“Phim ưng nhất à, chắc là “Thương nhớ đồng quê”!
Khi nhắc đến những tác phẩm được chuyển thể của Nguyễn Huy Thiệp, người ta thường nói có ba phim: “Tướng về hưu” được đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi làm gần như ngay sau khi truyện ngắn ra đời (1987), năm 1988 phim đã phát hành; “Thương nhớ đồng quê” của đạo diễn Đặng Nhật Minh hoàn thành năm 1995 và “Những người thợ xẻ” phiên bản Vương Đức ra mắt năm 1998. Về sau, năm 2011, đạo diễn Nhuệ Giang có làm “Tâm hồn mẹ” nhưng vì nhiều lý do, đôi khi các tay viết điểm phim hay quên tác phẩm này.
Thực ra, trước đó, khoảng những năm 2000, truyện ngắn “Chuyện tình kể trong đêm mưa” được chính Nguyễn Huy Thiệp chuyển thể kịch bản, vào tay đạo diễn Ngô Quang Hải gần như đã đi được 1/3 chặng đường lên màn ảnh rộng, nhưng cuối cùng lại đổ bể vì không thống nhất được với nhà sản xuất, trở thành một dự án dở dang.
Sinh thời, khi được hỏi trong số các truyện ngắn được chuyển thể của mình, ông ưng phim nào nhất, Nguyễn Huy Thiệp trầm ngâm một lát rồi khẳng định: “Ưng nhất à, chắc là “Thương nhớ đồng quê”. Rồi ông nói thêm: tay Minh (chỉ đạo diễn Đặng Nhật Minh) giỏi, hắn làm ra được cái “màu” thương nhớ buồn man mác. Đừng coi nhẹ điều này, vì vẻ buồn man mác trong các tác phẩm văn học lừng danh sống lâu hơn năm tháng đời người”.
Nguyễn Huy Thiệp cũng tỏ ra khá thích thú khi Đặng Nhật Minh đưa vào phim khá nhiều các đoạn thơ của ông, thay cho thoại. Riêng bài “Cánh đồng” được nhân vật Minh (em gái Nhâm) đọc gần như nguyên văn.
Trong phim, Nguyễn Huy Thiệp còn dành nhiều lời khen cho phần hình ảnh của “Tuấn Tít” (nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn) và vai Nhâm của Tạ Ngọc Bảo. Một người bạn của ông nói đùa: khen Nhâm có khi vì ông thấy thanh niên này giống mình. Quả thật, về mặt ngoại hình, Tạ Ngọc Bảo có đôi chút giống Nguyễn Huy Thiệp thời trẻ, nhất là ở những góc nhìn nghiêng.
Quyên của Lê Vân
Vai Quyên trong phim là một cô gái vượt biên, suýt chết mất xác trên biển, từng phải kết hôn với một người Mỹ để có quốc tịch, khi về thăm quê cô đã là một người đàn bà từng trải. Còn Quyên trong truyện là một sinh viên đại học chỉ hơn Nhâm vài tuổi, xuất hiện như một nàng thơ.
Trong một phỏng vấn cuối cùng của tôi với Lê Vân (sau đó chị quyết định ở ẩn, không hề xuất hiện trên báo chí với tư cách là một diễn viên nữa), chị kể rằng ban đầu khi nhận kịch bản, chị nghĩ sẽ được mời vào vai Ngữ, một người vợ trẻ luôn luôn xa chồng, sống trong cô đơn, chờ mong mỏi mòn. Chị Ngữ sống như góa phụ, không có ai để dựa vào, dần dần tình cảm của chị với Nhâm có những thay đổi, không còn là chị dâu em chồng nữa mà giống như tình yêu nam nữ.
Liền chị quan họ Thúy Hường trong vai chị Ngữ |
Nhưng đạo diễn Đặng Nhật Minh lại không có ý này, ông đã chọn được Ngữ, chính là liền chị quan họ Thúy Hường. Trong phim có lồng nhiều ca khúc quan họ do Thúy Hường trình bày. Sợ Lê Vân lặp lại hình ảnh của “Bao giờ cho đến tháng mười”, ông quyết định giao vai Quyên cho Lê Vân.
Lê Vân nhận định, trong số ba nhân vật chính, Quyên khó diễn nhất. Trong kịch bản, vai Quyên cũng không có nhiều đất diễn, cô thậm chí khá lạc quẻ so với những người “sinh ở nông thôn, mẹ là nông dân” như toàn bộ các nhân vật còn lại.
“Tôi đã đắn đo rất lâu để tìm ra Quyên cho mình. Đó là một người đàn bà suốt đời đi tìm hạnh phúc. Tìm từ nhỏ đến lớn, từ Đông sang Tây. Cứ khi nào có cảm giác hạnh phúc đã đến tay thì nó lại vuột đi. Đây là vai diễn giống tôi nhất trong tất cả các vai tôi từng đóng”. Lê Vân nói.
Quyên của Lê Vân được ví như “Con gái thủy thần” |
Tuy nhiên, khi lên phim, Quyên của Lê Vân bị nhiều người chê là bước lùi của chị, nhất là so với hai “lính mới” Tạ Ngọc Bảo và Thúy Hường. Quyên không có được sự tự nhiên, chân chất và nhiều bối rối như Nhâm hay chị Ngữ. “Quyên chỉ đẹp thôi”, có người bình luận. Đoạn Quyên vai trần tắm sông trước mắt Nhâm khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh “Con gái thủy thần” trong văn Nguyễn Huy Thiệp.
“Thương nhớ đồng quê” là truyện ngắn giàu chất điện ảnh nhất của Nguyễn Huy Thiệp
Trong một buổi nói chuyện với đạo diễn Đặng Nhật Minh, ông chia sẻ rằng, những ngày làm phim “Thương nhớ đồng quê” là những ngày vui nhất trong đời làm phim của ông. Lý do vì đây là bộ phim do Đài Truyền hình NHK Nhật Bản đặt hàng, ông được toàn quyền quyết định mọi vấn đề chi tiêu, và quan trọng hơn, ông được chuẩn bị một kịch bản mà ông thích, về những vấn đề mà ông thực sự quan tâm.
Khi lời đề nghị của NHK đến với Đặng Nhật Minh, ông đã có sẵn kịch bản “Thương nhớ đồng quê” trong tay. “Tôi viết kịch bản này cách đấy nửa năm, tức hứng mà viết. Không ai đặt tôi viết và viết xong tôi cũng chưa định gửi đi đâu cả. Thoạt tiên tôi thấy ở truyện ngắn này một không gian điện ảnh đầy gợi cảm. Các nhân vật chỉ được phác họa vài nét về tính cách, còn thoại thì hầu như không có. Tất cả chỉ là những lời kể ngắn gọn của nhân vật Nhâm, một thanh niên vừa mới lớn. Thoạt đầu tôi có ý định rủ Thiệp viết chung, nhưng Thiệp nói: Ông viết đi. Tôi cẩn thận mời Thiệp lại nhà trình bày ý định của mình về mối quan hệ giữa ba nhân vật: Quyên, Nhâm, Ngữ để tạo ra cái lõi kịch tính của bộ phim. Trong truyện ngắn không có mối quan hệ tay ba này, nhưng tôi thấy nó rất cần thiết cho bộ phim.
Ở thời điểm mới phát hành, “Thương nhớ đồng quê” đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều đến từ giới phê bình điện ảnh trong nước, trong đó có những quy kết rất nặng nề như: bôi đen hiện thực, không thấy những thành tựu của đổi mới, những cố gắng của Đảng và Nhà nước ta để cải thiện đời sống ở nông thôn v.v....
“Nhiều bạn bè ngạc nhiên tại sao tôi lại có thể đứng vững trước đòn hội chợ này của báo chí. Thực ra tôi chẳng có bản lĩnh gì ghê gớm cả. Chẳng qua trong những ngày ấy tôi cảm thấy mình như người đi đường bị đâm xe nhưng rồi lại im lặng đứng lên phủi sạch quần áo rồi đi tiếp” (trích lời kể của đạo diễn Đặng Nhật Minh).
Khi tôi vẽ ra trên giấy sơ đồ tay ba của mối quan hệ đó thì Thiệp thốt lên: Ông thắng rồi. Bộ phim nhất định thành! Thiệp còn gợi ý cho tôi nên kết hợp thêm truyện ngắn “Những bài học nông thôn”. Tôi nhất trí”. Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ.
Về sau, có người thắc mắc vì sao trong số các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp ông lại chọn “Thương nhớ đồng quê” vì rõ ràng câu chuyện này không có kịch tính, rất khó để làm thành phim. Đạo diễn Đặng Nhật Minh giải thích: “Dưới con mắt tôi đó là truyện ngắn giàu chất điện ảnh nhất của Nguyễn Huy Thiệp”.
Để khắc phục nhược điểm của truyện ngắn, khi chuyển thể, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã tạo nên mối quan hệ tam giác của ba nhân vật Chị Ngữ - Nhâm - Quyên để tạo kịch tính cho tác phẩm. Mối quan hệ này không tồn tại trong nguyên tác. Tình cảm của Nhâm với chị Ngữ trong truyện không hề “phức tạp” như trong phim, mặc dù nói về những trái ngang kiểu này, Nguyễn Huy Thiệp là trùm. Nhiều nhân vật được cho là thú vị có trách nhiệm truyền tải một số thông điệp trong truyện cũng bị cắt đi, ví như sư Thiều, ví như nhà thơ Bùi Văn Ngọc...
Việc tìm ra Tạ Ngọc Bảo để vào vai Nhâm là một thành công của phó đạo diễn Nhuệ Giang. Tạ Ngọc Bảo như sinh ra để trở thành Nhâm, một thanh niên 17 tuổi “thích làm thơ và hay suy nghĩ vẩn vơ” về những “nỗi nhọc nhằn đầy mặt đất/ sự vô nghĩa trắng trợn đầy mặt đất/ những số phận hiu hắt đầy mặt đất”...
Tạ Ngọc Bảo trong vai Nhâm |
Bộ phim ra mắt và đạt thành công ngoài mong đợi. Khi công chiếu ở nước ngoài, hầu hết các nhà báo của Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Nhật, Đức, Canada, Ấn Độ... đều dành cho “Thương nhớ đồng quê” những nhận xét đầy thiện cảm. Nó đã đem về cho đạo diễn Đặng Nhật Minh hàng chục giải thưởng cả trong nước và quốc tế đồng thời là đại diện của điện ảnh Việt Nam đi lưu diễn ở 60 liên hoan phim quốc tế.