Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Kiev bằng tàu hoả, ngày 23/8. (Nguồn: Viory) |
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Ấn Độ đến Ukraine kể từ khi Ukraine độc lập. Chuyến thăm diễn ra chỉ vài tuần sau khi ông Modi thăm Nga và có cuộc hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin.
New Delhi nhiều lần kêu gọi ngừng bắn và thiết lập hòa bình ở Ukraine, nhưng không đứng về phương Tây để chỉ trích Nga. Giới quan sát cho rằng New Delhi coi Mátxcơva là đối tác quan trọng để cân bằng mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc.
Ấn Độ cũng là một đối tác kinh tế quan trọng của Nga, thông qua việc tăng cường nhập khẩu dầu thô của Nga trong giai đoạn phương Tây quay lưng.
Reuters dẫn dữ liệu từ các nguồn thương mại và công nghiệp đưa tin, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước nhập khẩu dầu thô Nga nhiều nhất thế giới từ tháng 7/2024.
Thủ tướng Modi đến Kiev sau khi có chặng dừng chân ở Ba Lan, nơi ông phát biểu tại cuộc họp báo ở Warsaw rằng "không có vấn đề nào có thể giải quyết trên chiến trường".
"Chúng tôi ủng hộ đối thoại và ngoại giao để sớm khôi phục hòa bình và ổn định. Vì mục tiêu này, Ấn Độ sẵn sàng cùng các quốc gia thân thiện cung cấp mọi hỗ trợ có thể", ông Modi phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ba Lan Donald Tusk ngày 22/8.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Kiev bằng tàu hoả, ngày 23/8. (Ảnh: Instagram) |
Chuyến thăm của Thủ tướng Modi đến Ukraine diễn ra vào thời điểm quan trọng của cuộc xung đột kéo dài 2 năm rưỡi, khi lực lượng Ukraine đang triển khai chiến dịch tấn công chưa từng có vào lãnh thổ Nga.
Kiev đang tiếp tục vận động sự ủng hộ của các quốc gia cho công thức hòa bình mà họ đưa ra, dựa trên điều kiện tiên quyết là Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay làm dấy lên lo ngại rằng sự ủng hộ quan trọng của Mỹ sẽ suy giảm nếu ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump chiến thắng.
Trong suốt cuộc xung đột, Ukraine luôn nỗ lực thuyết phục những quốc gia có quan hệ gần gũi với Nga, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc, thúc giục Mátxcơva chấp nhận các điều khoản của Kiev.
Dù tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình quốc tế cho Ukraine tại Thụy Sĩ vào tháng 6, Ấn Độ không đồng ý với tuyên bố chung của hội nghị, cho rằng cần phải có "sự tham gia chân thành và thực tế giữa hai bên trong cuộc xung đột".
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, trong chuyến thăm Ukraine, Thủ tướng Modi dự kiến sẽ thảo luận với Tổng thống Zelensky về các vấn đề song phương, bao gồm thương mại, cơ sở hạ tầng và quốc phòng.
"Tất nhiên, chuyến thăm mang tính dấu ấn này được thực hiện trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine. Vấn đề này cũng sẽ là một phần trong các cuộc thảo luận", một quan chức của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết đầu tuần này.
Văn phòng tổng thống Ukraine cho biết, Thủ tướng Modi và Tổng thống Zelensky sẽ thảo luận các vấn đề hợp tác song phương và đa phương, chứng kiến lễ ký kết một số thoả thuận hợp tác.
Trong những tháng gần đây, quan chức của hai nước bày tỏ sự quan tâm đến việc khôi phục trao đổi thương mại, sau giai đoạn sụt giảm vì xung đột.