“Cây đại thụ” của điện ảnh Việt, đạo diễn Đặng Nhật Minh, trong phát biểu của mình, ngoài các cộng sự, đã gửi lời cảm ơn Hà Nội, cảm ơn những người Hà Nội đã cho ông chất liệu và cảm hứng để làm bộ phim đặc biệt này.
Hoa nhài được thực hiện khi đạo diễn đã ở tuổi ngoài 80. |
Dung lượng của Hoa nhài không dài, gói gọn trong 90 phút. Phim không có ngôi sao, hầu hết diễn viên đều là gương mặt mới. Nội dung cũng không có yêu hận tình thù hay những cú plot twist như công thức điện ảnh thời thượng hiện nay. Nó kể về các mối quan hệ giữa con người với con người trong vòng xoáy của cuộc sống đô thị đầu những năm 2000: một em bé đánh giày từ nông thôn ra Hà Nội kiếm sống; một ông thợ cắt tóc và vợ là bà bán nước chè chén vỉa hè; một ông giáo già người Hà Nội gốc dạy hát cho các em khiếm thị, một chị nông dân bỏ quê ra thành phố làm giúp việc ở bệnh viện…
Nhịp phim chậm, màu phim cố tình làm theo kiểu hoài cổ, ngay cả các góc quay cũng rất ý nhị theo một công thức chuẩn mực từ xa đến gần chứ không thình lình quay ngang chính diện như kiểu “Bố già” của Francis Ford Coppola.
Vợ chồng ông thợ cạo và bà bán nước chè chén trong phim. |
Cảm giác đầu tiên của tôi khi xem Hoa nhài: đây là phim của một đạo diễn già – bởi chỉ người già mới đặt nặng những đạo đức, lễ nghi, mới hay hoài niệm xưa cũ, mới chậm rãi và nệ tình. Cảm giác thứ hai: đạo diễn già ấy giỏi nghề không phải nghi ngờ. Từ những câu chuyện nhỏ lẻ và thường nhật gần như không có xung đột, thế nhưng ông vẫn níu người xem suốt 90 phút, gần như không thể dời mắt khỏi màn hình. Hai khán giả lớn tuổi ngồi cạnh tôi nhiều lần lau nước mắt. Không phải vì chuyện phim bi thương. Người ta xúc động vì những sự tử tế lại được kể ra một cách vô cùng bình thường.
Nhiều khán giả rơi lệ vì những câu chuyện cảm động trong phim. |
Hoa nhài khiến tôi nghĩ đến phim tài liệu Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy: “Tử tế thật sự không phải là chuyện có tiền bạc hoặc muốn là có ngay. Nó cũng phải được học hành, được dạy dỗ, được tập luyện, kế thừa và gìn giữ. Tử tế như hoa thơm, hoa đẹp không thể thiếu được của cuộc đời. Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm".
Cà phê đường tàu lên phim. |
Mặc dù tên phim Hoa nhài và cả các câu thoại trong phim đều khiến người ta nghĩ rằng tác giả muốn tôn vinh nét thanh lịch của người Hà Nội: “Dẫu thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Thế nhưng, khi trả lời phỏng vấn sau buổi chiếu, Đặng Nhật Minh lại khẳng định: “Câu ca dao trên không phải mấu chốt của phim. Phim này không phải nhằm ca ngợi sự thanh lịch của người Hà Nội mà chủ yếu nói về lòng nhân ái, sự quan tâm đùm bọc lẫn nhau của những người Hà Nội. Câu ca dao trên chỉ khái quát một phần tính cách của người Hà Nội mà thôi”.
Sinh ra ở Huế, nhưng đã sống ở Hà Nội hơn 60 năm, Đặng Nhật Minh nói rằng những gì diễn ra trên phim là kết quả quan sát hàng ngày của ông, do đó Hoa nhài rất giản dị đời thường không có gì ngoài cái tình của những người Hà Nội.
Đặng Nhật Minh là cha đẻ của những tác phẩm nổi tiếng như: Bao giờ cho đến tháng 10, Cô gái trên sông, Thương nhớ đồng quê, Hà Nội mùa đông 46, Mùa ổi, Đừng đốt… trong đó Bao giờ cho đến tháng 10 được CNN bình chọn là 1 trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại. Bộ phim gần đây nhất của ông là Đừng đốt (2009). Sau đó ông có một quãng dài nghỉ ngơi trước khi bắt tay làm Hoa nhài.
Vai chính của Hoa nhài do Nguyễn Đức Minh đang là học sinh lớp 12 tại Hà Nội đảm nhận. |
Giống như cách thức nhất quán từ trước đến nay của mình, Đặng Nhật Minh trực tiếp viết kịch bản và đạo diễn. Điều khác biệt duy nhất, đây là bộ phim ông làm bằng tiền cá nhân (cùng với các cộng sự và người thân của mình), không có đơn đặt hàng của nhà nước, không có nhà tài trợ.
“Nó có nhiều cái vất vả vì kinh phí eo hẹp, nhưng bù lại mình được hoàn toàn tự do. Cái cảm giác đó rất quan trọng đối với người nghệ sĩ mà trước đây tôi chưa từng trải nghiệm bao giờ”, ông nói.
Bộ phim được hoàn thiện trong suốt hai năm COVID. Vị đạo diễn – con trai của bác sĩ Đặng Văn Ngữ chia sẻ, ông và ê kíp làm phim rất bất ngờ khi Hoa nhài được chọn tham dự HANIFF 2022. Đây cũng là bộ phim dài duy nhất của Việt Nam được chọn dự thi tại liên hoan phim.