn kiếm tiền- cũng để chắt chiu gửi cho đại gia đình ở quê. |
Buổi đầu gặp Thư, cô khoe đang mang thai bé gái thứ ba được 6 tháng. Chỉ hai tháng sau, thấy Thư gọi nhỡ mấy cuộc, tôi sốt sắng gọi lại: “Sinh em bé rồi phải không, nhanh thế”.
Thư đáp: “Chị ơi, con em chết lưu ba ngày rồi. Trưa nay đi khám, bác sĩ không nghe thấy tim thai, kiểm tra mới biết”.
Làm thân phụ nữ lấy chồng xa, sinh nở đớn đau mệt mỏi thường chỉ một mình gánh lấy, nhưng cuộc vượt cạn này với Thư thật khốc liệt. “Lúc rặn con ra, em chỉ mong bác sĩ lầm, và con em vẫn cất tiếng khóc. Nhưng tất cả chỉ là sự im lìm bất động”.
Thư và các con trong chuyến về thăm việt Nam. |
Buổi tối hôm cô vừa sinh, tôi đến thăm, ôm lấy Thư, cô khóc nấc. Tâm trạng tôi cũng thật nặng nề, khó tả khi đến giúp Thư dọn về nhà. Cô đưa tôi ôm chiếc hộp sắt tròn đựng thạch cao có in hình đôi bàn chân bé nhỏ: “Em giữ lại dấu chân của bé. Thạch cao chưa khô, chị bê cẩn thận giúp em”.
Tôi ôm chiếc hộp thạch cao ấy suốt dọc đường Thư về nhà cô mới thuê. Cố quay đi để khỏi đau lòng, trước mắt tôi vẫn hiện lên đôi bàn chân nhỏ xinh ấy.
Suốt một tháng sau đó, Thư gần như kiệt sức và càng đau đớn hơn khi hàng ngày cứ phải kể đi kể lại câu chuyện đau buồn với những người quen biết ở cửa hàng, hàng xóm, bạn bè xa.
Giấc mơ
Mỗi lần về Việt Nam, bạn bè thường chúc tụng Thư sướng vì được làm bà chủ, chỉ việc ngồi đếm tiền, chỉ tay năm ngón và ăn chơi.
Ít ai biết một tuần sau khi sinh con, Thư hùng hục trở lại làm việc ở cửa hàng thịt nườm nượp khách. Cô than thở: “Việc gì cũng thuê người làm, còn đâu lãi nữa. Em đứng cả ngày, phục vụ trăm khách, đủ chuyện buồn vui. Có người rất thích em bán hàng cho họ, nhưng cũng có người ghét ra mặt, thấy em là lảng một góc, chờ bằng được nhân viên da trắng. Nhiều hôm gặp phải khách khó tính, ấm ức cả ngày. Họ hành em thái từng miếng thịt hun khói hoặc xúc xích: Thế này hơi dày, phải thật mỏng cơ, tôi chỉ mua hai lạng sao lại thành hai lạng rưỡi thế này, cắt lại đi, đúng hai lạng thôi”.
Mỗi lần như thế, Thư lại lấy hết sức, dùng tay ép, miết miếng thịt hun khói vào máy cắt thật mạnh để lạng từng miếng thật mỏng. Cả thân hình cô như đu trên chiếc máy sáng choang “Thương chồng em phải ra làm ở cửa hàng và giúp anh ấy quản lý chứ em không thích công việc này một chút nào. Nếu chị hỏi bây giờ em mơ gì, em chỉ muốn có thời gian vào trường học tiếng Hà Lan tử tế, sau này về Việt Nam mở lớp. Hoặc sống ở đây lâu dài, em muốn mở một cửa hàng sách báo, không sợ ôi thiu, lúc nào cũng được đọc sách, hứng lên có thể đóng cửa cả tháng trời du lịch hoặc về Việt Nam chơi. Đằng này, lo trả nợ ngân hàng, lo đối phó nhân viên gian dối hoặc lười biếng, lo quan hệ khách hàng, quá mệt!”.
Cuối mùa thu- mùa mở cửa rừng để săn bắn. Cửa hàng của Thư xuất hiện thêm thịt thú rừng tươi ngon. Vợ chồng cô hào phóng mở tiệc thết đãi bạn bè và khách hàng những món thịt thỏ, hươu, nai... dân săn bắt được.
Họ còn thuê cặp vợ chồng nhân viên người Bỉ đến tận nhà nướng thịt phục vụ khách. Vừa nướng, cặp vợ chồng này vừa giới thiệu chi tiết với chúng tôi từng món thịt rừng, loại nào nên ăn vừa chín hoặc còn vương chút hồng tươi bên trong để hưởng trọn vị ngon ngọt thịt thú hoang dã.
Trong bữa tiệc thịt rượu tràn li ấy, hầu hết nhóm phụ nữ cả Âu lẫn Á đều cho rằng Thư thật may mắn, lấy được người chồng giàu có và hào phóng như Franky.
Franky và các con trong chuyến về thăm Việt Nam. |
Thư có may mắn với cuộc tình ngoại của mình không, chắc chắn là có. Nhưng tôi nghĩ cô không thụ động ngồi chờ số phận, cô đấu tranh và nỗ lực, thậm chí hi sinh nhiều để có được hạnh phúc ấy.
Sinh nhật Thư, Franky mua tặng cô chiếc xe Audi màu trắng sang trọng đúng như cô mong ước, tiền trả góp xe “trừ dần vào lương tháng của em ở cửa hàng”.
Thư cũng kiếm ra đáng kể tiền cho Franky. Nhờ tính chặt chẽ của cô, Franky hạn chế được những khoản chi phí có thể tiết kiệm. Cô lập quy định nhân viên chỉ được ăn và uống miễn phí một vài món cố định vào bữa trưa thay vì trước đây thích gì ăn nấy trong hàng trăm loại thực phẩm bày bán ở cửa hàng.
Và cô cũng kiếm thêm nguồn thu mới từ bán xương lợn và bò cho các nhà hàng nấu súp, chế bột ngọt thay vì trước đây phải tốn tiền thuê người đổ xương ra bãi rác...
Kỳ 4: Những chuyện tình nhặt được ở sân bay Charles De Gaulles